Bạn đọc viết:

Phụ huynh đừng gây thêm áp lực đối với giáo viên

(Dân trí) - Các bậc phụ huynh đừng vì con em phản ánh bị giáo viên đánh là đổ lỗi cho giáo viên, quy chụp trách nhiệm, đòi xử lý... giáo viên, mà nên tìm hiểu rõ nguyên nhân. Hãy đặt vào vị trí của giáo viên mà cảm nhận sự khó khăn, áp lực trong việc giáo dục con em chúng ta.

Tôi còn nhớ khi xưa tôi học tiểu học rồi đến trung học, nhiều khi đùa nghịch, nói chuyện trong lớp học hoặc ham chơi không làm bài tập về nhà đều bị giáo viên đánh vào mông, tay. Nhũng đòn roi của thầy cô rất đau nhưng lại rất đáng nhớ. Nhờ thế mà tôi mới biết sợ, cố gắng học tập và từng bước trưởng thành. Và tôi có thể khẳng định rằng, tôi biết ơn giáo viên đã cho tôi "ăn" roi.

Ngày nay, trong giáo dục thì việc sử dụng đòn roi đối với học sinh hầu hết bị nghiêm cấm. Để có thể trị những học sinh cá biệt, ngỗ nghịch trong lớp mà giáo viên nói không biết nghe thì giáo viên dùng roi đánh vào mông, tay các học sinh. Thế nhưng, nhiều trường hợp học sinh bị đánh về mách với phụ huynh, thế là phụ huynh làm to chuyện, viết đơn gửi hiệu trưởng nhà trường đòi kỷ luật giáo viên… Các phụ huynh ấy lại không biết rằng, chính những đòn roi ấy là một trong những phương pháp giáo dục con cái của chúng ta, tất nhiên nói như thế không bao đồng hết những trường hợp cố ý của giáo viên bạo lực với học sinh mà không mang tính giáo dục.

Riêng đối với con tôi, khi cháu mách: "Ba ơi, hôm nay cô đánh con", tôi hỏi lại cháu: "Vì sao cô đánh, cô đánh chỗ nào". Cháu trả lời: "Cô đánh vào mông vì con nói chuyện trong lớp". Thế là tôi phân tích cho con là cô đánh con là đúng vì con không biết nghe lời, nói chuyện trong lớp, ảnh hưởng đế các bạn. Thế là con tôi nghe lời, lần sau không nói chuyện trong lớp nữa. Và tôi cảm ơn cô giáo vì đã giáo dục con tôi theo cách đó, vì cháu nói chuyện trong lớp mà cô nhắc cháu không nghe nên dùng roi theo tôi là đúng.

Các bậc phụ huynh đừng vì con em phản ánh bị giáo viên đánh là đổ lỗi cho giáo viên, quy chụp trách nhiệm, đòi xử lý... giáo viên, mà nên tìm hiểu nguyên nhân, phân tích để con mình lần sau không bị giáo viên đánh nữa. Nếu phát hiện giáo viên dùng roi có hơi quá thì cần góp ý nhẹ nhàng, để giáo viên rút kinh nghiệm. Đừng gây thêm áp lực đối với giáo viên, hãy đặt mình vào vị trí của giáo viên mà cảm nhận sự khó khăn, áp lực trong việc giáo dục con em chúng ta.

Đỗ Văn Nhân

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!