Nghệ An:

Phụ huynh “choáng” khi phải đóng 1 triệu đồng ghi danh vào trường ngoài công lập

(Dân trí) - “Nói là trường chất lượng cao nhưng thực chất là thu cao. Có trường ngoài công lập mà đến ghi danh cho con em học phải đóng 1 triệu, sau đó đóng thêm 1,5 triệu đồng tiền phát triển trường. Phụ huynh nghe thông tin các khoản đóng góp đầu năm mà choáng”, nhà báo Văn Hiền thông tin.

Chiều ngày 31/8, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ năm học mới 2018-2019.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An thông tin tại buổi họp báo
Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An thông tin tại buổi họp báo

Năm học 2017-2018 được đánh giá là một năm học thành công của ngành Giáo dục Nghệ An với thêm 45 trường được công nhận là trường chuẩn quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đã có 1.043 trường chuẩn quốc gia, đạt 68,66%; Các kỳ thi được tổ chức thành công, an toàn, đúng quy chế.

Chất lượng giáo dục mũi nhọn của Nghệ An tiếp tục được giữ vững ở top 3 của cả nước với 4 giải Nhất, 23 giải Nhì, 38 giải Ba và 24 giải Khuyến khích cuộc thi HSG quốc gia. Nghệ An cũng giành được 1 huy chương Đồng Olympic Hóa học quốc tế (em Phan Nhật Duật, học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) và có 1 dự án được chọn tham dự cuộc thi KHKT quốc tế năm 2018 tại Hoa Kỳ…

Tuy nhiên, trong năm học 2018-2019 tới đây, ngành Giáo dục Nghệ An sẽ phải đối mặt với nhiều bài toán nan giải. Đây cũng là năm có số học sinh tăng đột biến (tăng 33.000 học sinh, trong đó có 24.000 học sinh lớp 1). Với số lượng học sinh này, để đảm bảo công tác dạy học cần có thêm 600 giáo viên. Tuy nhiên, hiện nay, do đang thực hiện đề án sắp xếp, bố trí lại việc làm, tinh giản biên chế bộ máy nên các địa phương không được giao chỉ tiêu biên chế để đáp ứng số học sinh tăng thêm này.

Việc thừa thiếu giáo viên cục bộ đang diễn ra ở nhiều địa phương, trong đó có khoảng 500 giáo viên đã biên chế. Công tác bố trí sắp xếp gặp khó khăn và nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều trong bố trí giáo viên dôi dư ở bậc THCS sang dạy tiểu học và mầm non.


Ngành Giáo dục các huyện miền núi Nghệ An chịu nhiều thiệt hại nặng nề bởi thiên tai khiến năm học tới được dự báo là sẽ rất khó khăn đối với ngành Giáo dục Nghệ An

Ngành Giáo dục các huyện miền núi Nghệ An chịu nhiều thiệt hại nặng nề bởi thiên tai khiến năm học tới được dự báo là sẽ rất khó khăn đối với ngành Giáo dục Nghệ An

Về vấn đề luân chuyển giáo viên, thuyên chuyển, điều động giáo viên, theo bà Nguyễn Thị Kim Chi là cần thiết và đúng. Việc luân chuyển giáo viên từ bậc THCS sang bậc tiểu học và mầm non phải tuân thủ các quy định của các cấp có thẩm quyền, theo nguyên tắc chung, đảm bảo nguyện vọng cá nhân và cân đối đội ngũ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên người đứng đầu ngành giáo dục Nghệ An cũng thừa nhận trong quá trình thực hiện, một số địa phương còn thiếu sự công bằng khách quan gây tâm lý xấu đối với các giáo viên. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, cấp quản lý để giải quyết vấn đề này.

Công tác huy động xã hội hóa trong năm học 2018-2019 cũng dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là ở 11 huyện miền núi. Đặc biệt, 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông phải hứng chịu 2 trận lũ liên tiếp ngay trước thềm năm mới, ảnh hưởng lớn đến việc huy động học sinh đến lớp cũng như tổ chức ăn ở cho các em học sinh thuộc diện nội trú.

Tình trạng lạm thu ở trong các nhà trường đầu năm học mới cũng là vấn đề làm nóng cuộc họp báo, nhất là ở các trường ngoài công lập. “Nói là trường chất lượng cao nhưng thực chất là thu cao. Có trường ngoài công lập mà đến ghi danh cho con em học phải đóng 1 triệu tiền ghi danh, sau đó đóng thêm 1,5 triệu đồng tiền phát triển trường. Phụ huynh nghe thông tin các khoản đóng góp đầu năm mà choáng”, nhà báo Văn Hiền -Tạp chí Người làm báo - thông tin.


Ngành Giáo dục Nghệ An đã có nhiều phần quà hỗ trợ các trường bị thiệt hại trong các đợt lũ vừa qua trước thềm năm học mới

Ngành Giáo dục Nghệ An đã có nhiều phần quà hỗ trợ các trường bị thiệt hại trong các đợt lũ vừa qua trước thềm năm học mới

Các nhà báo cũng đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm của Sở GD&ĐT trong việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu, tận thu dưới danh nghĩa xã hội hóa giáo dục.

Về vấn đề này, trước thềm năm học mới Sở GD&ĐT Nghệ An đã ban hành công văn hướng dẫn, chấn chỉnh các khoản thu đầu năm. Bà Nguyễn Thị Kim Chi cũng thông tin, Nghệ An đã nhiều lần đề xuất quay trở lại thu khoản xây dựng như trước đây thay vì thu xã hội hóa như hiện nay nhưng chưa được chấp nhận.

“Trong khi đề xuất quay trở lại thu khoản xây dựng chưa được chấp nhận thì tôi cũng mạnh dạn đề nghị giao khoản thu xã hội hóa cho chính quyền các địa phương thực hiện. Các trường chỉ khảo sát các hạng mục sửa chữa nhỏ, dự toán kinh phí và làm tờ trình gửi UBND xã. Làm như vậy sẽ tránh được các vấn đề tồn tại như bấy lâu nay”, bà Nguyễn Thị Kim Chi cho biết.

Với tinh thần vượt khó, tập trung vào 3 nhiệm vụ và 5 giải pháp, Sở GD&ĐT Nghệ An sẽ cố gắng giải quyết từng vấn đề để có 1 năm học mới thành công. Đặc biệt, trước thiệt hại nặng nề do lũ liên tiếp xảy ra ở các huyện miền Tây, với sự huy động các nguồn lực, sự đóng góp của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân cũng như sự cố gắng nỗ lực của ngành giáo dục, của các thầy cô giáo và chính quyền địa phương, sẽ không có học sinh nào phải nghỉ học do thiên tai.

Hoàng Lam