Phụ huynh “ngồi trên lửa” khi con chuẩn bị vào cấp 3

Con chuẩn bị vào cấp 3, nhiều phụ huynh không tránh khỏi lo lắng, đứng ngồi không yên. Chọn trường nào phù hợp; giúp con ôn luyện sao cho đúng cách, chuẩn bị tâm lý mùa thi cho con thế nào… là những câu hỏi khiến họ vô cùng bối rối.

Năm nay có con trai út thi vào cấp 3, cả gia đình anh Lê Văn Hà (đường Phạm Văn Đồng - Hà Nội) lo đứng lo ngồi vì lực học của cháu dường như “giảm sút nghiêm trọng so với mấy năm trước”.

“Con mà thi trượt vào cấp 3 thì không biết sẽ làm gì? Học ở đâu? Lỡ dở bao công lao đèn sách. Mà điểm thi thấp, nếu có đỗ cũng sẽ lại bị xếp vào lớp kém thì có khi mấy năm học sau con cũng bết bát theo” - anh Hà lo lắng giải thích.

Bởi thế, hai vợ chồng anh thay nhau đôn đốc con học ngày học đêm. Vừa thúc con đi học thêm Toán, Văn - 2 môn thi bắt buộc, cũng là hai môn con học yếu, anh chị vừa chủ động thuê gia sư cho con ôn luyện tại nhà. Một thời gian biểu chi li: ăn gì, học gì, ngủ lúc nào… được thiết lập. Vợ anh thậm chí còn chuyển hẳn lên ngủ cùng phòng với con để việc chăm con học được sát sao.

“Con trai dễ chểnh mảng, ham chơi. Bây là giờ cao điểm nên vợ chồng mình phải nghiêm khắc thì cháu mới thành công được” - anh khẳng định. Mong ước của anh là con sẽ thi đỗ vào ngôi trường công gần nhà, nơi có người chị họ làm giáo viên, tiện quản lý cũng như tạo điều kiện cho con học tập.

Phụ huynh “ngồi trên lửa” khi con chuẩn bị vào cấp 3
Kỳ tuyển sinh vào cấp 3 không chỉ căng thẳng với học sinh mà còn gây nhiều lo lắng với phụ huynh.

Đặt mục tiêu cao hơn vợ chồng anh Hà, chị Nguyễn Thị Mai (đường Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) muốn con mình sẽ thi đỗ vào một trường chuyên nổi tiếng của thành phố vì nghe nói “học ở trường này, tỉ lệ đỗ đại học 100%, lại nhiều cơ hội tìm học bổng ra nước ngoài”, chị Mai giải thích.

Để đạt được mục tiêu, ngay từ đầu năm học, chị đã bỏ công tìm hiểu, tham khảo những địa chỉ lò luyện thi uy tín nhất ở Hà Nội và khẩn thiết xin cho con vào học. Mỗi ngày chị đều dành thời gian lên một diễn đàn để học hỏi các kinh nghiệm kèm cặp cũng như chăm sóc con mùa thi. Chị còn làm quen với cô giáo dạy có tiếng ở ngôi trường mà mình “nhắm” cho con thi vào để trao đổi và hỏi han kinh nghiệm.

Ấy vậy mà con chị có vẻ không hài lòng, thậm chí cháu còn tỏ ý giận dỗi vì không muốn thi vào ngôi trường mà mẹ đã chọn vì sợ sẽ không được học cùng những người bạn thân của cháu.

Người mẹ sốt ruột tâm sự: “Chỉ cho con ăn với học thôi mà nó cứ dửng dưng, thậm chí còn chống đối. Từ hồi đầu năm đến giờ, cháu ít nói và xa cách hẳn với bố mẹ chỉ vì chuyện chọn trường và học thêm, học nếm. Mình giận lắm, nhưng không dám làm căng. Phải đợi thi xong thì mới dám xử lý”.

Trong khi đó, đề cao quan điểm “tôn trọng con cái”, chị Đinh Thị Thúy Hằng (đường Kim Mã - Hà Nội) tương đối nhàn nhã khi mùa thi đến. Con chị cũng sắp bước vào hai kỳ thi lớn, nhưng chị không quá căng thẳng. Hàng ngày, chị chỉ quan tâm hơn đến con bằng cách chăm chút bữa ăn, giấc ngủ, thường xuyên hỏi thăm con có gặp bài vở khó cần mẹ trợ giúp hay không. Cuối tuần, thay vì “ép” con đi học thêm như nhiều người khác, chị Hằng lại rủ con đi chơi, xem phim, mua sắm để con giải tỏa stress. Chị bảo, mới đây con và bố mẹ đã thống nhất là cháu sẽ thi vào trường cấp 3 FPT, là một trong hai ngôi trường ở Hà Nội nhận học sinh nội thành học nội trú.

