Phó Chủ tịch TP Bạc Liêu: Tại sao lại giảm biên chế giáo dục trong khi giáo viên đang thiếu?

(Dân trí) - Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) cho rằng, có một việc rất băn khoăn là tại sao lại đánh đồng đội ngũ viên chức ngành Giáo dục như những viên chức ngành khác khi phải tinh giản biên chế, trong khi giáo viên lại đang thiếu.

Trong một hội nghị của ngành Giáo dục tỉnh Bạc Liêu diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu - bà Lê Hồng Thu cho biết, TP Bạc Liêu hiện đang có tình trạng thiếu giáo viên mầm non.

Qua tìm hiểu, tâm tư của giáo viên cho rằng do mức lương quá thấp, chẳng thà nghỉ ra ngoài làm nghề khác có thu nhập cao hơn để cải thiện cuộc sống gia đình. Đây là một chuyện rất tâm tư đối với lãnh đạo TP.

Một nguyên nhân thiếu giáo viên mà bà Lê Hồng Thu đưa ra một phần là do địa phương chưa kịp thời thi tuyển.

Theo Phó Chủ tịch TP Bạc Liêu, có một việc rất băn khoăn là tại sao lại đánh đồng đội ngũ viên chức ngành Giáo dục như những viên chức ngành khác. Ngành Giáo dục cũng phải tinh giản 10% theo lộ trình từ năm 2015 - 2021. Trong khi đó, điều lệ trường học có quy định một lớp học bao nhiêu em, ứng với bao nhiêu thầy cô.

“Tại sao đưa ra lộ trình đánh đồng này mà không quan tâm đến điều lệ trường học, không quan tâm đến chuyên môn đòi hỏi, như một lớp học phải có 1,2 hoặc 1,3 giáo viên mới hoàn thành. Điều này tôi thấy rất là bất cập”, bà Thu nói.

Bà Lê Hồng Thu thông tin, TP Bạc Liêu trong năm qua có 1.211 biên chế, được tỉnh giao giảm xuống còn 1.187, có 24 giáo viên bị tinh giảm, trong khi TP lại đang thiếu giáo viên. “Việc này là không phù hợp nên Bộ, ngành cần có nghiên cứu”, bà Thu kiến nghị.

Phó Chủ tịch TP Bạc Liêu: Tại sao lại giảm biên chế giáo dục trong khi giáo viên đang thiếu? - 1

Bà Lê Hồng Thu - Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu phát biểu trong một hội nghị ngành Giáo dục tỉnh Bạc Liêu.

Nói về tình trạng dạy thêm, học thêm, Phó Chủ tịch TP Bạc Liêu cho rằng, ở TP thì dạy thêm, học thêm trở thành một trào lưu. Qua thăm dò phụ huynh cho thấy đều có nhu cầu cho con em học thêm. Thứ nhất là góp phần nâng cao củng cố kiến thức cho con em mình, thứ hai là một số gia đình đơn chiếc gửi con tại nhà thầy cô giáo học thêm cũng là giúp đỡ quản lý con em mình một thời gian nào đó.

Theo bà Lê Hồng Thu, Bộ Giáo dục đã có quy định về dạy thêm, học thêm, nhưng chúng ta thấy rằng có sự khập khiễng so với ngoài xã hội. Do đó, tỉnh nên nghiên cứu ở đô thị trung tâm tỉnh lỵ có những cách dạy thêm, học thêm như thế nào để không làm áp lực, mệt mỏi cho giáo viên, không làm phiền phức cho phụ huynh, tạo môi trường học thật là tự nhiên, thoải mái cho con em mình.

“Bây giờ thầy cô giáo dạy thêm rất hồi hộp, phải làm đơn từ rất phiền. Đề nghị ngành Giáo dục nên có một nghiên cứu về dạy thêm, học thêm ở khu vực nội thị như thế nào, khu vực nông thôn ra sao, để chúng ta có một pháp lý rõ nét”, bà Thu nói.

Phó Chủ tịch TP Bạc Liêu cũng trải lòng, TP rất nhức nhối tình trạng áp lực học sinh ngoài tuyến đầu năm học. “Đồng chí lãnh đạo có phải nên dành thời gian ngồi xét trái tuyến không, vô lý lắm. Đồng chí lãnh đạo có phải mỗi một ngày phải nghe điện thoại đến đều không dám bắt máy về việc gửi gắm con em học sinh. Đó, rất là khó”, bà Thu nói thẳng.

Bà Lê Hồng Thu nêu ý tưởng là đề nghị tỉnh nên cho TP thí điểm xây dựng đề án xã hội hóa công tác tuyển sinh đầu năm tại một số trường điểm. Trong đó, bao gồm mức phí và kèm theo một số điều kiện khác để xét tuyển một cách sòng phẳng.

Đối với THCS, để tránh xáo trộn, chúng ta có nên chăng tổ chức kỳ thi tuyển đối với học sinh ngoài địa bàn để có chất lượng và cũng kèm theo mức phí để cho công bằng.

“Kinh phí thu được quản lý chặt chẽ và không chỉ dùng cho trường đó mà hài hòa bởi các hoạt động chung cho toàn ngành Giáo dục TP”, bà Thu nói.

Huỳnh Hải