Nỗi lo của người mẹ bán lợn cho con đi thi

(Dân trí) -Ngày Tuyết đi thi đại học, mẹ em phải bán con lợn chưa tới lứa lấy tiền làm lộ phí. Giờ cô học trò quê Tiền Giang đỗ vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, nhưng ba mẹ em không biết bán cái gì nữa để có tiền cho con đi học...

Với tổng số điểm 19,5, em Nguyễn Thị Tuyết (nhà ở số 34/3, khu 7, thị trấn Cai Lậy, Tiền Giang) đã đỗ vào ngành Văn học Trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn TPHCM. Với Tuyết, đây là phần thưởng mà em xứng đáng nhận được sau những tháng ngày miệt mài đèn sách. Cánh cửa giảng đường của trường đại học đang rộng mở với nhiều tân sinh viên nhưng với Tuyết, cánh cửa ấy đang còn xa lắm…

Cố gắng học dù đôi mắt chỉ thấy mờ mờ

Sau khi bài viết được đăng trên báo điện tử Dân trí, đông đảo độc giả gửi bình luận ngỏ ý muốn động viên em Nguyễn Thị Tuyết (nhà ở số 34/3, khu 7, thị trấn Cai Lậy, Tiền Giang). Chúng tôi xin đăng số điện thoại của em Tuyết để độc giá có thể chia sẻ với em. Số điện thoại: 0188 918 7043

Thầy cô và tập thể học sinh lớp 12A2 Trường THPT Tứ Kiệt cứ nhớ mãi hình ảnh cô học trò lúc nào cũng “cúi gằm” mặt xuống bàn để ghi bài. Tuyết có chứng bệnh về mắt rất nặng. Ngay từ khi Tuyết còn nhỏ, thị giác của em đã có vấn đề, em bị tật khúc xạ mắt nhưng do cuộc sống quá khó khăn nên em không có điều kiện để lên Sài Gòn chữa trị. Đôi mắt của em vừa bị cận thị, vừa bị loạn thị và thêm chứng nhược thị. Hai mắt của em một bên cận 10 độ, một bên cận 8 độ. Mắt trái bị loạn thị 2 độ. Mắt phải bị nhược thị.

Dù sức khoẻ yếu, hai mắt cận nặng nhưng thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn nên dù bị bệnh nhưng Tuyết cũng cố gắng đỡ đần mọi việc để cha mẹ đỡ vất vả hơn. Đi học về là Tuyết nấu cơm, giặt giũ, vắt sổ, làm khuy, đơm nút… giúp mẹ. Hễ rảnh là em lên ruộng nhổ cỏ, giậm lúa giúp ba. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, Tuyết dè sẻn trong mọi chi tiêu. Đôi chân thường bị đau nhức do căn bệnh viêm khớp hành hạ, nhưng hàng ngày Tuyết vẫn cố gò lưng trên chiếc xe đạp cũ kĩ để đi học mà không đi xe buýt để tiết kiệm 10.000 đồng/ngày.

Nỗi lo của người mẹ bán lợn cho con đi thi
Dù hai mắt cận nặng nhưng thời gian rảnh là Tuyết phụ mẹ may vá kiếm thêm ít tiền đỡ đần mẹ trong chi tiêu.

Tuyết cho biết: trong lớp của em, rất ít bạn theo khối C vì cho rằng các môn này khó học và sau này tìm việc làm cũng khó. Nhưng theo Tuyết thì các môn xã hội, nhất là môn Văn, nếu biết cách học thì cũng nhẹ nhàng lắm. Để học tốt, trước tiên là phải có niềm say mê, đọc sách và báo nhiều. Phải biết chọn lọc sách hay mà đọc. Khi đọc gặp những câu, đoạn văn hay em liền ghi vào sổ tay để tích lũy kiến thức. Không nên học theo kiểu học “tủ” mà phải học có trọng tâm; biết cách ôn tập theo vấn đề và nhóm tác phẩm để tìm ra điểm chung và riêng của từng tác giả, tác phẩm… Nắm vững kiến thức của thầy cô truyền đạt, biết cách diễn đạt, viết chữ cẩn thận là có thể đạt điểm tốt khi làm bài.

Thời gian qua, thấy thị lực của mình ngày càng kém, Tuyết có đến khám tại Bệnh viện mắt TPHCM. Các bác sĩ ở đây bảo phải mổ mắt thì tình trạng trên mới được cải thiện. Chi phí mổ là 18 triệu đồng, không có tiền nên em đành quay về... Tuy nhiên điều em đang lo nhất là cánh cửa đại học đang khép dần lại với em khi cha mẹ em hoàn toàn “đuối sức” không thể tìm ra số tiền bạc triệu cho em ăn học trong thời gian tới.

