Nỗi lòng những người “gieo chữ” trên đỉnh Sài Khao

(Dân trí) - Vì lòng yêu mến trẻ, các thầy cô giáo đang cắm bản dạy học trên đỉnh Sài Khao – nơi cao, xa nhất của tỉnh Thanh Hóa đã quên hết mọi khó khăn, gian khổ. Họ cùng chung lòng tâm huyết, nguyện cống hiến hết mình vì những học trò nghèo trên lưng chừng trời.

Lớp học trên lưng chừng trời

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, chúng tôi có dịp lên bản Sài Khao nơi cách thành phố Thanh Hóa gần 300km.. Đây là bản cao nhất, xa nhất của tỉnh Thanh Hóa, thuộc xã Mường Lý, huyện miền núi Mường Lát.

Trước khi lên Sài Khao, chúng tôi chỉ biết đến nơi đây qua những vần thơ trong bài “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng. Một cán bộ xã Mường Lý khuyên: Các anh chị không nên Sài Khao vào những ngày này, đường lên đó ngày thường đã khó, những ngày mưa lại càng khó hơn. Nhiều người đã phải khóc dọc đường đi khi lên Sài Khao, muốn đi lên cũng không được mà quay xuống cũng chẳng xong.

Khu lẻ Sài Khao của trường mầm non Mường Lý
Khu lẻ Sài Khao của trường mầm non Mường Lý

Những vần thơ của nhà thơ Quang Dũng đã thôi thúc khiến chúng tôi quyết tâm lên Sài Khao bằng được để chứng kiến những “dốc cao, khúc khuỷu, dốc thăm thẳm, Sài Khao sương lấp, heo hút cồn mây…” và cả cuộc sống của những người dân trên lưng chừng trời này. Trong đó có cuộc sống của những giáo viên đang ngày đêm cắm bản “gieo chữ” cho những học trò nghèo nơi đây.

Để lên được bản Sài Khao chúng tôi phải mất hơn 4 giờ đồng hồ vượt núi cao trơn trượt. Con đường đi chỉ là một lối mòn ít người đi, chiếc xe máy luôn phải cài số 1, có những con dốc xe không thể đi được mà phải xuống dắt bộ. Lên đến Sài Khao, những ngôi nhà nhỏ, tạm bợ lợp bằng tranh tre nứa lá của người dân nằm rải rác khắp các sườn núi, quanh năm mây mù bao phủ.

Khu lẻ Sài Khao của trường Mầm non Mường Lý có lẽ là căn nhà duy nhất ở bản Sài Khao được xây dựng kiên cố bằng gạch, xi măng, sắt thép. Căn nhà này có hai phòng học, mỗi phòng rộng hơn 10m2. Cô giáo Lò Thị Huyền người phụ trách khu lẻ này cho biết, khu mầm non Sài Khao hiện có hơn 60 học sinh được chia thành 3 lớp ở các độ tuổi khác nhau nhưng chỉ có hai phòng học. Vì thế, lớp 3 tuổi và lớp 4 tuổi phải học chung với nhau, lớp 5 tuổi sắp lên lớp 1 nên được học riêng. Các cháu học sinh ở đây hầu hết là người Mông. Vì điều kiện khó khăn, khu không tổ chức nấu ăn bán trú được nên mỗi ngày phụ huynh phải hai buổi đưa con đến trường.

Khu lẻ Sài Khao của trường tiểu học Tây Tiến, xã Mường Lý
Khu lẻ Sài Khao của trường tiểu học Tây Tiến, xã Mường Lý

Nằm đối diện với khu lẻ mầm non là khu lẻ Sài Khao của trường Tiểu học Tây Tiến xã Mường Lý. Dãy phòng học tuềnh toàng này được dựng bằng tre, gỗ và lợp phờ-rô xi măng đã nhiều năm nên đang xuống cấp nghiêm trọng. Dãy nhà được chia thành 3 phòng học tạm bợ, mùa nắng thì thấu mặt, ngày mưa thì dột khắp nơi. Khổ nhất là những hôm trời rét, do không có cửa che chắn kín nên học sinh ngồi trong lớp học gió lùa vào rét thấu xương.

