“Ông đồ gàn” Văn Như Cương và những điều chưa kể

(Dân trí) - Một năm rưỡi sau ngày mất của nhà giáo Văn Như Cương, sáng 22/4, bộ phim về “ông đồ gàn” Văn Như Cương được công chiếu cho gần 2 nghìn học sinh cơ sở 1 Trường phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội). Nhiều câu chuyện chưa bao giờ kể về thầy giáo xứ Nghệ khiến nhiều người xúc động.

“Lội ngược dòng” mở trường tư thục đầu tiên ở Việt Nam

Thầy giáo Văn Như Cương sinh năm 1937 tại Làng Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) trong một gia đình nhà nho có truyền thống hiếu học.

Sau khi nghỉ hưu, ông là người sáng lập ra trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam từ sau thời kỳ đổi mới, đồng thời đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Lương Thế Vinh từ năm 1989 đến khi qua đời năm 2017.

GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, thời kì năm 1985-1987, nhiều trường tan vỡ, hàng nghìn học sinh, hàng trăm giáo viên bỏ trường vì cơ chế quản lý trì trệ.

Đau với nỗi đau đó, nhà giáo Văn Như Cương nghĩ đến mô hình trường dân lập.

Khó khăn đầu tiên ông vấp phải suy nghĩ, ở đâu có thể có ngoài công lập nhưng giáo dục không thể có, giáo dục đi theo con đường nào thì đi nhưng theo tư bản chủ nghĩa là không thể.

“Ông đồ gàn” Văn Như Cương và những điều chưa kể - 1

Cố nhà giáo Văn Như Cương.

“Có thể nói rằng trong cả cuộc đời của tôi, đây là quyết định liều lĩnh nhất, táo bạo nhất, phiêu lưu nhất. Hai vợ chồng với đồng lương giáo viên còm cõi, nuôi một con út đi học và một mẹ già, lương tháng nào tiêu hết tháng ấy, không có một xu gửi tiết kiệm…, thế mà dám xin mở trường Tư thục.

Bạn bè khuyên: “Anh cứ nói cái ý tưởng ấy cho mọi người nghe, đừng có làm, thất bại là chắc chắn …”. Nhưng đã đâm lao thì phải theo lao , đã gửi đơn xin mở trường lên Bộ Giáo Dục rồi, báo chí đã đăng rồi…, không thể rút lui như Việt Nam ta rút lui Asiad 18 được …

Và thật không ngờ, ngày 1/6/1989, Trường Lương Thế Vinh được cấp phép hoạt động, và tôi được phong chức Hiệu trưởng”, thầy Cương từng kể.

Từ những thước phim tái hiện lại, ông đồ xứ Nghệ Văn Như Cương cho hay, ngoài cái giấy phép được hoạt động, trường Lương Thế Vinh bắt đầu từ những con số không tròn trĩnh: không tiền vốn, không nhà tài trợ, không cổ đông , không cán bộ, không giáo viên, không học sinh, không bàn ghế , không bảng đen…

Nhưng cũng thật không ngờ, những “con số không” ấy đã đẻ ra một “tài sản” khổng lồ ngay trong khoá đầu: Đơn xin vào học lên tới 1.600, trong đó có 400 đơn vào lớp 10, 200 đơn vào lớp 11, 200 đơn vào lớp 12.

Sau kì thi tuyển chọn với 70 phòng thi (đi thuê), năm học đầu tiên của trường có : 10 lớp 10, 5 lớp 11, 5 lớp 12 với tổng sô 800 học sinh. Đấy là những con số mở đầu đẹp “như mơ” và càng ngày càng tăng trưởng…, cho đến bây giờ Trường Lương Thế Vinh đã có 3.500 học sinh.

"Đúng là đối với ngành Giáo dục, không phải có nhiều tiền là có thể làm gì cũng được …", ông kết luận.

