Phát khóc nhìn con học thuộc lòng bài văn để thi

(Dân trí) - Không ở đâu xa, ngay giữa TPHCM, nhiều phụ huynh bực mình đến phát khóc khi con... học thuộc làu làu bài văn để thi học kỳ theo cách luyện bài của giáo viên.

Những ngày qua, chị M., có con học lớp 3 tại một trường tiểu học ở quận 5, TPHCM cùng con ôn bài để bị thi học kỳ. Tâm trạng của chị có thể nói là buồn bực đến phát khóc.

Con nói với chị, con phải học thuộc 3 bài văn gồm miêu tả một người chị, viết thư cho ông bà nội, tả buổi sáng đến trường... Như để được mẹ khen giỏi học thuộc bài, cháu đọc trôi chảy, say sưa một đoạn văn viết thư cho ông bà... Đọc được vài câu thì cháu ngắc ngứ vì không thuộc.


Nhiều giáo viên ôn thi cho học sinh bằng cách... cho học thuộc bài văn làm trước

Nhiều giáo viên ôn thi cho học sinh bằng cách... cho học thuộc bài văn làm trước

Chị M. cho biết tất cả các bài văn đều do con làm trước đó, cô sửa đi sửa lại cho hay rồi dặn con về học thuộc để thi học kỳ. Từ lớp 1 đến nay vẫn vậy, không thay đổi. Chị động viên con, không cần phải học thuộc lòng như vậy, nhưng cháu không chịu, nói cô đã dặn... Người mẹ bực mình, suýt quát ầm lên rồi chị cố kiềm chế khi hiểu đây không phải lỗi của con.

Chị biết, hiện nay đã có những trường, GV tìm cách đổi mới dạy các môn Văn, Sử..., thay đổi cách đánh giá tích cực, phát huy khả năng của học trò nhưng có lẽ con số đó chưa nhiều. Tư duy văn mẫu, học thuộc còn ăn sâu trong cách dạy học của nhiều giáo viên, tác động rõ đến học sinh (HS).

"Trong khi, nếu cô hướng dẫn, khơi gợi thì tôi tin các con sẽ có những bài văn vô cùng sinh động, tình cảm đúng tâm lý lứa tuổi. Đợt rồi con thi nhưng chỉ nhớ đoạn đầu, sau không thuộc nên không làm hết bài... Đúng nghĩa các con đang học gạo", chị M. chia sẻ.

Chị Trần Ngọc Anh, có con học lớp 4 ở Tân Phú cho biết, chính chị cũng đã làm quen với cách học văn học thuộc lòng của con. Trước chị từng nói với con hãy tả bà ngoại đi nhuộm tóc, thích làm móng tay chân... nên bà rất trẻ trung, xinh đẹp nhưng cháu không chịu, chỉ làm theo mẫu và theo "chuẩn của cô giáo chỉnh". Chị chán đến mức không muốn nói...

Chúng ta đã quá quen với cách học văn bằng những bài văn mẫu qua sách, qua các bài văn của người khác thì nhiều năm gần đây, "bài mẫu" được nâng cao hơn một bậc. HS được ôn luyện theo cách... học thuộc đúng bài văn mẫu của mình. Các em làm bài, cô giáo sửa cho chỉn chu rồi học thuộc theo bài văn này.

Giáo viên ngại thay đổi?

Lý giải về những bài văn học thuộc, cô Nguyễn Thị Hảo, một giáo viên tiểu học cho biết, thứ nhất là giáo viên họ biết đề sẽ ra ở những bài đã học. Nếu không ôn tập, các con sẽ quên các ý của bài. Cô giáo sửa và về viết lại với mục đích là để HS ghi nhớ - như trước đây chúng ta đi học, nhất là khối C chép rất nhiều với mục đích là ghi nhớ. Bây giờ trẻ nhớ nhanh hơn nên các em không chép mà chủ yếu đọc.

"Mục đích là để các con ghi nhớ, nắm được các ý chính... chứ không phải học thuộc. Vì thực tế, không em nào thuộc được hết" - cô Hảo cho hay.

Học sinh tiểu học ở TPHCM trong giờ học
Học sinh tiểu học ở TPHCM trong giờ học

Cô Nguyễn Thị Hảo cũng nói thêm, đây là hệ quả của việc học, ôn theo đề cương, học để thi chứ không phải học để tiếp nhận. Nếu thời trước, một lớp cùng lắm chỉ có khoảng 10 HS giỏi thì giờ ôn luyện theo đề cương, thi xong... may thì chỉ còn 10 em không giỏi.

Một giáo viên khác ở quận 3 cho biết, cho các em học trên bài văn của chính mình là cách phù hợp nhất khi sĩ số lớp đông. Đó chính là bài của các em, cô sửa lại cho hợp lý... Nếu để HS viết tự do, không ghi nhớ thì chỉ có một số em nổi bật làm được bài, còn lại phần lớn các em lại không làm được thì sẽ không đáp ứng được kỳ thi.

Cô cũng cho rằng, đây không phải là cách hay, chưa khơi gợi được trí tưởng tượng, cảm xúc của học trò nhưng hợp lý đối với vấn đề thi cử và sĩ số đông.

"Có thể cô giáo dặn các em về ghi nhớ, nắm ý chính nhưng cô truyền tải không đúng, các em hiểu là học thuộc lòng. Trẻ em bây giờ lại có ý trải nghiệm, thành ra học gạo, trong khi phụ huynh kỳ vọng nhiều hơn như vậy", cô giáo chia sẻ.

Dù tác động nhiều yếu tố nhưng không thể phủ nhận, nhiều GV còn đi theo lối mòn, không muốn thay đổi, chỉ bước trong vùng an toàn... Thực tế, nhiều kỳ thi ở TPHCM, khi đề Văn đổi mới theo hướng phát huy năng lực người học, nhiều HS bị "khớp" khi mà việc dạy học ở trường không theo kịp.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, dạy học tiếp cận năng lực đòi hỏi giáo viên phải đọc nhiều hơn, thay đổi nhiều hơn, chuẩn bị nhiều hơn... Nhưng sau khi kiểm tra, đánh giá, họ nhận ra một bộ phận giáo viên chưa theo kịp hoặc ngại thay đổi.

Lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM cho biết, họ sẽ tiếp tục chỉ đạo, thay đổi trong năm học tới. Để làm sao việc đổi mới ở các trường phải được thực hiện cụ thể hơn, hiệu quả hơn, có như vậy đổi mới phương pháp dạy và học mới có thể tiệm cận với việc đổi mới kiểm tra, đánh giá HS hiện nay.

Hoài Nam