Phó giám đốc Sở nhớ lại chuyện từng “mất ăn, mất ngủ” vì lời nhận xét của giáo viên

(Dân trí) - Là học sinh bình thường, học Toán bình thường, đến năm lớp 7, cậu học trò nghe cô giáo nói: "Em thông minh và có tố chất về môn Toán". Lời khích lệ đó đã giúp cậu học trò - hiện là Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - được tiếp thêm động lực.

Nhiều câu chuyện, tình cảm xúc động về nghề giáo được chia sẻ tại buổi giao lưu "Trái tim người thầy" nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 do Công đoàn giáo dục TPHCM tổ chức sáng 13/11. 

Phó giám đốc Sở nhớ lại chuyện từng “mất ăn, mất ngủ” vì lời nhận xét của giáo viên - 1
Giáo viên trong buổi giao lưu "Trái tim người thầy"

Người thầy cần cái tâm đi trước cái tài

Là một trong 4 gương mặt nhà giáo tiêu biểu giao lưu tại chương trình, cô giáo 9X Nguyễn Thị Hồng Phượng, giáo viên (GV) Trường mầm non Long Trường, Q.9, TPHCM, bày tỏ quan điểm một nhà giáo, nhất là GV mầm non, cái tâm phải đi trước cái tài. 

Theo cô Phượng, khi có tâm, người thầy sẽ muốn hướng đến sự tiến bộ của học trò, mong muốn những điều tốt đẹp cho các em. Khi có tâm, người thầy sẽ để ý, quan tâm, sẽ cố gắng, sẽ tìm cách... để cải thiện, để khắc phục - có tâm sẽ tìm ra cái tài. 

Cô giáo mầm non Nguyễn Thị Hồng Phượng kể về học trò "đặc biệt" và nêu quan điểm người thầy cần cái tâm đi trước cái tài

Cô Phượng kể về trường hợp cậu học trò "đặc biệt" của mình bị chứng tự kỷ tăng động. Khi cô nhận lớp có em học sinh này, đồng nghiệp rất thương cảm. Đứa bé vào lớp lầm lì không nói, chỉ la hét, đánh bạn, cấu, đánh cả cô. 

Cô Phượng tìm cách tiếp cận em: trò chuyện với em nhiều hơn, hỏi han nhiều hơn, giờ cơm cũng tranh thủ ngồi gần, đi ngủ cô nằm cạnh vỗ về. Từ từ, khi kết nối được với em, cô rủ các học sinh khác cho em chơi cùng.

Từng ngày như vậy, cậu học trò cải thiện rất nhiều. Cô nhận ra thêm vấn đề của em là em luôn muốn được bố mẹ chơi cùng, nhưng bố mẹ lại quá bận rộn. Khi đó, cô đã trao đổi với gia đình... 

Cuối năm, cậu học trò lên lĩnh thưởng trong sự ngạc nhiên của mọi người. Cô Phượng cười: "Em đã rất tiến bộ, đó là phần thưởng lớn nhất". 

Mẹ em đến gặp cô bật khóc vì đã nghĩ, con sẽ phải học ở trường chuyên biệt. Đến nay, em đã là học sinh lớp 7. Từ kinh nghiệm dạy cậu học trò này, cô Phượng tâm niệm, động lực lớn nhất của nghề giáo mình theo đuổi không phải thành tích mà là sự tiến bộ của học trò. 

Phó giám đốc Sở được "tiếp động lực" từ lời nhận xét của giáo viên

Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM kể về chính trường hợp của mình. 

Ông kể, ông là một học sinh bình thường, học Toán bình thường. Cho đến năm lớp 7, một GV nói ông: "Em thông minh và có tố chất về môn Toán". 

Phó giám đốc Sở nhớ lại chuyện từng “mất ăn, mất ngủ” vì lời nhận xét của giáo viên - 2

Ông Nguyễn Văn Hiếu,Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM 

Cảm giác của cậu học trò thật khó tả, lâng lâng, hạnh phúc vô cùng, về nhà phải nói là mất ăn mất ngủ. Từ đó cậu rất chăm chỉ học Toán, cẩn thận, tỉ mỉ trong mỗi bài tập để không phụ lời khen của cô. Và sau đó, ông học ngành Sư phạm Toán, theo con đường Toán học. 

Ông Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ, GV trao cho học sinh động lực, tình cảm, sự tin tưởng còn quan trọng hơn cả việc mang đến kiến thức. Vì thế ông mong mỏi, mỗi người thầy ngoài việc dạy kiến thức, hãy trao cho học sinh sự động viên, khích lệ. 

Như việc chọn nghề giáo của cô giáo Phạm Thị Thanh Nhung, GV Trường THCS Nguyễn An Khương, tình yêu nghề giáo và quyết tâm theo đuổi nghề giáo của cô xuất phát từ chính... những người thầy của mình. 

Cô Nhung cảm nhận từ những người thầy từ hồi tiểu học, lên cấp 2, cấp 3 của mình là những người luôn dành sự ấm áp, yêu thương dành cho học trò với lý tưởng sống tốt đẹp và cao cả. 

Hoài Nam