“Trường xét tuyển và cho các con làm bài kiểm tra năng lực tính toán và IQ chứ không phải học thi căng thẳng nhồi nhét. Con lớn của tôi học trung học ở Mỹ cũng học và thi theo dạng đề tương tự. Theo đánh giá của tôi, các con sẽ không phải chật vật "học gạo" với bài kiểm tra này bởi nó trực tiếp đánh giá tư duy, tố chất cũng như khả năng của trẻ. Bên cạnh đó, nếu thi đỗ, con tôi sẽ được học nội trú, coi như một công rèn giũa để lên đại học gửi cháu đi du học xa nhà luôn" - chị Hằng lý giải về lựa chọn cho mình.

Chị Hằng cho biết thêm, chị không quyết định một mình, mà đã sớm trao đổi và cho con cùng tìm hiểu, đăng ký cùng con lên tham quan trường và cháu tỏ ra rất thích thú. Nhờ đó, cháu tỏ ra rất quyết tâm trong việc học tập để "kết thúc mỹ mãn cấp 2, nhanh nhanh vào cấp 3 trường mới".

Dù chưa nhiều, những đã có những phụ huynh sẵn sàng cho con theo học những môi trường mới, tìm tòi các mô hình giáo dục mới và cùng con bàn thảo về định hướng tương lai để đi đến quyết định cuối cùng.

Anh Tiến Dũng (Hoàng Mai, Hà Nội), một giảng viên đại học kể dù nhà ở ngay Hà Nội nhưng anh đã cho cậu cả đi học nội trú ngay từ năm lớp 10, và cậu con trai chững chạc trưởng thành hẳn lên như mong muốn của gia đình. "Thời cấp 3 cả hai vợ chồng đều đi học sơ tán xa nhà nên biết môi trường tập thể giúp rèn dũa con người rất tốt. Trẻ con bây giờ học thì nhiều nhưng kỹ năng xã hội yếu, lại có tâm lý ỷ lại vào cha mẹ. Cậu cả mới lên lớp 11, cậu thứ 2 vào lớp 10 chúng tôi cũng cho học nội trú cùng trường với anh luôn. Vừa được giảm học phí cho đứa thứ hai, vừa cho anh em nó chăm sóc học hỏi lẫn nhau", anh hóm hỉnh kể ngay trước chuyến đưa cậu út lên Hòa Lạc nơi cậu cả đang học để hai anh em làm tour tham quan trường.

Phụ huynh “ngồi trên lửa” khi con chuẩn bị vào cấp 3
Học nội trú được nhiều phụ huynh chọn để rèn luyện con trước khi cho con đi du học đại học.

Anh cũng chia sẻ thêm kinh nghiệm gửi con học nội trú: "Kỷ luật của trường nội trú rất tốt, trẻ con khó bị nghiện game hay vi tính hơn; nhưng thời gian đầu các cháu đi học sẽ nhớ nhà và hay phàn nàn vì không có bố mẹ phục vụ tận răng như ở nhà, lại còn phải cùng các bạn tham gia các hoạt động lao động; nhưng chỉ cần qua tháng đầu tiên sẽ thấy các con "lớn" hẳn lên và thích thú với môi trường mới".

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, việc các bậc phụ huynh gây sức ép quá lớn đến việc thi cử, học hành của con cái có thể gây nên những hậu quả khó lường như khiến con trẻ chán nản, mệt mỏi, thậm chí bê trễ việc học. Thậm chí, nhiều trường hợp còn bị rối nhiễu tâm lý, trầm cảm và có những phản ứng tiêu cực...

“Để giúp con có được tinh thần tốt nhất trong mùa thi cử, cha mẹ nên chủ động trò chuyện, trao đổi để hiểu khả năng, cũng như nguyện vọng của con. Hãy hỗ trợ chứ đừng ép uổng con trẻ, và hãy tìm cho con một môi trường phù hợp nhất” - bà Kim Quý đưa ra lời khuyên.