Thầy Cầm Bá Can giáo viên khu lẻ này cho hay, khu tiểu học hiện có 76 học sinh. Trong đó, lớp có đông học sinh nhất là lớp 2 với 19 học sinh, lớp có ít học sinh nhất là lớp 3 với 11 học sinh. Vì không có đủ phòng học nên hai lớp phải học “treo” vào buổi chiều.

Phòng học tuềnh toàng của khu lẻ tiểu học Sài Khao
Phòng học tuềnh toàng của khu lẻ tiểu học Sài Khao

Ngoài thiếu phòng học thì cả khu lẻ mầm non và tiểu học Sài Khao hiện vẫn còn thiếu giáo viên. Khu lẻ mầm non có 3 lớp học (lớp từ 3 đến 5 tuổi) nhưng chỉ có hai giáo viên. Một cô giáo phải dạy chung hai lớp trong một phòng học. Còn khu lẻ tiểu học thì ngoài dạy “treo” thì một giáo viên phải kiêm hai lớp khác nhau.

Lấy tình thương học trò để vượt qua gian khổ

Khu lẻ mầm non Sài Khao có hai giáo viên nữ đều có tuổi đời còn rất trẻ, cùng ở huyện Quan Hóa lên đây cắm bản dạy học. Hai năm cắm bản dạy học ở Sài Khao, cô giáo Lò Thị Huyền (SN 1992) chia sẻ: “Những ngày đầu mới lên đây công tác em tưởng như mình sẽ không trụ lại được. Thế rồi dần cũng quen, được bà con dân bản yêu quý, thấy những học trò nghèo đáng thương, từ đó hàng ngày em gắn cuộc sống của mình với việc dạy học nên cũng dần quên hết những khó khăn”.

Nhớ lại ngày đầu mới đặt chân đến Sài Khao dạy học, cô giáo Vi Thị Phiếu chỉ biết ngậm ngùi, thờ dài. Khi đó, cô Phiếu là một sinh viên mới ra trường, rời mảnh đất quê nhà ở huyện Quan Hóa, cô nhận nhiệm vụ mới ở nơi cách xa nhà gần 100km. Chưa kể, quãng đường từ khu trường chính lên khu lẻ ở bản Sài Khao chỉ cách xa gần 20km mà phải đi bộ hết cả ngày đường mới đến. Cuộc sống ở chốn thâm sơn cùng cốc này cô giáo trẻ gặp khó khăn trăm bề.

Hai giáo viên mầm non ở khu lẻ Sài Khao phải sống trong phòng học thiếu thốn đủ đường
Hai giáo viên mầm non ở khu lẻ Sài Khao phải sống trong phòng học thiếu thốn đủ đường

“Những ngày đầu mới đến Sài Khao em chỉ biết khóc vì nhớ nhà. Mỗi lần nghĩ đến con đường từ trung tâm xã Mường Lý lên Sài Khao mà lạnh cả sống lưng. Toàn dốc cao ở lưng chừng núi, em không thể đi được xe máy, phải đi bộ cả ngày đường.

Vào được đây rồi không biết đến khi nào mới ra được. Cuộc sống người dân, học sinh còn quá khổ cực, cách biệt với bên ngoài. May sao, em được các anh chị giáo viên cắm bản trước ở đây động viên giúp đỡ, bà con dân bản quý mến, từ đó em gắn bó cuộc sống của mình với những đứa trẻ nơi đây. Tình thương học trò, xem chúng như những đứa con của mình làm động lực để em vượt qua mọi khó khăn”.

