Phụ huynh học sinh tuổi “Dê vàng” lo lắng tìm suất lớp 10 công lập

Mùa tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2018 của Hà Nội dự kiến sẽ rất “nóng” bởi sức cạnh tranh của hơn 100.000 học sinh tuổi Quý Mùi.

Mặc dù mới hết học kỳ I nhưng tại nhiều trường THCS, không khí chuẩn bị ôn luyện cho kỳ thi lên cấp của học sinh lớp 9 đã được đẩy mạnh bởi dự kiến sức cạnh tranh cao trong năm 2018. Trong cuộc đua khốc liệt, gần 40% học sinh sẽ chỉ được học ngoài công lập hoặc giáo dục nghề.

Năm 2018, Hà Nội tăng 24.000 học sinh dự thi lớp 10 THPT công lập.
Năm 2018, Hà Nội tăng 24.000 học sinh dự thi lớp 10 THPT công lập.

Vất vả tìm chỗ học vì sinh năm đẹp

Năm Quý Mùi đã được dự báo từ lâu về tình trạng tăng dân số đột xuất do chọn sinh năm đẹp. Tại Hà Nội, số liệu thống kê đến thời điểm này cho thấy có khoảng 100.000 học sinh đang học lớp 9 và đương nhiên sang năm số này sẽ phải cạnh tranh vào lớp 10 công lập. Số lượng này tăng so với kỳ tuyển sinh 2017 là 24.000 học sinh. Đây là con số không nhỏ khiến các bậc phụ huynh khá lo lắng về việc tìm chỗ học cho con.

“Năm nào Hà Nội cũng chỉ dành khoảng 60% chỉ tiêu vào trường công lập, gần 40% học sinh phải học hệ ngoài công lập hoặc giáo dục thường xuyên, học nghề… Đáng nói là không chỉ cạnh tranh công lập khó mà cả suất vào những trường ngoài công lập chất lượng cũng sẽ khó bởi quá đông học sinh”, bà Đặng Mai Lan, phụ huynh học sinh trường THCS Lý Thường Kiệt, Đống Đa lo lắng.

Bà Đỗ Việt Hiền, Hiệu trưởng trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, năm nay khối lớp 9 có 326 học sinh, tăng 100 em so với năm trước. Nguyên nhân học sinh tăng cao được xác định là do năm sinh (2003) được cho là năm Dê vàng, năm đẹp nên tỉ lệ sinh tăng cao. “Tỉ lệ học sinh tăng cao, dẫn đến tỉ lệ chọi được xác định là cao hơn năm trước nên để cạnh tranh buộc trường phải nâng cao chất lượng học sinh”, bà Đỗ Việt Hiền nói.

“Điều mà tôi lo nhất là chỉ tiêu vào lớp 10 năm nay có được điều chỉnh tăng lên so với năm ngoái hay không, bởi mấy năm trở lại đây Hà Nội có chủ trương giảm sĩ số học sinh trong lớp để tăng chất lượng. Nếu các trường THPT không được tăng chỉ tiêu để đảm bảo sĩ số như năm trước thì học sinh sẽ rất vất vả để đỗ được vào công lập”, bà Đặng Mai Lan lo lắng.

Áp lực lớn do thiếu trường công lập

Thực tế lâu nay là số trường THPT công lập ở Hà Nội vốn đã không đủ để đáp ứng nhu cầu, chứ chưa cần năm đẹp. Tiêu biểu là quận Cầu Giấy, trong khi số lượng trường THCS công lập và ngoài công lập khá đông với 21 trường thì ở khối THPT chỉ có 3 trường công lập.

Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy), bà Lê Thị Thúy Nga cũng chia sẻ nỗi lo, áp lực của giáo viên, học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10. Theo bà Lê Thị Thúy Nga, khi tuyển đầu vào, trường công lập như THCS Dịch Vọng phải tuyển tất cả học sinh lớp 6 trên địa bàn, nghĩa là không được chọn đầu vào. Chính vì vậy, để nâng chất lượng học sinh, đảm bảo đỗ tỉ lệ cao vào các trường THPT công lập, giáo viên cực kỳ vất vả. Không chỉ giáo viên, mà phụ huynh, học sinh đều khá căng thẳng.

Dự báo tỉ lệ chọi thi vào lớp 10 năm nay sẽ tăng cao, tuy nhiên, thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết, năm nay Hà Nội có xây mới một số trường THPT công lập nên tăng cơ hội học công lập cho học sinh tốt nghiệp THCS. Bên cạnh đó, Sở cũng đang làm tờ trình báo cáo Thành phố về việc đảm bảo tỷ lệ phần trăm chỉ tiêu công lập tương đương năm trước để tạo điều kiện cho học sinh được học công lập. Mặc dù vậy, vẫn có khoảng 40% học sinh sẽ phải học trường ngoài công lập, trung cấp, học nghề hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên. Việc lựa chọn học trường nào sẽ là bài toán khó đối với các bậc phụ huynh có con sinh năm Quý Mùi 2003.

Theo Vinh Hương

An Ninh Thủ Đô