PGS.TS Hoàng Văn Cường: Sẽ giúp sinh viên không bị thất nghiệp!

(Dân trí) - PGS.TS Hoàng Văn Cường: "Tôi muốn đề xuất thay đổi phương pháp đánh giá để không tạo áp lực thi cử, từ đó học sinh sẽ không cần học thêm và không còn dạy thêm. Đồng thời, đưa ra những phương án giúp sinh viên tốt nghiệp ra trường thích ứng ngay với công việc, dễ dàng tìm kiếm việc làm".

PGS.TS Hoàng Văn Cường, nhà giáo ưu tú, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, với 31 năm làm công tác giảng dạy đại học, đã trải qua các vị trí quản lý từ tổ phó bộ môn đến phó khoa, trưởng khoa, viện trưởng và phó hiệu trưởng nhà trường, nên tôi luôn tâm niệm rằng, có được thành công chính là nhờ sự đồng cảm, chia sẻ và thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của anh em đồng nghiệp cũng như sinh viên trong toàn trường.


PGS.TS Hoàng Văn Cường, ứng cử viên ĐH Quốc hội khóa XIV

PGS.TS Hoàng Văn Cường, ứng cử viên ĐH Quốc hội khóa XIV

Ông quan tâm đến những vấn đề gì tại các quận trung tâm của Hà Nội hiện nay?

Hà Nội là Thủ đô nên phải phát triển thành một thành phố văn minh, hiện đại. Các quận nội thành là địa bàn tập trung của nhiều các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và là khu vực phát triển kinh tế năng động, đa dạng có mức đóng góp lớn cho ngân sách Thành phố. Hiện nay có rất nhiều vấn đề thuộc về đời sống dân sinh như giao thông đô thị, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường … được người dân quan tâm cần giải quyết.

Đứng trên góc nhìn của một nhà khoa học về quản lý kinh tế và đô thị, tôi nhận thấy các Quận nội thành, nhất là các Quận lõi của Thủ Đô thì phát triển xứng tầm là Quận trung tâm của Thủ đô văn minh, hiện đại. Để đạt được vị thế đó, những thách thức đặt ra hiện nay là chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, chưa định hình rõ nét các hoạt động kinh doanh dịch vụ theo hướng phát triển của vùng trung tâm đô thị hiện đại.

Công tác cải tạo chỉnh trang đô thị, nhất là cải tạo chung cư cũ còn chậm, còn nhiều khu dân cư cũ chật chội, đường phố ngõ ngách chật hẹp, xây dựng lộn xộn và chắp vá; thiếu khoảng không công viên cây xanh; thiếu nhà văn hóa và nơi sinh hoạt cộng đồng cho các khu dân cư; công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề bức xúc của đông đảo người dân trên địa bàn và thành phố.

Ông có thể đóng góp được gì để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay của địa phương?

Với thế mạnh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, bên cạnh tôi luôn có hơn 700 nhà khoa học là GS, PGS, TS, Thạc sĩ sẽ giúp tôi tích cực đóng góp các ý kiến có chất lượng vào việc hoạch định các chính sách và chương trình phát triển kinh tế xã hội nói chung của đất nước và của Thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, đã nhiều lần làm tư vấn quy hoạch phát triển kinh tế xã hội các quận huyện của Hà Nội, tôi sẽ có những đề xuất các giải pháp, định hướng phát triển các hoạt động kinh doanh, nhất là kinh doanh dịch vụ tại các vùng đô thị đông dân cư theo hướng Kinh doanh hiện đại.

Ngoài ra, với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về quản lý đất đai và nhà ở đô thị, tôi thấu hiểu và mong muốn có được cơ hội để đóng góp trực tiếp tiếng nói của mình, đề xuất các cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Tôi cũng có những kiến nghị giải pháp cải tạo chỉnh trang đô thị; cải tạo các khu chung cư cũ trên quan điểm người dân có nhà ở mới, có mặt bằng kinh doanh cho người dân buôn bán kiếm sống tại chỗ, có không gian phát triển các công trình hạ tầng công cộng như vườn hoa, sân chơi, nhà văn hóa.

Với kinh nghiệm 10 năm nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành Kinh tế Nông nghiệp, tôi có thể đóng góp các ý kiến và đề xuất các giải pháp để hình thành chuỗi cung ứng khép kín và tham gia cùng các cơ quan chức năng giám sát quá trình sản xuất và tiêu thụ thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội.


PGS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân tiếp xúc cử tri

PGS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân tiếp xúc cử tri

Còn đối với lĩnh vực giáo dục, ông có ý kiến, đề xuất gì để góp phần thay đổi thực trạng giáo dục hiện nay?

Tôi cho rằng cần phải thay đổi quan niệm được coi như là triết lý giáo dục hiện nay là học để thi và điểm thi là tiêu chí đánh giá kết quả giáo dục đang thịnh hành trong nhận thức và tư tưởng của nhiều người hiện nay. Nếu nhận thức đúng triết lý giáo dục học để biết, học để làm, học để sống và làm người thì moi người sẽ quan tâm đến học được cái gì và để làm gì chứ không phải là học để được điểm cao.

Với quan niệm đó, tôi mong muốn đóng góp các ý kiến và đề xuất các giải pháp nhằm giảm tải nội dung chương trình giáo dục phổ thông và thay đổi phương pháp đánh giá để không tạo áp lực thi cử, từ đó học sinh sẽ không cần học thêm và không còn dạy thêm. Từ đó, tăng thời gian cho các hoạt động giáo dục ngoại khóa, vui chơi giải trí và giáo dục kỹ năng sống để hình thành nếp sống có trách nhiệm cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, tôi thấy cần rà soát lại hệ thống các trường dạy nghề, cao đẳng và đại học theo hướng tăng cường kiểm soát và giám sát chất lượng.

Đồng thời, kiến nghị các giải pháp phân luồng học sinh theo định hướng nghề nghiệp ngay từ trường phổ thông. Tăng cường phát triển hệ thống đào tạo nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp. Tăng cường quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp để gắn nội dung, chương trình đào tạo với thực tế, đào tạo theo yêu cầu xã hội; dạy các kiến thức học sinh cần; đặc biệt là tăng cường rèn luyện các kỹ năng để sinh viên thích ứng ngay với công việc, dễ dàng tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường.

Với tư cách là một nhà khoa học, trong những năm qua tôi đã có nhiều phát biểu về những vấn đề này trong các hội nghị, hội thảo và thể hiện chứng kiến của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng với mong muốn được mang hiểu biết, trí tuệ của mình đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội và lợi ích người dân.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Hồng Hạnh (thực hiện)