Quảng Ngãi:

Phòng học xây dựng tốn nửa tỷ đồng vẫn... mù điện

(Dân trí) - Được đầu tư khoảng 500 triệu đồng/phòng học, có đầy đủ bóng điện, quạt trần nhưng không có điện. Tìm con chữ dưới lớp học khang trang, học sinh đồng bào H’re mướt mồ hôi ê a đánh vầng dưới trời nắng nóng, khi mặt trời xuống núi hoặc mùa đông về, con chữ dần chìm khuất theo bóng đêm... khi trụ điện cách trường chưa đầy 5m.

Theo chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Quảng Ngãi, thực hiện xây mới 31 phòng học ở các điểm trường lẻ thuộc cấp mầm non và tiểu học; trong đó nguồn ngân sách tỉnh 70% và 30% nguồn vốn đối ứng của UBND huyện Sơn Tây. Thực hiện chủ trương đầu tư này, huyện Sơn Tây đã xây dựng mới 19 phòng học với diện tích từ 50-70m2/phòng, tổng kinh phí thực hiện gần 10 tỷ đồng (tương đương khoảng 500 triệu đồng/phòng học).

Ông Lê Hoài Thạnh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây chua xót nói: “Trong dự toán xây phòng học, đều có thi công lắp hệ thống bóng đèn, quạt nhưng lại không có hạng mục đấu nối nguồn điện vào phòng học. Các em được học tập trong lớp học khang trang, ngành rất vui. Nhìn các em vừa học vừa đổ mồ hôi như dầm mưa, còn khi trời mưa thì phòng học tối tăm”.

Lớp học tăm tối, mướt mồ hôi khi được trang bị bóng đèn và quạt trần.
Lớp học tăm tối, mướt mồ hôi khi được trang bị bóng đèn và quạt trần.

Tại điểm trường mầm non và tiểu học Mang K’rin (thôn Mang He, xã Sơn Bua), 18 học sinh nhọc nhằn gặt chữ trong lớp học có đầy đủ bóng đèn, quạt nhưng lại “đói” điện. Trong khi trụ điện với hàng chục đường dây chằng chịt nằm cách phòng học chưa đầy 5m.

Trụ điện nằm sát phòng học nhưng cũng bị mù điện nhiều năm qua.
Trụ điện nằm sát phòng học nhưng cũng bị mù điện nhiều năm qua.

Cô giáo Cao Thị Ngọc Hà - giáo viên điểm trường mầm non Tu-Ka-Pan (khu dân cư Nước Toa, thôn Mang Tà Bể, xã Sơn Bua) gạt những giọt mồ hôi trên mặt, cô chia sẻ: “Dạy chữ trong phòng học kiên cố, khang trang và sạch đẹp ở đây là niềm hạnh phúc biết bao. Ấy vậy, các thiết bị điện trong phòng học không thể sử dụng suốt 2 năm qua, vì lý do không đấu nối điện, mặc dù đường dây điện chạy qua ngang đầu phòng học”.

Theo thống kê, trên toàn huyện miền núi Sơn Tây, hiện gần 100 phòng học ở điểm trường lẻ (mầm non và tiểu học) chưa đấu nối điện. Mỗi phòng học cần đầu tư trung bình khoảng 5 triệu đồng, với gần 100 điểm trường chưa có điện thì cần đầu tư khoảng 500 triệu đồng.

“Muốn kéo điện ngay cho các em lắm nhưng Phòng Giáo dục không đủ khả năng làm và báo cáo lên cấp trên xin đề nghị hỗ trợ”, ông Lê Hoài Thạnh trăn trở.

Hồng Long