Phạt HS súc miệng bằng nước vắt giẻ lau bảng: Run rẩy, nghẹn ngào, sửng sốt

(Dân trí) - Đó là cảm giác của nhiều người trước hành vi không thể tưởng tượng nổi của cô giáo trẻ Nguyễn Thị Minh Hương ở Hải Phòng khi phạt học sinh lớp 3 súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng.

Học sinh nói chuyện riêng trong lớp nên cô Nguyễn Thị Minh Hương, giáo viên Trường tiểu học An Đồng, (huyện An Dương, TPHCM Hải Phòng) đã phạt em bằng hình thức bắt em súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng.

Có người phải thốt lên: "Chuyện này có thật không vậy" với hy vọng đây là chỉ một trò đùa méo mó, thông tin được tô vẽ, bịa đặt trên mạng xã hội. Nhưng không, đó là sự thật. Bộ GD-ĐT đã phải ra công văn khẩn về vụ việc, cô giáo bị kỷ luật chấm dứt hợp đồng ngay trong ngày 5/4. Kể cả đến lúc này, nhiều người vẫn không dám tin bởi sự việc, hành vi của cô đối với học trò nằm ngoài sức tưởng tượng và chịu đựng.

Cô Nguyễn Thị Minh Hương viết kiểm điểm về sự việc (Ảnh: An Nhiên)
Cô Nguyễn Thị Minh Hương viết kiểm điểm về sự việc (Ảnh: An Nhiên)

Việc đối xử với học trò trong trường hợp này, đây không thể gọi là hình thức phạt nữa mà hành vi mất nhân tính, là tội ác, là sự man rợ.

Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung, Giám đốc Emile Việt Education bày tỏ, bản thân ông không biết phải nói sao về trường hợp này, đọc tin mà ông sợ toát mồ hôi. Ông đặt câu hỏi: "Sao giáo viên lại xem học trò như kẻ thù như vậy?". Trong khi nghề giáo, điều tối thiếu người thầy phải hiếu ngoài việc để kiếm sống thì nghề giáo còn là một cái ơn gọi, một công việc cao quý với sứ mệnh phục vụ con người, chăm chút cho thế hệ tương lai, vun trồng những phôi thai tinh thần và thể chất của con trẻ.

Nhiều người run rẩy trước sự việc. Cô Nguyễn Anh Thư, một giáo viên ở TPHCM cũng nghẹn ngào không hiểu nổi cô giáo đang làm gì với đồng loại, chứ không dám đặt vào mối quan hệ thầy và trò. Việc cô giáo phạt học trò như vậy, có thể nói là ghét học trò lắm, một từ ghét phải hiểu theo nghĩa nặng nề nhất.

"Cô không yêu cái nghề của mình, không chỉ là không yêu trò mà còn xem học trò như kẻ thù vậy tại sao vẫn đứng lớp, vẫn chọn công việc này. Tôi không dám nghĩ em học trò đó đã chịu tổn khủng khiếp đó ra sao, rồi em sẽ vượt qua điều này như thế nào để có thể xóa bỏ được những tủi nhục, ký ức quá đau đớn", cô Thư chảy nước mắt.

Theo cô Thư, sẽ rất nhiều lý do được mổ xẻ quanh sự việc như nào là áp lực, nào là vấn đề đào tạo, hướng nghiệp, quản lý... nhưng trong trường hợp này thì nhân tính của giáo viên là yếu tố hàng đầu hoặc cô có vấn đề sức khỏe tâm thần nhưng vẫn đứng lớp.

Trong khi đó, cô Đào Thị Duy Tuyên, ĐH Sư phạm TPHCM đặt ra trách nhiệm của nhà quản lý, sự quản lý lỏng lẻo, dung túng cho những hành vi giáo viên bạo hành trẻ nhỏ lâu nay nên những sự việc đau lòng mới tiếp tục xuất hiện trong môi trường sư phạm.

Thông tin của Dân trí, vào ngày 3/4, Hiệu trưởng Trường tiểu học An Dương, bà Trần Thị Ngọc Bảo nhận được phản ánh của gia đình cháu Phạm Phương Anh, học sinh lớp 3A5 về việc cháu Phương Anh bị cô Nguyễn Thị Minh Hương phạt bằng cách cho uống nước vắt từ giẻ lau bảng. Cô Hương viết tường trình, kiểm điểm thừa nhận phản ánh của gia đình học trò là đúng.

Hoài Nam