Chuyện buồn sau kì thi học sinh giỏi

(Dân trí) - Kì thi học sinh giỏi khối 8 cấp Thành phố về tất cả các môn Văn hóa kết thúc cách đây khoảng mười ngày và đã có kết quả cách đây ba ngày nhưng xem ra “hậu quả” mà nó để lại đến giờ vẫn còn day dứt trong lòng những người làm cha, làm mẹ như chúng tôi.

Tôi là giáo viên môn Địa lí, từng trải nhiều trong “chinh chiến” luyện đội tuyển tham gia các kì thi của Thành phố mỗi năm, nhưng chưa bao giờ ứng xử và có những hành động “thiếu sư phạm”, chưa dám nói là thiếu tình người như giáo viên trong câu chuyện mà tôi sắp kể dưới đây.

Chị gái tôi lập gia đình muộn nên việc sinh con với chị vô cùng khó khăn. May trời phật thương, con bé học rất giỏi. Tám năm liền cháu là học sinh giỏi của một trường Thành phố. Con bé là niềm tự hào của dòng họ tôi.

Nó trầm tính, sống nội tâm vì bố mẹ “cơm không lành canh không ngọt” đã “đường ai nấy đi” hồi con bé học lớp hai.

Tôi thương nó vô cùng, luôn xem nó như con. Vì tôi là giáo viên cấp hai nên con bé thường hay gọi điện hỏi bài và trò chuyện vài ba câu.

Thế nhưng, từ khi con bé được chọn vào đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi hai môn Văn, Lý thì tôi hầu như không nghe con bé gọi điện và đến nhà thăm chị gái thì càng không thấy nó đâu. Hỏi chị, được biết nó đi học suốt. Mẹ nó than thở: “Đi học gì mà như chạy xô làm ca sĩ không bằng, mua thức ăn ngon bồi dưỡng cho con mà cũng con bé không có thời gian để ăn.”

Tôi thương chị nên trấn an: “Những đứa giỏi thường hay như thế chị à, chi đừng tạo áp lực cho con quá, để con bé thích học gì thì học.”

Nói thì nói thế thôi, chứ tôi là người trong ngành, tôi biết. Được chọn một môn để bồi dưỡng là cả một vấn đề về thời gian, công sức, niềm tin của cả cô và trò đặt vào đấy cả, chứ đừng nói đến chuyện hai môn, hai môn thì áp lực càng tăng. Nghĩ mà thương cháu.

Cứ thế, ngày học, đêm học. Con bé trông cho nhanh đến kì thi.

Nhưng một điều thật lạ! Những ngày gần thi, giáo viên phụ trách bồi dưỡng cứ “ôm” con bé ở nhà cô khư khư, học tại nhà cô, ăn tại nhà cô… chỉ có ngủ là được về với mẹ.

Cả năm, bảy đứa như thế, vui thì vui thật nhưng như thế giáo viên đã vô tình tạo áp lực lên đầu con trẻ.

Chị gái tôi gọi điện cho tôi với lời lẽ buồn rầu khó tả. Chị bảo rằng con bé gầy xọp và lo lắng nhiều. Chị yêu con nhưng không làm được gì nhiều cho con. Chị bảo: “Trước ngày thi, hai đêm liên tục con bé thức trắng, mắt cứ thao láo nhìn lên trần nhà. Chị sợ rằng thi xong nếu không có giải chắc con bé sẽ buồn và thảm lắm.”

“ Học tài thi phận” mà chị, thôi chị cứ an ủi, động viên cháu, đằng nào thi xong sẽ khỏe hơn chưa thi.” - tôi đỡ lời chị.

Hôm thi xong, con bé đăng dòng tâm trạng lên Facebook, đọc mà chảy cả nước mắt: “Trời ơi, môn Lý đi quá xa rồi, còn môn Văn an ủi. Lạy trời có giải nhé Văn ơi, dù là giấy chứng nhận Học sinh giỏi Văn cũng được.”

Với kinh nghiệm trong nghề “bẳng đen, phấn trắng”, tôi biết cháu đã không làm được bài.Tôi thở dài tiếc cho cháu!

Quả đúng như dự đoán của tôi và chị gái, con bé “trở về không” cả hai môn. Không tưởng tượng được sự thất vọng của nó đến mức nào. Suốt ngày nó ủ rủ như hoa héo. Tôi gọi điện hỏi thăm nó không buồn nhấc máy.

Hôm sau đi học, cô giáo dạy Vật lý - phụ trách bồi dưỡng học sinh giỏi đến trước mặt con bé cầm xấp bài kiểm tra, rồi đánh vào đầu nó và bảo rằng: “Cô thất vọng về em”. Cô giáo quay đi mà không thèm chú ý đến những giọt nước mắt của đứa học trò bé bỏng tội nghiệp của mình lăn dài trên má.

Tôi biết thông tin này qua một chị gái tôi, chị vừa kể vừa nghẹn ngào trong điện thoại. Sáng nay một đứa bạn của con bé vừa mách lại sự việc ở lớp. Chị cho biết con bé về nhà khóc suốt, không chịu ăn uống gì và cứ giam mình trong phòng mãi.

Tôi thật sự không biết nói gì với cách hành xử của giáo viên trên. Hãy đặt mình vào vị trí của học sinh để thấy được sự áp lực từ mọi phía, đặt mình vào học sinh để cảm nhận được sự thất bại trong thi cử. Cô giáo này cũng từng thi cử sao lại có cách hành xử kì lạ vậy? Phải chăng bệnh thành tích đã ngấm vào trong máu thịt của những người như cô?

Hơn mười lăm năm trong nghề, mười năm làm công tác bồi dưỡng Học sinh giỏi, thành công có, thất bại cũng đã từng… nhưng tôi chưa bao giờ tạo áp lực hay đặt bất kì hy vọng nào trên đôi vai bé nhỏ của các em cả. Vì thi cử ngoài năng lực vốn có phải kể đến yếu tố may mắn và tôi không quên dặn học sinh rằng đây chỉ là sân chơi trí tuệ, thắng thì tốt mà không thắng thì ta có thêm bài học hay từ những buổi bồi dưỡng.

Cháu gái tôi thuộc dạng chăm học nhưng may mắn vẫn chưa mỉm cười với cháu mà thôi. Thế mà giáo viên bồi dưỡng lại làm cháu đau lòng đến thế. Không biết cô giáo đó có hiểu tâm trạng của học sinh không mà lại có hành động kém sư phạm như vậy? Sao cô không dạy cho trò nững bài học bổ ích như “Thất bại là mẹ thành công” hay “Sau mỗi lần vấp ngã là một lần lớn khôn”.

Thật đáng trách cho những giáo viên như thế!

Thật đáng lo khi căn bệnh thành tích quá trầm trọng “ ẩn mình” trong những đồng nghiệp đâu đó của tôi. Đã đến lúc nhìn nhận lại để thôi áp lực lên học sinh, lên gia đình và lên xã hội.

Những ngày cuối tuần này, chị tôi phải nhờ mấy đứa bạn thân của con gái rủ nó đi chơi, đi xem phim để con bé lấy lại tinh thần.

Không biết còn ai có con rơi vào hoàn cảnh như chị gái tôi không?

Thanh Thanh

(Thừa Thiên Huế)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!