Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM: Việc tổ chức, biên soạn SGK rất kỳ công

(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, công tác chuẩn bị và tham gia biên soạn sách giáo khoa (SGK) rất kỳ công, mất nhiều thời gian và đòi hỏi tâm huyết.

Việc NXB Giáo dục Việt Nam chi thù lao cho Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK miền Nam, trong đó nhiều người là lãnh đạo và cán bộ, chuyên viên của Sở GD-ĐT TPHCM đặt ra vấn đề vai trò của Sở GD-ĐT TPHCM trong việc biên soạn SGK. Dư luận cũng đặt ra câu hỏi về sự công bằng, khách quan khi lựa chọn SGK tại các cơ sở giáo dục.

Trao đổi với Dân trí trưa ngày 5/12, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông; được sự cho phép của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TPHCM đã cử đội ngũ chuyên viên, giáo viên (GV) cùng tham gia với NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn bộ SGK “Chân trời sáng tạo”.

Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM: Việc tổ chức, biên soạn SGK rất kỳ công - 1

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM 

Theo ông Hiếu, TPHCM có lợi thế của một trung tâm về giáo dục của cả nước, đã sớm mạnh dạn đổi mới, tích cực hướng đến mục tiêu hội nhập; có đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, GV giỏi chuyên môn, thường xuyên nghiên cứu và tiếp cận với những phương pháp giáo dục hiện đại, tích cực.  

"Công tác chuẩn bị và tham gia biên soạn rất kỳ công, mất nhiều thời gian và tâm huyết. Suốt những năm qua, chúng tôi thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, mời các chuyên gia hàng đầu báo cáo, bồi dưỡng cho đội ngũ chuyên gia, cán bộ, GV thành phố. 

Đội ngũ thường xuyên tập huấn, thảo luận, thống nhất quy trình làm việc, định hướng, mục tiêu, đề cương,… của sách, tổ chức biên soạn thử nghiệm để không ngừng điều chỉnh, hoàn thiện bám sát định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, một chủ trương đã được ngành giáo dục thành phố thúc đẩy nhiều năm qua", ông Nguyễn Văn Hiếu nói.

Bộ sách có sự tham gia của nhiều GV đang trực tiếp đứng lớp, đảm bảo được sự vừa sức với học sinh (HS), vừa là công cụ hỗ trợ tích cực cho nhà giáo trong quá trình tổ chức các phương pháp dạy học tích cực. 

Việc biên soạn bộ sách được định hướng giúp HS tiếp cận tri thức một cách nhẹ nhàng; hình thức và nội dung được biên tập sinh động, hấp dẫn, khoa học và đảm bảo tính tích hợp, phân hóa và liên thông. Hệ thống bài giảng gần gũi, nhiều nội dung có tính trải nghiệm, gắn với thực tiễn, phù hợp tâm sinh lý HS.

Ông Hiếu cho hay, bộ sách "Chân trời sáng tạo" là nỗ lực, tâm huyết, cống hiến của nhiều thầy giáo, cô giáo, các biên tập viên, họa sĩ. 

Cần sớm có mẫu sách để nghiên cứu lựa chọn

Nói về việc lựa chọn SGK tại TPHCM, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, thành phố thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội và dự thảo Thông tư hướng dẫn của Bộ GD-ĐT đã giao việc lựa chọn SGK cho Hội đồng của các cơ sở giáo dục phổ thông.

Trong đó, có Ban Giám hiệu, GV, đại diện cha mẹ HS. Hội đồng sẽ làm việc trên cơ sở đảm bảo tính khách quan, minh bạch, dân chủ.

Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM: Việc tổ chức, biên soạn SGK rất kỳ công - 2

Bộ sách "Chân trời sáng tạo" của Sở GD-ĐT TPHCM cùng NXB GIáo dục Việt Nam thực hiện 

Tất cả các bản mẫu SGK lớp 1 đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2020-2021 đều bám sát chương trình, đảm bảo chất lượng và phù hợp với HS.  

Ông Nguyễn Văn Hiếu cũng nêu đề nghị các NXB cần sớm cung cấp sách mẫu để các thầy cô giáo, phụ huynh và xã hội cùng nghiên cứu, so sánh để có sự lựa chọn phù hợp với đặc điểm của cơ sở, đơn vị mình. 

Giáo viên phải đọc hết các bộ sách

Trước đó, trao đổi với báo chí tại hội nghị triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới (chương trình năm 2018) cấp tiểu học ngày 29/11, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, các trường học tại TPHCM phải mua đủ 32 đầu SGK đã được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt cho tủ sách dùng chung của trường. Và GV phải đọc hết tất các bộ sách để tham mưu việc lựa chọn.

Trước băn khoăn liệu các trường tại TPHCM chọn những bộ sách khác nhau thì việc thực hiện kiểm tra đánh giá khó khăn như thế nào, ông Hiếu cho hay, các đầu SGK đã được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt đều có chất lượng, giá trị để thực hiện triển khai trong các trường.

Việc kiểm tra là đánh giá năng lực của HS chứ không kiểm tra kiến thức nội dung trong sách nào. Đây chính là định hướng phát triển năng lực của HS chứ không phải học SGK này thì chỉ làm được trong sách này, không làm được sách khác. Điều kiện dạy học SGK là cụ thể để triển khai năng lực trong chương trình yêu cầu. 

Cho nên việc học sách nào thì GV cũng phải tham khảo nhiều SGK trong các bộ sách được thẩm định cũng như tài liệu tham khảo để dạy cho phù hợp với đối tượng HS. 

Hoài Nam