Góp ý đổi mới thi:

Phải đổi mới thi theo hướng “thi điện tử”, “tuyển sinh điện tử”

(Dân trí) - Giải pháp mạnh cho thi tốt nghiệp là chỉ nên thi 2 nhóm môn: nhóm khoa học tự nhiên và nhóm khoa học xã hội; Đổi mới thi ĐH, CĐ “3 chung” hiện nay thành "chung tài nguyên dữ liệu", tức là hình thành nên các hệ thống "thi điện tử", "tuyển sinh điện tử"…

Đó là ý kiến của PGS.TS Phạm Văn Điển - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam về đổi mới thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ hiện nay.

Tốt nghiệp chỉ nên thi theo 2 nhóm

Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT? Liệu có cần thiết duy trì một kỳ thi như vậy?

Giáo dục đào tạo là rèn luyện con người và gợi suy sáng tạo. Kỳ thi tốt nghiệp THPT rất quan trọng và có ý nghĩa trong việc xác định phẩm chất "người thành niên" của từng học sinh, tức là đánh giá kết quả rèn luyện con người trước. Ở các nước tiên tiến, học sinh (thường ở độ tuổi 18 - 21 tuổi) và gia đình thường tổ chức tiệc mừng tốt nghiệp THPT, coi đây là một bước ngoặt lớn của đời người. Khoảng dưới 20 - 30% học sinh tốt nghiệp sẽ đăng ký ngay vào các trường ĐH, Cao đẳng; số còn lại đi học nghề, lao động, du lịch và một số sẽ tiếp tục học ĐH hay CĐ sau một số năm.

Việc duy trì kỳ thi này là rất cần thiết. Vấn đề đặt ra là cần cải tiến cách thức tổ chức thi cũng như mục đích của việc thi.
 
PGS.TS Phạm Văn Điển - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam
PGS.TS Phạm Văn Điển - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam.

Năm nay, Bộ GD-ĐT đã quyết cải tiến cách thi tốt nghiệp theo hướng nhẹ đi (từ 6 môn thi còn 4 môn). Theo ông hướng tinh giản này có ổn không? Giải pháp bước tiếp theo của tiến trình cải tiến này là gì?

Việc đổi mới thi và xét tốt nghiệp THPT chỉ là một khâu của đổi mới tổng thể mô hình giáo dục đào tạo. Việc này rất quan trọng, có tác dụng lan truyền đột phá tới các nội dung khác, có thể giảm thiểu chi phí và có tính khả thi cao. Vì vậy, việc đưa ra dự thảo này là đúng thời điểm và được đánh giá cao.

Việc giảm thiểu môn thi tốt nghiệp là một động thái tốt, vì vấn đề không phải ở số lượng môn thi tốt nghiệp, mà ở mục đích và sự đóng góp của kỳ thi.

Thứ nhất, kỳ thi này nhằm mục đích đánh giá năng lực tư duy, khả năng tiếp nhận kiến thức, quan điểm giải quyết vấn đề và mức độ sâu sắc của "người bước sang tuổi thành niên", chứ không phải nhằm mục đích đánh giá kho kiến thức của người học theo một đáp án cứng nhắc.

Thứ hai, điều kiện dự thi tốt nghiệp là một chỉ số rất thuyết phục phản ánh rằng, nếu không dự thi tốt nghiệp thì học sinh cũng đã hoàn thành các môn học ở mức đạt trung bình trở lên.

Thứ ba, việc xếp loại tốt nghiệp cho học sinh được đánh giá thông qua cả quá trình học tập (3 năm) và điểm thi tốt nghiệp, trong đó điểm quá trình học tập chiếm phần quan trọng hơn. Thậm chí, nếu quá trình học tập được quản lý chặt chẽ, thì không nhất thiết phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cuối khóa như ở nhiều nước đã làm.

Tuy nhiên, nếu mạnh tay hơn nữa, hiệu quả sẽ cao hơn nhiều, mức độ "nhẹ đi" sẽ rõ rệt hơn. Giải pháp mạnh cho thi tốt nghiệp là chỉ nên thi 2 nhóm môn: nhóm khoa học tự nhiên và nhóm khoa học xã hội. Đề thi cho từng nhóm là tổng hợp gồm nhiều câu hỏi và phần lớn là theo hướng mở. Thời gian thi tối đa là 2 buổi. Nên tham khảo cách tiếp cận của SAT ở các nước tiên tiến.

Theo tôi, tất cả học sinh (nếu đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp) cần tiếp tục được đánh giá và phân loại thông qua kỳ thi tốt nghiệp, tức là không nên miễn thi cho 20% số học sinh.

Trong lộ trình cải tiến thi tốt nghiệp, Bộ đang giao dần quyền tự chủ cho địa phương chịu trách nhiệm về kỳ thi. Theo ông có nên duy trì việc này?

Theo tôi, nên mạnh dạn giao việc này cho một số cơ quan độc lập và không hưởng lương từ ngân sách nhà nước bằng cách đấu thầu (tức là thực hiện phi tập trung hóa, khác với phân quyền cho địa phương). Ý tưởng này có 4 điểm quan trọng, cụ thể:

- Đổi mới thi gồm cả việc đổi mới cách thức quản lý và tổ chức thi;

- Tổ chức nhiều địa điểm và thời điểm thi, nhưng cả đề thi và kết quả thi đều có giá trị toàn quốc (giống như điểm thi IELTS hay TOEFL, có quy định đối tượng dự thi để cấp bằng tốt nghiệp);

- Xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin cho hoạt động thi và kiểm tra, gồm cả cơ sở dữ liệu cho công nhận và cấp phát Bằng tốt nghiệp;

- Xây dựng cơ chế tài chính cho việc tổ chức thực hiện công tác thi và kiểm tra.

