Phải làm mới môn Sử

Để môn Sử không còn là môn học khô khan đối với nhiều học sinh đòi hỏi có sự thay đổi mạnh mẽ cả về phương pháp giảng dạy lẫn thiết kế chương trình, sách giáo khoa.

Em Lê Thị Ngọc (học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TPHCM) đang ôn thi vào khoa Sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cho biết môn Sử không chỉ là môn em yêu thích mà còn là môn phải đầu tư số 1 cho kỳ thi sắp tới.

Môn Sử chưa hấp dẫn vì...

Tuy nhiên, theo em Lê Thị Ngọc, việc nhớ toàn bộ các số liệu về ngày tháng năm của hàng trăm sự kiện trong SGK đã chiếm rất nhiều thời gian và cách học không thể nào khác là học thuộc lòng.

Thầy Hàn Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu (TPHCM) cho rằng chương trình Lịch sử các cấp học đang nặng về liệt kê trong khi lại nhẹ tính dẫn dắt để đưa đến cho HS những cảm nhận, xâu chuỗi toàn bộ các sự kiện theo cách tự nhiên của từng người học. Hơn nữa, chương trình trong SGK cũng còn khô khan và phương pháp dạy học của giáo viên phần lớn chưa sống động. Đa số vẫn theo cách giáo viên giảng và đọc để học sinh nghe, chép rồi học thuộc. Rất ít trường hợp giáo viên áp dụng các phương pháp mới như giảng bằng Power point, thu thập các tư liệu cụ thể, sinh động…

Bên cạnh đó, nội dung của các môn lịch sử còn thiên về các sự kiện chiến tranh mà ít đề cập các sự kiện kinh tế, văn hóa, xã hội (nhất là sự kiện của thời kỳ mới) nên khó hấp dẫn học sinh.

SGK cũng như phương pháp giảng dạy vẫn thường là liệt kê, phản ánh, phê phán hoặc áp đặt nhận định mà chưa chú trọng sự liên kết các sự kiện.
 
Phải làm mới môn Sử
Những bảo tàng, di tích lịch sử là giáo cụ trực quan sinh động giúp học sinh học lịch sử một cách hiệu quả. (Ảnh minh họa)

Lịch sử không chỉ trên SGK

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TPHCM) đã chia sẻ một số kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy mới cho môn Sử ở lớp 10, 11, như cho học sinh làm việc theo nhóm, tổ chức thuyết trình, làm video clip, tham quan các di tích lịch sử…

“Điều này sẽ giúp HS thích thú với bộ môn và hiểu bài hơn. Tuy nhiên, vì theo cách ra đề của Bộ trong môn Sử là đòi hỏi HS phải thuộc lòng nên bắt đầu từ lớp 12, nhà trường phải dạy học theo cách “an toàn”, tức là dạy những gì đề thi có thể sẽ ra”, cô Cúc cho hay.

Cô giáo Nguyễn Thị Thiên Minh, nguyên Trưởng bộ môn Sử, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) cho rằng, dạy môn Lịch sử, ngoài SGK, các thầy cô giáo cần sử dụng thêm các công cụ khác như hình ảnh, bản đồ, phim tư liệu để tái hiện quá khứ một cách sinh động, từ đó khơi dậy trong các em những cảm xúc sâu sắc về lịch sử.

Bên cạnh đó, thầy cô dạy Sử phải có kiến thức sâu về môn Sử, rộng về các bộ môn khác và hiểu biết xã hội để có thể xâu chuỗi, dẫn dắt HS hiểu được ý nghĩa của các sự kiện lịch sử và kết nối với cuộc sống hiện tại, tương lai. Đồng thời, từ đó mới có thể diễn giải sinh động và kể chuyện hấp dẫn để lôi cuốn HS thích thú và say mê với môn học này. Qua đó, giúp các em hiểu đúng bản chất của sự kết nối quá khứ, hiện tại, tương lai.

“Mục đích cao hơn hết là qua môn Lịch sử, phải giúp các em nâng cao lòng yêu nước, lòng biết ơn các thế hệ đi trước đã hy sinh, cống hiến để các em có cuộc sống như ngày hôm nay, đồng thời, khơi dậy ở các em niềm tự hào dân tộc qua mỗi bài giảng lịch sử”, cô Minh chia sẻ.

Theo PGS. TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục TPHCM, trong chương trình đổi mới SGK,  Bộ cần giảm tải lượng kiến thức, biên soạn với cách viết hấp dẫn, lôi cuốn, sinh động, phù hợp với từng cấp học.

Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy phải thay đổi từ đọc chép sang hướng tăng cường thảo luận nhóm, thực hành, ngoại khóa và tương tác với HS. Có thể phối hợp và tìm sự hỗ trợ từ các ngành khác như điện ảnh, hội họa… để làm sinh động và đa dạng hóa cách tiếp cận kiến thức của HS.

Đặc biệt, cách ra đề thi của Bộ cũng nên đổi mới. Chẳng hạn, thay vì đề thi chỉ bắt HS phải thuộc lòng các sự kiện, con số, ý nghĩa, mục đích theo SGK thì nay có thể ra đề theo hướng mở, tự luận để các em tự tìm thấy ý nghĩa đằng sau những sự kiện lịch sử đó.

Theo Thanh Thủy
Báo điện tử Chính phủ