Phải chăng giáo viên hợp đồng đang tự làm khổ mình?

(Dân trí) - Khi mới ra trường, tâm lý chung của các bạn trẻ là muốn được làm công việc đúng với chuyên ngành mình đã học, sinh viên Sư phạm cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vì thế lúc đầu dẫu biết lương thấp nhưng bạn nào cũng háo hức đi dạy, không đặt nặng chuyện tiền nong. Tuổi trẻ và bầu nhiệt huyết cống hiến làm cho chúng ta sẵn sàng quên đi những khó khăn trước mắt.

Sau vài năm, thời gian bào mòn dần nhiệt huyết ban đầu cùng với những trở ngại thực tế trong công việc, chuyện lương bổng bắt đầu trở thành nỗi buồn phiền, lo lắng. Nhất là khi đã lập gia đình rồi, chuyện tiền bạc càng trở thành vấn đề bức thiết, người ta không chỉ nuôi thân mà còn đèo bòng thêm con cái và trăm thứ chi tiêu khác cho gia đình. Lại thêm nỗi mặc cảm với bạn bè, người thân vì cứ ì ạch mãi mà không vào nổi biên chế. Vì thế tâm lý giáo viên hợp đồng bắt đầu xuống dốc.

Thường thì họ ngồi than thở với nhau, cùng cảnh dễ hiểu, dễ đồng cảm. Rồi họ bắt đầu suy bì tị nạnh với giáo viên biên chế, là cùng đi dạy, cùng làm việc như nhau mà lương bổng lại chênh lệch gấp mấy lần. Sau đó quay sang nhỏ to về người A, người B nào đấy, chỉ nhờ cái mác công chức mà không làm hoặc làm chẳng ra gì vẫn được hưởng lương đều đều... Tóm lại là bất mãn.

Tệ hại hơn, có giáo viên hợp đồng vì cay cú với bản thân và chế độ đãi ngộ bất hợp lý của ngành giáo dục nên chỉ dạy qua loa đại khái, chống chế cho xong chuyện. Thậm chí họ sẵn sàng trút nỗi bực dọc, uất ức ấy lên đầu học sinh trong những lúc mệt mỏi, bất lực trước một đối tượng cá biệt nào đó. Nhiều người mắng học sinh mà như đang mắng chính mình, đang xả strees với bao nỗi lo toan cộng dồn lại.

Vì sao bất mãn vẫn đi dạy?

Có phải vì lòng yêu nghề không? Câu trả lời là có, nhưng không phải tất cả. Chỉ một bộ phận là có được lý tưởng cao đẹp đó, còn lại đa phần đi dạy vì những lý do khác.

Thứ nhất là tiếc công ăn học. Thực ra ai cũng phải học hết 12 năm phổ thông như nhau dù có làm giáo viên hay không, công ăn học ở đây chỉ gói gọn trong mấy năm vào các trường Cao đẳng hoặc Đại học mà thôi. Việc mọi người cứ gọi chung bao năm đèn sách là cách nói quá lên so với thực tế, khiến nhiều người rơi vào lầm tưởng.

Thứ hai: không dạy thì cũng chẳng biết làm gì. Phần đông sinh viên ra trường đều rơi vào tình cảnh “học không hay, cày cũng dở”. Sinh viên các trường khác còn dễ tìm được việc làm trái nghề, chứ sinh viên Sư phạm ra trường ngoài việc đi dạy ra thì khó lòng tìm được việc nào khác. Làm gia sư chỉ phù hợp khi còn là sinh viên, còn lúc đã ra trường rồi,mà không tìm được một ngôi trường để công tác thì rất khó kiếm nổi chân gia sư vì bậc phụ huynh nào cũng đặt dấu hỏi,vì sao không được đi dạy, vì sao không thi đỗ công chức, ai dám yên tâm giao con mình cho một người không thạo nghề dạy học.

Thứ ba: sức ỳ quá lớn. Theo thời gian, công việc dần ổn định và đã trở thành lối mòn thì người ta ngại thay đổi. Biết là lương thấp đấy, mình vất vả đấy nhưng tư duy ngại thay đổi nên tặc lưỡi cho qua. Có người năm học nào cũng nói dạy hết học kì này sẽ bỏ, chán lắm rồi, đi làm việc khác, nhưng hết năm này sang năm khác vẫn thấy y nguyên chỗ đó.

Thứ tư: bệnh sĩ diện hão. Xã hội ta từ xưa đến nay vẫn có ý coi trọng lao động trí thức hơn lao động chân tay. Dạy học hẳn nhiên là lao động trí óc rồi, lại còn được tôn vinh với đủ các mĩ từ cao đẹp nên thôi thì dạy hợp đồng cũng được, không có miếng nhưng được cái tiếng là dân trí thức, có trình độ hiểu biết hơn hẳn mấy anh chị công nhân hoặc tiểu thương chợ búa, phu hồ…vv. Đi dạy để có một chỗ đứng trong xã hội, ai hỏi còn biết đường trả lời cho rõ ràng, đỡ phải mặc cảm với người này người kia.

Giải pháp cho giáo viên hợp đồng

Chấp nhận thiệt thòi: dành cho những ai thật sự yêu nghề, lý tưởng hóa công việc mình đang làm. Hãy ngừng kêu than lương thấp tình nguyện về những vùng sâu vùng xa công tác, ở đó lương cao và có nhiều cơ hội cống hiến. Vừa được làm nghề mình yêu thích ,vừa được hưởng kết quả lao động tương xứng, vừa có cơ hội trải nghiệm một cuộc sống mới ở một miền đất mới. Đó là giải pháp không đến nỗi tồi.

Thay đổi nghề: dành cho những ai đã thật sự chán nản, mệt mỏi với công việc và mức lương. Phí vài năm ăn học kể ra cũng chẳng là gì so với chặng đường dài đằng đẵng mịt mù của những năm tháng hợp đồng phía trước. Xã hội phải đâu chỉ có một nghề duy nhất, một công việc duy nhất để mình làm. Bất cứ việc nào nếu cố gắng ở mức cao nhất có thể thì cơ hội cũng mở ra trước mắt. Từ bỏ nghề giáo có thể chính là cách để mở ra một cánh cửa khác tươi sáng hơn cho cuộc đời.

Tích lũy kinh nghiệm: dành cho những ai kiên trì với con đường mình đã chọn, hãy coi những năm tháng dạy hợp đồng là vốn quý để rèn luyện tay nghề, học hỏi thêm phương pháp dạy và học nhằm mục đích phục vụ cho kì thi tuyển công chức được tổ chức hàng năm. Một sự thật cần thẳng thắn nhìn nhận là khi ta chưa thi đỗ tức là trình độ chuyên môn còn chưa tốt, sự nỗ lực bản thân còn chưa cao, không có chuyện “học tài thi phận”.

Hà Đông

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!