Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tạo sân chơi bình đẳng giữa đại học công và tư

(Dân trí) - Sáng 14/3, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Tạo sân chơi bình đẳng giữa các trường đại học công và tư”.

“Nóng” hội trường đòi sự công bằng

Trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) ra đời cách đây 20 năm và đây là hội nghị tổng kết đầu tiên sau 20 năm hoạt động của khối trường này. Việc đầu tiên là phải khẳng định, sau 20 năm hoạt động với hơn 80 trường ĐH, CĐ ra đời thực hiện đúng chủ trương đường lối xã hội hóa đúng đắn của Đảng và nhà nước.
 
Hiện nay, số lượng sinh viên đại học, cao đẳng chính quy của các cơ sở giáo dục đại học NCL là 314.054 sinh viên, chiếm khoảng 14,4% tổng số sinh viên cả nước.
 
Một số trường đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị giảng dạy hiện đại, như Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Trường Đại học Hoa Sen, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học FPT… Trường Đại học dân lập Lạc Hồng đã có phòng thí nghiệm tương đối hiện đại cho sinh viên học tập, nghiên cứu và sinh viên của trường đã nhiều năm đoạt giải nhất ở các kỳ thi Robocon cấp quốc gia và cấp châu lục…
 
Các đại biểu tại hội nghị

Các đại biểu tại hội nghị.
 
Tuy nhiên, bên cạnh đó, sau thời gian phát triển cũng đã nảy sinh nhiều bất cập, xã hội nhìn nhận khối trường ĐH, CĐ NCL với suy nghĩ, đào tạo kém chất lượng, chạy theo lợi nhuận của các nhà đầu tư, sinh viên ra trường chưa được các nhà sử dụng lao động tin cậy.
 
Nhiều diễn đàn báo chí cũng đã đề cập đến vấn đề chất lượng đào tạo của các trường NCL và nhiều lãnh đạo hiệu trưởng tâm huyết cũng đã lên tiếng và chứng minh năng lực đào tạo của trường nhưng không làm giảm được thành kiến trong xã hội bấy lâu nay.
 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Xã hội hóa là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, được minh chứng không chỉ bằng các công việc trong GD, mà còn thấy rõ với những thành tựu trong nền kinh tế. Xã hội, Nhà nước, Chính phủ sẽ có những phần thưởng, tôn vinh, không chỉ bằng giấy khen, bằng khen, huân - huy chương, mà cao nhất chính là sự tự hào về những bước đổi mới của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập 20 năm qua.

Chính vì thành kiến đó, hội nghị đã kéo dài 6 tiếng với gần 30 ý kiến phát biểu than vãn về khó khăn như đất đai, thuế, thiếu học sinh…đặc biệt không được cơ quan quản lý đối xử công bằng như các trường công lập.

GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cho rằng: “Nhiều chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước chưa được đưa vào thực tiễn bởi hàng rào các văn bản hướng dẫn còn chậm trễ, lạc hậu, bảo thủ, lệch lạc mà chưa có ai chịu trách nhiệm.
 
Hệ thống bộ máy công quyền của nhà nước có nơi công khai đối xử phân biệt đối với sinh viên tốt nghiệp trường NCL. Sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho sinh viên chưa đảm bảo công bằng, sinh viên trường công thì có, sinh viên trường NCL chưa có hỗ trợ gì.
 
Bên cạnh đó, Nhà nước đánh thuế trường NCL không vì lợi nhuận là hết sức vô lý, nhưng chưa được tháo gỡ…”.

GS Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình kiến nghị: “Nhà nước cần tạo một sân chơi bình đẳng giữa các trường công và tư. Trong lĩnh vực đào tạo và một số lĩnh vực khác Bộ GD-ĐT đã không phân biệt các trường công tư về trách nhiệm về các tiêu chuẩn tiêu chí kiểm định…Việt Nam chưa thể có các đại gia nhiều tiền đến mức liên tục rót tiền cho trường mà không đòi hỏi thu hồi vốn.
 
Sự cạnh tranh giữa trường công – tư nếu không có chính sách thỏa đáng thì luôn là một sự cạnh tranh không hoàn hảo và các trường tư luôn ở thế thua kém. Có được sân chơi bình đẳng thì các trường mới phát triển được”.

Các đại biểu tại hội nghị

GS Trần Hữu Nghị trường ĐH Dân lập Hải Phòng: "Đang có sự bất công giữa trường công lập và ngoài công lập. Trường công thì được hưởng mọi thứ từ nhà nước còn trường tư thì nộp mọi thứ".

Bà Trần Kim Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường CĐ ASEAN bức xúc nói: “Các trường công được đầu tư từ A tới Z, trong khi đó các trường NCL không được được đầu tư mà sai một chút là bị “triệt hạ”. Do đó, Nhà nước cần hoạch định chính sách cho các trường NCL”.

Bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen cho rằng: “Cần có cơ hội cho các trường ĐH không phân biệt công – tư ngồi lại với nhau, trả lời câu hỏi giáo dục Việt Nam làm thế nào để theo cùng với giáo dục thế giới. Cần phải có nhiều hội thảo, có nhiều tranh luận thẳng thắn thì mới cải cách giáo dục được.
 
Đối với các trường NCL, pháp luật, cơ chế quản lý Việt Nam hiện nay coi là trường học hay doanh nghiệp? Cần phải làm rõ vấn đề này”.

