Bạn đọc viết:

Phát triển văn hóa đọc không phải là nhiệm vụ của riêng ai

(Dân trí) - Ngày 21/4 hàng năm được chọn là Ngày Sách Việt Nam. Nhà trường đã và đang hưởng ứng ngày hội lớn nhằm phát triển văn hóa đọc như thế nào? Bố mẹ đã chú trọng dành riêng một khoảng thời gian để con trẻ rèn thói quen đọc sách chưa?

Cuối tuần này, ban giám hiệu trường tôi đã viết thêm dòng chữ “Ngày Sách Việt Nam 21/4” vào lịch công tác tuần treo công khai ở phòng hội đồng.

Tôi tự hỏi, các trường đã và đang hưởng ứng ngày hội lớn nhằm phát triển văn hóa đọc như thế nào? Hiệu quả nhiều hay ít cho câu hỏi này phụ thuộc phần lớn vào cái “tầm” và “tâm” của người lãnh đạo trường học. Tôi biết có khá nhiều thầy/cô hiệu trưởng cực kỳ quan tâm đến việc phát triển văn hóa đọc.

Danh mục sách, thiết bị dạy học cần mua sắm mỗi dịp đầu năm học đều lấy ý kiến từ giáo viên. Họp hội đồng thưởng xuyên nhắc nhở việc động viên, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với sách. Giờ sinh hoạt dưới cờ còn dành thời gian để cô thủ thư giới thiệu về sách mới, sách hay đến với học sinh… Tất cả những chuyển động ấy thật sự đã tạo ra hiệu quả tích cực trong việc bắc “chiếc cầu nối” để học sinh đến gần hơn với sách.

Tuy nhiên, không phải người lãnh đạo nào cũng sẵn sàng dành thời gian, công sức, tâm trí để xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường. Đâu đó vẫn còn những bàn đọc sách trong thư viện trường thưa thớt bóng dáng học sinh. Đâu đó vẫn còn những giá sách khóa kỹ và sách chưng trong tủ kính mới tinh tươm. Đâu đó vẫn còn những suy nghĩ cho rằng việc đọc sách chẳng giúp ích gì nhiều cho chất lượng giáo dục, thương hiệu của trường…

Văn hóa đọc nếu chỉ phát động rầm rộ trong một vài ngày, triển khai ở một số hoạt động và chỉ do một nhóm đối tượng phụ trách sẽ chỉ tạo ra được một ít gợn sóng lăn tăn trên mặt hồ phẳng lặng và hiệu quả chẳng đâu vào đâu. Đọc sách không chỉ là hoạt động thực hiện trong nhà trường, xây dựng thói quen đọc sách không phải là trách nhiệm của riêng giáo viên.

Bố mẹ mới là người thầy đầu tiên đưa trẻ bước vào thế giới diệu kỳ của trang sách, nhuần thấm tư tưởng nhân văn, vun bồi lối sống kỷ luật, nề nếp, trách nhiệm, yêu thương được chuyển tải qua từng con chữ.

“Sách vừa là thầy vừa là bạn”, “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”, “Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người”… Những câu nói nổi tiếng khẳng định vai trò của sách ấy chúng ta hầu như đều thuộc nằm lòng. Vấn đề là chúng ta đã dành riêng một khoảng thời gian để con trẻ hình thành thói quen đọc sách, thỏa mãn đam mê khám phá từng con chữ chưa? Tôi nghĩ là một bộ phận lớn phụ huynh còn hết sức thờ ơ với sách.

Cuối tuần trước, tôi bắt gặp nhiều đứa trẻ theo chân bố mẹ đến quán cà phê. Nhóm này nhiều người lớn ngôi “buôn” chuyện, còn bọn trẻ mỗi đứa ôm một cái điện thoại thoải mái lướt. Bên kia lại là một ông bố trẻ mải mê làm việc trên laptop và để mặc đứa con trai tầm lớp 2, lớp 3 của mình cho smartphone “quản”.

Nhìn cảnh đó, tôi ước gì những ông bố bà mẹ ấy thay mấy cái điện thoại thông minh kia thành những quyển sách phù hợp với lứa tuổi các cháu thì tốt biết bao nhiêu. Nhưng mơ ước đó vẫn chỉ mãi là ước mơ bởi khi mà tình yêu sách vẫn chưa được đánh thức trong chính mỗi bố mẹ thì đừng mơ mộng đến viễn cảnh nhà nhà đọc sách, người người đọc sách…

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!