Vì đang là giáo viên hợp đồng nên mỗi tháng, cô Phiếu chỉ nhận được khoản tiền lương vẻn vẹn có 1.150.000 đồng. “Số tiền lương hàng tháng nhận được em phải chắt bóp chi tiêu may ra mới đủ. Ở đây biệt lập với bên ngoài, không có chợ, đường đi khó khăn nên mỗi ngày chúng em chỉ ăm cơm với cá khô, trứng gà, rau thì bà con trong bản cho. Ăn uống cũng thất thường lắm, mỗi lần về quê chúng em phải mua cá khô lên dự trữ, lâu lâu mới dám mua thịt để ăn” – cô Phiếu thở dài

Không có điện chiếu sáng, sau mỗi giờ lên lớp cô Phiếu lại phải tranh thủ đứng bên cửa sổ soạn giáo án
Không có điện chiếu sáng, sau mỗi giờ lên lớp cô Phiếu lại phải tranh thủ đứng bên cửa sổ soạn giáo án

Vì không có nhà công vụ riêng nên cô Phiếu và cô Huyền phải ở chung cùng nhau ngay trong căn phòng học của trường. Căn phòng này chỉ đủ chỗ cho hai người ngủ, còn lại mọi sinh hoạt như nấu ăn, vệ sinh đều phải nhờ bên ngoài.

Chỗ ở của hai cô giáo mầm non là vậy, khó khăn hơn cả là 4 thầy giáo của khu lẻ tiểu học. Ba thầy giáo là Hà Minh Tuất, Vi Văn Tụy và Nguyễn Đình Hưng phải ở chung cùng nhau trật trội trong căn phòng công vụ rộng khoảng 10m2. Đây vừa là nơi sinh hoạt, vừa là phòng làm việc của 3 thầy. Duy chỉ có thầy giáo Cầm Bá Can do không đủ chỗ sinh hoạt trong nhà công vụ nên đã phải vay mượn tiền để dựng tạm một căn nhà nhỏ gần trường làm nơi sinh hoạt. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là căn nhà tạm bợ, chật hẹp, ẩm thấp.

Thầy Can tâm sự: “Những ngày đầu mới lên đây nhận công tác, tôi cũng ở chung cùng ba thầy. Vì chật trội quá, lại phải gắn bó lâu dài với nơi đây nên tôi gắng vay mượn tiền mua nguyên vật liệu dựng căn nhà tạm lấy nơi ở và sinh hoạt cho hai vợ chồng”.

Căn phòng nhỏ chật hẹp là nơi sinh hoạt của 3 thầy giáo tiểu học của khu lẻ Sài Khao
Căn phòng nhỏ chật hẹp là nơi sinh hoạt của 3 thầy giáo tiểu học của khu lẻ Sài Khao

Chỗ ở “cắm bản” của các giáo viên khó khăn là vậy, công tác dạy và học ở đây còn thiếu thốn, khó khăn hơn gấp nhiều lần. Vì không đủ phòng, thiếutrang thiết bị dày và học, thiếu giáo viên… nên khu lẻ tiểu học Sài Khao phải chia ra học hai buổi và một thầy giáo phải kiêm hai lớp.

“Ở đây không đường, không nước sạch, không điện lưới, không sóng điện thoại, không chợ… Cuộc sống “cắm bản” cực khổ là vậy nhưng khó khăn nhất vẫn là giáo viên và học sinh bất đồng ngôn ngữ. Vì thế, các thầy các cô dạy học ở đây phải học tiếng dân tộc, như thế mới có thể truyền đạt kiến thức cho học sinh được” – thầy Can nói.

Thầy giáo Cầm Bá Can bên ngôi trường đã gắn bó hơn 3 năm nay
Thầy giáo Cầm Bá Can bên ngôi trường đã gắn bó hơn 3 năm nay

“Anh em chúng tôi đều phải xa gia đình cắm bản dạy chữ cho học sinh. Một nơi xa xôi hẻo lánh, niềm vui mỗi ngày là được nhìn thấy học trò của mình tiến bộ. Anh em đều lấy tình thương học trò để quên hết những khó khăn, nguyện đem hết tâm huyết của mình cống hiến cho học trò nghèo nơi đây” – thầy Nguyễn Đình Hưng bộc bạch.

Bùi Thái Bá