Phó Chủ tịch nước: "Dạy trẻ khuyết tật cần nhiều nỗ lực và tình yêu thương"

(Dân trí) - Gặp gỡ các giáo viên dạy trẻ khuyết tật, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chia sẻ: "Cần phải nói rằng dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ đặc biệt càng khó hơn. Hơn thế nữa các thầy cô còn phải dạy làm người, dạy nghề cho những trẻ em có sự khiếm khuyết, điều này cần rất nhiều sự nỗ lực và tình yêu thương. Chính nhờ các thầy cô giáo đã giúp cho nhiều người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, khiến cho xã hội ta văn minh hơn, nhân văn hơn".

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gặp gỡ 48 tấm gương giáo viên tiêu biểu có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục học sinh khuyết tật.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gặp gỡ 48 tấm gương giáo viên tiêu biểu có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục học sinh khuyết tật.

Chiều ngày 14/11, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gặp gỡ 48 tấm gương giáo viên tiêu biểu có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục học sinh khuyết tật.

Tại buổi gặp gỡ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trò chuyện, động viên và tặng quà cho các giáo viên tiêu biểu.

Phó Chủ tịch nước cũng lắng nghe báo cáo thành tích của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2018”, cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nhà giáo đang làm công việc dạy học cho học sinh khuyết tật trên cả nước.

Thầy giáo Vi Văn Vọng (Cơ sở bảo trợ tổng hợp tỉnh Lạng Sơn) chia sẻ rằng việc dạy học sinh khuyết tật tại địa phương còn rất nhiều khó khăn, như là không có giáo viên chuyên biệt, không có sách giáo khoa, chương trình dạy học đúng chuẩn.

Cô giáo Đoàn Thị Nhật Phương (Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nói: “Trẻ khuyết tật ở Quảng Ngãi được vào trung tâm còn ít, chính vì vậy số lượng trẻ khuyết tật được chăm sóc chưa nhiều.

Tại trung tâm Võ Hồng Sơn mọi trẻ được cưu mang, giáo dục đều là miễn phí, vì vậy chúng tôi gặp nhiều khó khăn về vấn đề nguồn tài chính. Mong rằng có nhiều nhà hảo tâm và các ban ngành quan tâm hơn nữa”.

Phó Chủ tịch nước lắng nghe nguyện vọng của các thầy cô giáo
Phó Chủ tịch nước lắng nghe nguyện vọng của các thầy cô giáo

Thầy giáo Nguyễn Thái Dương (Đắk Lắk) bày tỏ: “Tôi là một người khuyết tật vươn lên học tập và gieo hi vọng cho các học sinh thiếu sót trong xã hội. Tôi mong rằng Nhà nước sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ người khuyết tật học tập và có cơ hội việc làm để bớt gánh nặng cho xã hội, giúp người khuyết tật có cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiếu (Lê Hồng Phong, Thái Bình): “Tôi mong muốn gia đình, nhà trường và xã hội có thêm sự quan tâm và có chế độ đặc biệt với các em. Hiện tại chúng tôi gặp nhiều hạn chế là về sách vở, chương trình học tập cho các em”.

Đáp lại tâm nguyện của các nhà giáo, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nói rằng tôn sư trọng đạo là truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đề tài giáo dục luôn là đề tài được quan tâm của cử tri cả nước. Từ sau khi đất nước giải phóng, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm tới ngày Nhà giáo Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước tiếp lời: "Qua nghe báo cáo, tôi thấy có những người giáo viên đã gắn bó với học sinh khuyết tật suốt 30 năm. Tôi rất xúc động. Chúng tôi rất trân trọng tình thương yêu, tâm huyết của các thầy cô giáo dành cho trẻ em khuyết tật. Cả nước ta có 8% người khuyết tật, chính vì thế chăm lo cho người khuyết tật là trách nhiệm xã hội và được ưu tiên".

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà cho các thầy cô giáo
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà cho các thầy cô giáo

Phó Chủ tịch nước: "Dạy trẻ khuyết tật cần nhiều nỗ lực và tình yêu thương" - 4

Phó Chủ tịch nước nhận định: "Cần phải nói rằng dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ đặc biệt càng khó hơn. Hơn thế nữa các thầy cô còn phải dạy làm người, dạy nghề cho những trẻ em có sự khiếm khuyết, điều này cần rất nhiều sự nỗ lực và tình yêu thương.

Chính nhờ các thầy cô giáo đã giúp cho nhiều người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, khiến cho xã hội ta văn minh hơn, nhân văn hơn. Rất cảm ơn các thầy cô giáo đã cùng với ngành giáo dục để giảng dạy, chăm lo cho trẻ em".

Phó Chủ tịch nước mong rằng các thầy cô giáo tiếp tục bám trường, bám lớp, tiếp tục gần gũi, chia sẻ để các em phục hồi chức năng, có kĩ năng để hòa nhập với cộng đồng. Phó Chủ tịch nước cũng mong muốn chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” tiếp tục được triển khai, phát huy tinh thần cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và tôn vinh những tấm gương tiêu biểu của các nhà giáo ở các lĩnh vực khác nhau.

Mai Châm