“Ông đồ gàn” Văn Như Cương và những điều chưa kể - 2

“Ông đồ gàn” cũng tự nhận: “Tôi chỉ là một nhà giáo bình thường làm hết trách nhiệm của mình bằng trái tim”.

Nhận nhiều trường hợp “không nguyên tắc”

Khi còn sống, PGS Văn Như Cương tự nhận mình là "đồ gàn". Nói như nhà phê bình Văn học Phạm Xuân Nguyên, “gàn” tức là “gan huyền gàn: “Trước hết phải có gan làm và có gan chịu - Văn Như Cương là người như vậy”!

Nhiều người kể lại, cứ đến mùa tuyển sinh của trường, thầy Văn Như Cương lại tắt điện thoại, để khỏi phải nhận những lời nhờ vả của người quen... Thế nhưng, cũng rất nhiều trường hợp “không nguyên tắc” được ông nhận vào trường.

Một trong số đó, là em Đào Thu Hương, một học sinh khiếm thị nhưng học rất giỏi, đặc biệt là ngoại ngữ.

Dù điểm thi của Đào Thu Hương thừa đỗ vào bất cứ trường nào, nhưng mẹ của em đã khóc hết nước mắt vì tất cả các trường công lập lẫn dân lập của Hà Nội đều từ chối không thể nhận một học sinh khiếm thị.

Nhưng đến Trường Lương Thế Vinh và gặp thầy Văn Như Cương thì lại khác. Không những nhận Hương, thầy Cương còn miễn toàn bộ học phí cho cô bé. Cuối cùng Hương đã được tuyển thẳng vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trở thành giáo viên như mong ước.

Hay như câu chuyện cậu học trò nghèo ở Quảng Ninh sau bao lâu mới vỡ lẽ, thầy Văn Như Cương là người đã đóng học cho mình hàng tháng.

“Ông đồ gàn” Văn Như Cương và những điều chưa kể - 3

Cựu học sinh khiếm thị Đào Thu Hương (bên phải) và Phó Hiệu trưởng Văn Thuỳ Dương trong buổi gặp mặt sáng 22/4.

Quan trọng là học làm người tử tế

Suốt hơn 40 phút của bộ phim, không một lời bình, không người dẫn truyện, nhưng từ nhận xét của phụ huynh, học sinh, và đồng nghiệp, cho thấy, nhà giáo xứ Nghệ ấy đã sống cuộc đời không hề hoài phí. Để khi ông ra đi, nhiều người vẫn nhắc đến ta với nhiều điều tốt đẹp.

“Gàn như ông rất nhiều người muốn gàn, gàn như ông không phải ai cũng làm được bởi đó là cái “gàn” đáng yêu và trân trọng", nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận xét.

“Ông đồ gàn” cũng từng tự nhận: “Tôi chỉ là một nhà giáo bình thường làm hết trách nhiệm bằng trái tim” bởi điều ông mong mỏi nhất, hãy dạy con cái chúng ta có tấm lòng nhân ái, biết làm việc từ thiện dù rất nhỏ và có thái độ thân thiện đối với mọi người. Lòng thương người, tính đôn hậu là tính tốt cơ bản nhất mà mỗi con người nên có.

“Ông đồ gàn” Văn Như Cương và những điều chưa kể - 4

Triết lý của cố nhà giáo Văn Như Cương: “Làm người tử tế”, quan trọng hơn cả học chữ.

Hãy để cho trẻ con chúng ta biết đến, nghĩ đến biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, biết bao số phận cay đăng, biết bao hoàn cảnh ngặt nghèo của rất nhiều người trong xã hội.

Thông điệp của ông mong muốn được học trò khắc ghi: “Các con có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc… nhưng trước hết phải là những người tử tế”.

Những triết lý đó của cố nhà giáo Văn Như Cương đang được truyền cảm hứng và lan tỏa ra khỏi khuôn khổ cánh cổng trường: “Làm người tử tế”, quan trọng hơn cả học chữ.

Mỹ Hà