Ông giáo già bỏ tiền túi, mở thư viện phục vụ miễn phí nông dân

(Dân trí) - Ở tuổi 80, với đồng lương hưu ít ỏi từ nghề giáo nhiều năm tích góp, ông Trần Xuân Hạ đem mua đất, xây dựng thư viện tại nhiều tỉnh thành. Rồi ông cùng vợ con đi vận động góp sách, phục vụ miễn phí cho người dân, học sinh nghèo ở vùng quê. Ông Hạ vốn sinh ra ở mảnh đất võ Bình Định, hiện sống ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.

"Thư viện của tình quê"

Gần 4 năm qua, các em học sinh cũng như người dân ở thị xã An Nhơn (Bình Định) vui mừng vì ngay tại quê mọc lên một thư viện có tên “Tình quê” phục vụ miễn phí. Đó là thư viện do ông Hạ mở.

Mới đây, ông Hạ tiếp tục bỏ tiền ra mua đất, góp sách, xây thêm một thư viện miễn phí tại xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định).

Thư viện Tình quê ở xã Nhơn Khánh, thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) do ông Hạ mở như một tri ân với quê hương ông.
Thư viện "Tình quê" ở xã Nhơn Khánh, thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) do ông Hạ mở như một tri ân với quê hương ông.

Vốn sinh ra ở xã Nhơn Khánh (thị xã An Nhơn, Bình Định), do điều kiện công tác, ông Hạ phải xa quê lên giảng dạy tỉnh Gia Lai. Cả cuộc đời gắn với nghề giáo, ông hiểu được giá trị của sách, của tri thức. Bởi vậy, lúc về hưu khi con đã trưởng thành, ông Hạ dù tuổi cao nhưng vẫn đau đáu một nỗi niềm: Phải làm điều gì đó thiết thực cho quê hương, cho thế hệ trẻ bây giờ?

Suy nghĩ cứ thôi thúc, năm 2012, ông Hạ quyết định đem hết số tiền đã tích cóp, dành dụm được bấy lâu nay, về quê mua đất, xây dựng thư viện miễn phí mang tên “Tình quê” tại thôn Hiếu An, xã Nhơn Khánh (thị xã An Nhơn, Bình Định), mảnh đất nơi ông sinh ra. Công trình thư viện Tình quê rộng chừng 60 m2, với trên 3.000 đầu sách với đủ các loại sách như: Văn học, nghiên cứu, lịch sử, sách liên quan đến kỹ thuật, chăn nuôi, nông nghiệp... Không gian thư viện được bố trí một dãy bàn ghế để lấy nơi học sinh và người dân địa phương đến đọc sách miễn phí.

Để thư viện hoạt động hiệu quả, ông Hạ cũng tự bỏ tiền ra thuê một người túc trực, mở cửa đón bạn đọc đến thư viện mỗi ngày. Chị Nguyễn Thị Thu Thảo (25 tuổi, thôn Hiếu An, xã Nhơn Khánh), người chịu trách nhiệm trông coi thư viện cho biết: “Trước đây, ai muốn đọc sách thì tự mua hoặc lên thư viện trung tâm xã nhưng số lượng sách cũng hạn chế. Từ ngày có thư viện "Tình quê" thì người dân trong thôn, nhất là các em học sinh thường xuyên đến đây đọc sách, mở mang kiến thức và giải trí”.

Hàng ngày chị Thảo, người trông coi thư viện túc trực, mở cửa đón bạn đọc
Hàng ngày chị Thảo, người trông coi thư viện túc trực, mở cửa đón bạn đọc

Ngoài thư viện "Tình quê", mới đây, ông Hạ còn xây tiếp một thư viện miễn phí khác mà ông chưa kịp đặt tên, tại thôn Chánh An, xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) - quê vợ của ông. Điều quan trọng là việc làm của ông được vợ con nhiệt tình ủng hộ. Thậm chí, họ còn thương đi các nơi, kêu gọi mọi người gom sách về cho thư viện thêm phong phú kho kiến thức vô tận.

Nghèo vật chất nhưng không nghèo tri thức

Những ngày này, khi học sinh nghỉ hè, thư viện "Tình quê" lại đông đúc các em học sinh tới đọc sách, nhất là các em bậc học sinh tiểu học, cấp 2 đến vừa đọc sách thêm kiến thức, vừa đọc truyện giải trí. Hiện ngoài việc phục vụ bạn đọc sách miễn phí mỗi ngày cho học sinh và bà con nông dân, vào buổi tối thư viện còn là nơi các bạn sinh viên mở lớp dạy thêm cho học sinh trong vùng.

Thư viện với trên 3.000 đầu sách với nhiều lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, lịch sử... phục vụ miễn phí cho người dân và các em học sinh
Thư viện với trên 3.000 đầu sách với nhiều lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, lịch sử... phục vụ miễn phí cho người dân và các em học sinh

Đang say sưa với cuốn truyện cổ tích, em Khánh Vy (lớp 8A2 Trường THCS Nhơn Khánh), vui vẻ nói: “Bỏ tiền ra mua một tập truyện về đọc được một lần thì phí, nên thường ngày nghỉ học, em lại đến thư viện đọc truyện. Hôm nào đọc chưa xong, chị trông coi thư viện còn cho mượn về nhà đọc tiếp thích lắm”.

Còn em Nguyễn Thị Kim Mỹ Duyên (sinh viên năm 3, trường ĐH Quy Nhơn), chia sẻ: “Mỗi dịp cuối được nghỉ học em về nhà đều lên thư viện đọc sách. Kiến thức là vô hạn nên đọc sách giúp mở mang kiến thức bổ ích. Em nghĩ, việc mở thư viện này không chỉ làm đẹp bộ mặt quê hương mà còn khuyến khích tinh thần học tập không chỉ học sinh mà cả nhân dân”.

Chia sẻ về việc làm ý nghĩa và nhân văn này, ông Hạ nói: “Chúng ta có thể nghèo về vật chất nhưng không thể nghèo về tri thức. Thư viện sẽ là nơi mọi người, bất kể lứa tuổi hay nghề nghiệp, có thể đến đây đọc sách tiếp thêm kiến thức. Đây cũng là một món quà nhỏ mà tôi muốn gửi tặng để tri ân quê hương mình”.

Hàng năm, ông Hạ lại về quê trao quà cho học sinh trong thôn
Hàng năm, ông Hạ lại về quê trao quà cho học sinh trong thôn

Được biết, ông Hạ đã mở hàng chục thư viện ở nhiều tỉnh thành từ TPHCM đến Bình Định. Hơn 50 năm xa quê hương, mỗi lần trở về, ông Hạ còn trao tặng những phần quà tặng ý nghĩa cho các em học sinh hiếu học, vượt khó học giỏi và học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi Đại học. Đặc biệt, vào dịp lễ, Tết, ông Hạ cũng thường trao tặng quà cho người neo đơn, tàn tật trong thôn, như một cách cảm thông và chia sẻ với những mảnh đời thiếu may mắn.

Doãn Công