Lộ trình thực hiện là cần thống nhất chủ trương, sau đó nên thí điểm ở một số tỉnh, thành phố, làm cơ sở cho việc nhân rộng cho cả nước (có nơi làm trước, có nơi làm sau). Nếu phương án này được triển khai sẽ phát huy hiệu quả tốt.
 
Ngành giáo dục đang nỗ lực đổi mới kỳ thi nhẹ nhàng hơn
Ngành giáo dục đang nỗ lực đổi mới kỳ thi nhẹ nhàng hơn.

Cần hình thành nên các hệ thống "thi điện tử", "tuyển sinh điện tử"

Có ý kiến cho rằng trong tiến trình thực hiện đổi mới thi, Bộ GD-ĐT cần lên kế hoạch, lộ trình hướng tới một kỳ thi quốc gia duy nhất để xét tốt nghiệp THPT và là căn cứ tuyển sinh ĐH - CĐ. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Đây là một ý kiến hay, quyết tâm là làm được. Tuy nhiên, thuật ngữ "kỳ thi quốc gia" nên được hiểu là "kỳ thi có giá trị công nhận ở phạm vi quốc gia", tức là không nhất thiết phải "chung về đề thi và thời điểm thi", mà có thể khác nhau về tổ hợp đề thi và về thời điểm thi. Học sinh có thể thi ở bất kể nơi nào có tổ chức thi và được chủ động chọn ngày thi theo khung thời gian quy định.

Đột phá của đất nước chúng ta là chuyển đổi cách làm "1, 2 hay 3 chung" như hiện nay thành "chung tài nguyên dữ liệu", tức là hình thành nên các hệ thống "thi điện tử", "tuyển sinh điện tử" mà cơ sở dữ liệu được quản lý chung, thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng.

Nếu thực hiện 1 kỳ thi quốc gia chung, theo ông thực hiện như thế nào để đảm bảo tốt khách quan, công bằng? Đơn vị nào đứng ra tổ chức?

Như đã nói ở trên, việc thực hiện 1 kỳ thi quốc gia chung (chung đề thi và cùng ngày giờ thi) vẫn là cách làm cũ. Việt Nam ta đã có nhiều bước tiến về công nghệ thông tin, xây dựng nông thôn mới và đã hội nhập quốc tế, thế hệ trẻ ngày nay cũng sử dụng các thiết bị thông tin rất giỏi, vì vậy nên hướng theo một công nghệ giáo dục tiên tiến, hiện đại mang phong cách quốc tế hóa như đã đề xuất ở trên.

Để tiến tới 1 kỳ thi, 1 bài thi quốc gia, nhiều ý kiến lo ngại nhất là khâu ra đề vì đề thi phải làm thế nào để đảm bảo độ tin cậy, đánh giá được toàn bộ kiến thức của học sinh. Lúc đó thí sinh không thi theo khối mà hoàn thành các bài thi khác nhau phù hợp với yêu cầu đào tạo của các trường ĐH?

Nếu thực hiện theo cách làm mới, sẽ không lo gì nữa về đề thi, kết quả thi cũng như về cơ sở dữ liệu của thí sinh trong toàn quốc. Lúc này, các trường ĐH, Cao đẳng cũng sẽ thực hiện phương án tuyển sinh mới để phù hợp với mục đích và điều kiện của từng Trường một cách thuận lợi nhất.

Thông tin về kết quả học tập hay Bằng tốt nghiệp của từng học sinh sẽ được quản lý bằng "hệ thống tài nguyên chung", nên đảm bảo tính khách quan, trung thực và thuận tiện tra cứu, khai thác dữ liệu.

Với phương án tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, dự kiến sẽ có nhiều đợt thi. Theo ông, phương án mới này có giảm tải được căng thẳng trong tuyển sinh vào ĐH không?

Căng thẳng trong tuyển sinh vào ĐH, CĐ ở nước ta trong nhiều năm qua không chỉ là căng thẳng của thí sinh, gia đình, của từng trường ĐH, CĐ, mà còn là căng thẳng của nhiều bộ ngành khác có liên quan tới việc quản lý, an ninh trật tự, bí mật quốc gia, phương tiện đi lại, dịch vụ, coi thi, chấm thi, lập phương án điểm sàn, điểm chuẩn, kể cả Bộ GD-ĐT cũng chịu nhiều áp lực xã hội.

Trước mắt, phương án này của Bộ có thể được chấp nhận, nhưng không tránh khỏi sự căng thẳng.

Căng thẳng là do mình dùng phương pháp thủ công là chính để làm một việc có khối lượng lớn trong một thời gian ngắn trong năm. Nếu sau này mô hình "tuyển sinh điện tử", "nền giáo dục dựa trên công nghệ điện tử" được áp dụng, thì áp lực sẽ giảm. Việc cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo phải dựa vào đẳng cấp cao của công nghệ giáo dục tiên tiến, hiện đại.

Trân trọng cám ơn PGS!

Hồng Hạnh (thực hiện)

Dòng sự kiện: Góp ý đổi mới thi