Phó Thủ tướng: Giải quyết ngay vấn đề bất bình đẳng giữa các sinh viên trường công - tư

Lắng nghe các ý kiến phát biểu và đánh giá cao những thành tựu, đóng góp tâm huyết của các trường ĐH, CĐ NCL với sự phát triển chung của GD - ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, điều quan trọng nhất – mà chính các trường NCL ít nhắc tới – chính là những thành tựu, đổi mới từ khối NCL lập là động lực để tuyệt đại đa số các trường khu vực công lập phải đổi mới.

Với những khó khăn, không hợp lý của các trường ĐH, CĐ NCL hiện nay, Phó Thủ tướng Đam nhấn mạnh: “Nhất định phải tháo gỡ. Tinh thần chung phải thực hiện quán triệt công bằng, bình đẳng, từ chính sách nhỏ đến những chính sách vĩ mô.
 
Với những trường mới cần có sự ưu tiên. Hiện bài toán đất đai, tài chính một mình Bộ GD-ĐT không thể giải quyết được, nhưng những vấn đề thuộc Ngành, Bộ GD-ĐT cần triển khai mạnh mẽ, tích cực, trên tinh thần bình đẳng. Nếu quán triệt, thực sự thấm nhuần và trăn trở nhất định sẽ có giải pháp”.

Tạo sự công bằng, bình đẳng cho phát triển giáo dục đại học, Phó Thủ tướng Đam cho hay, khi còn công tác ở vị trí Người phát ngôn của Chính phủ ông đã nghe nhiều câu hỏi cũng như những băn khoăn về sự phân biệt “con nuôi - con đẻ” giữa các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, tất cả các trường NCL đã cố gắng, đã tốt?. “Mỗi trường cần có trách nhiệm với chính mình, trước khi có trách nhiệm với xã hội” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Các đại biểu tại hội nghị

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Tôi sẽ mời các Bộ, ngành liên quan tham gia để giải quyết tại chỗ các vấn đề".

Phó Thủ tướng đánh giá cao sự ra đời của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL, đồng thời đề nghị Hiệp hội giúp các cơ quan quản lý rà soát, tổng hợp những bất cập về cơ chế, chính sách. Tại hội nghị, ông Đam đã đặt hàng với Hiệp hội để xem chính sách còn vướng gì, cần sửa đổi gì cần sửa đổi, bổ sung.

“Tôi hứa sẽ nghe tất cả các vấn đề - nghe kiến nghị chứ không phải là tâm tư. Tôi sẽ mời các Bộ, ngành liên quan tham gia để giải quyết tại chỗ các vấn đề” - ông Đam khẳng định.

Về vấn đề chuyển đổi các trường từ dân lập, bán công sang tư thục, Phó Thủ tướng Đam yêu cầu, cần giải quyết dứt điểm. Cần tập hợp lại từng trường hợp, vướng cái gì, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn. Còn những vấn đề về vốn và thuế của các trường ĐH, CĐ NCL đã đi vào Luật, cần có thời gian để giải quyết, tháo gỡ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: “Cần giải quyết trước những chính sách dưới luật. Văn phòng Chính phủ cần làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các vấn đề này trên tinh thần nhiều trường có thể thụ hưởng được thì làm trước. Đây là điều thiết thực với các trường NCL. Bộ GD-ĐT cùng Văn phòng Chính phủ rà soát những chính sách liên quan đến sinh viên, nếu còn những gì bất bình đẳng với SV trong quá trình học cần giải quyết ngay”.

Với những ý kiến phát biểu tại hội nghị khi thực hiện phân tầng, các trường NCL chỉ đi “bắt cá nhỏ”. Không đồng tình với ý kiến này, Phó Thủ tướng Đam nói rằng: “Lúc ban đầu ta như đứa trẻ 5 tuổi, không đồng nghĩa với việc ta bắt đứa trẻ đó không được lớn hơn ông 40 tuổi.
 
Trong thời đại CNTT hiện nay, trường NCL có thế mạnh, phải “bắt cá to” hơn trường công lập. Chúng ta sẽ cùng nhau ra chính sách, ra cơ chế để làm. Phải kéo trường công lập vào cuộc. Đây là trách nhiệm chung với đất nước”.
 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: “Để có một cái áo vừa cho tất cả thật không dễ”. 
Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại hội nghị


Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: “Nghiêm túc tiếp thu tất cả những đóng góp chân tình, chí lý, cụ thể, sinh động tại Hội nghị. Riêng về vấn đề chuyển đổi các trường dân lập sang tư thục, không phải các trường ngoài công lập đứng chơ vơ, bởi trong 8 năm đã có một số trường thực hiện việc chuyển đổi thành công. Còn lại một số trường không chuyển được - vướng mắc chủ yếu do phân chia tài sản và những xung đột khó thỏa hiệp. Các trường có lịch sử hình thành rất khác nhau, nên để có một cái áo vừa cho tất cả thật không dễ. Phải đặt câu hỏi: Vì sao cũng với quy định ấy có trường làm được, có trường không?” – Bộ trưởng Luận đặt vấn đề.
 
Về phía các trường, Bộ trưởng Luận mong muốn, các cấp ủy, HĐQT, Ban Giám hiệu cũng cần phải nhanh chóng đạt đến sự thống nhất, đồng thuận, lấy lợi ích lâu dài bền vững của nhà trường, lấy uy tín và chất lượng của nhà trường đặt lên trên, gác lại các bất đồng khác mới có thể giải quyết được.
 
Bộ trưởng đề nghị các trường ngoài công lập chủ động phản ánh, góp ý, phê bình, phản biện với tinh thần cởi mở, không nên để tồn đọng, suy diễn.
 

Hồng Hạnh