Từng bán lợn cho con đi thi

Có đến tận nhà Tuyết tìm hiểu thì mới biết hoàn cảnh của gia đình Tuyết khó khăn đến dường nào. Ba mẹ của Tuyết là nghề nông. Nhà có hơn 2 công ruộng để cày cấy. Nhưng ruộng của nhà Tuyết nằm ở chỗ trũng nên năng suất cũng không là bao. Chưa kể đến chi phí sản xuất cao mà giá lúa thì quá thấp nên có khi hết vụ, nhà không còn đủ gạo để dành ăn chờ mùa tới.

Ba của em là ông Nguyễn Văn Hậu mang chứng bệnh tim và hen phế quản phải thuốc thang quanh năm. Mẹ của em là bà Nguyễn Thị Phục (đang mang chứng bệnh u nang buồng trứng) ngoài việc nội trợ còn tranh thủ chăn nuôi. Hàng ngày, bà Phục xin nước cơm, canh thừa, cá cặn của hàng xóm để về chăn nuôi tiết kiệm tiền mua thức ăn chăn nuôi. Khi đêm xuống lại không được nghỉ ngơi mà phải thức thâu đêm miệt mài bên bàn máy may, may quần áo cho những người quen quanh xóm, nhưng chẳng kiếm được bao nhiêu.

Nỗi lo của người mẹ bán lợn cho con đi thi
Tuyết mong nếu có tiền lo nhập học, khi lên TPHCM em sẽ đi làm thêm để tự trang trải tiền sách vở.

Gặp chúng tôi, bà Phục tâm sự: Nhà có 2 cô con gái hiếu thảo, chăm học, với chị đó là niềm vui, là sự an ủi lớn. Khi Tuyết nhận được giấy báo nhập học, chị vui mừng lắm. Nhưng rồi chị lại lo ngay vì khoản tiền đóng học phí, tiền kí túc xá, tiền ăn ít nhất phải từ bạc triệu trở lên.

Ngày Tuyết đi thi đại học, chị đã phải bán con lợn chưa tới lứa vỏn vẹn được 1.800.000 đồng để Tuyết có tiền đi thi. Mang tiếng có mẹ là thợ may nhưng tới ngày đi thi mà Tuyết chẳng có được 2 bộ đồ tươm tất để mặc. Một người hàng xóm thấy thế, về nhà soạn 2 bộ đồ cũ của con gái cho Tuyết để em đi thi.

Càng gần tới ngày làm hồ sơ nhập học cho con, lòng bà Phục nóng như lửa đốt. Biết xoay xở tiền ở đâu để đóng tiền học cho con, rồi thì chặng đường dài 4 năm ở Sài Gòn biết bà có kham nổi hay không? Nhà thì còn mang nợ ngân hàng nhà nước 20 triệu đồng vay để chữa bệnh khi chồng bà nằm viện từ mấy năm về trước vẫn chưa trả được thì làm sao mà vay được nữa?

Cô Lưu Kiều Phượng - giáo viên chủ nhiệm em Tuyết năm lớp 12 cho biết: “Hoàn cảnh gia đình của em Tuyết rất khó khăn. Sức khỏe của em cũng không được tốt lắm nhưng em vẫn vượt khó để học tập, đó là một điều đáng trân trọng…”.

Tuyết chia sẻ: "Ba mẹ em nghèo nhưng vẫn cố gắng nuôi em ăn học. Nếu có điều kiện lên Sài Gòn học, em sẽ xin đi làm thêm để lo cho việc học của mình, vì ba mẹ của em ở nhà còn phải nuôi em của em đi học nữa. Năm học này, em ấy cũng thi đại học rồi (em gái của Tuyết là Nguyễn Thị Huyền Trân -  học sinh lớp 12A4 Trường THPT Tứ Kiệt). Nhưng không biết em có cơ hội để thực hiện ước mơ của mình không?".

Nhìn cô học trò nhỏ nhắn không giấu được nỗi ưu tư sau cặp kính dày cộp, chúng tôi chỉ mong sao có điều kỳ diệu để giúp Tuyết có thể nhập học, không dang dở việc học tập mà em luôn nỗ lực phấn đấu bấy lâu nay...

Diệu Hiếu - Nguyễn Hành

Dòng sự kiện: Tân sinh viên khó khăn