Cà Mau:

Nợ lương giáo viên: Kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch nhiều địa phương

(Dân trí) - Ngoài việc chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND một số địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau còn chỉ đạo cân đối hoặc tạm ứng trước ngân sách, đảm bảo thanh toán dứt điểm các khoản nợ đối với giáo viên trước ngày 20/11.

Sáng 29/10, nguồn tin của PV Dân trí được biết, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký Công văn chỉ đạo cơ quan chức năng chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND và Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh, Đầm Dơi, Cái Nước và thành phố Cà Mau vì đã buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng “nợ nần” tiền tỷ trong ngành giáo dục.

Trước đó, Sở Tài chính tỉnh Cà Mau đã có báo cáo kết quả kiểm tra tình hình nợ lương và các chế độ chính sách khác đối với giáo viên của các địa phương nói trên giai đoạn từ năm 2011 - 2015 và 8 tháng đầu năm 2016.

Chủ tịch tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo cân đối hoặc tạm ứng trước ngân sách, đảm bảo thanh toán dứt điểm các khoản nợ đối với giáo viên trước ngày 20/11.
Chủ tịch tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo cân đối hoặc tạm ứng trước ngân sách, đảm bảo thanh toán dứt điểm các khoản nợ đối với giáo viên trước ngày 20/11.

Theo báo cáo, từ 2011 đến nay nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau đều có phát sinh nợ chế độ chính sách đối với giáo viên trong thời gian dài. Cụ tể, huyện Trần Văn Thời nợ hơn 44 tỷ đồng, huyện U Minh hơn 36 tỷ đồng, Cái Nước hơn 18 tỷ đồng, Thới Bình hơn 16 tỷ đồng…

Cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân dẫn đến nợ nần là do công tác quản lý, điều hành ngân sách của UBND cấp huyện còn nhiều hạn chế, không báo cáo số lượng học sinh thực tế; không rà soát, báo cáo tình hình nợ lương và chế độ chính sách đối với giáo viên cho cơ quan thẩm quyền; không thực hiện nâng lương, quyết định hưởng thâm niên cho giáo viên theo quy định; sử dụng nguồn kinh phí sai mục đích; buông lỏng công tác quản lý, điều hành nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục và chi mua sắm và sửa chữa trường lớp tương đối lớn dẫn đến mất cân đối nguồn sự nghiệp giáo dục…

Báo cáo cũng xác định, số lượng học sinh thực tế cao hơn số lượng theo dự toán giao, các địa phương tập trung nguồn lực để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, hệ số lương bình quân của giáo viên cao, thừa thiếu cục bộ… cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ nần của ngành giáo dục tỉnh Cà Mau.

Được biết dù tạm ứng ngân sách năm 2017 hơn 53 tỷ đồng để xử lý vấn đề nợ lương và chế độ đối với giáo viên nhưng đến nay huyện U Minh vẫn còn nợ 14,5 tỷ đồng; huyện Thới Bình còn nợ 4,2 tỷ đồng.

Tuấn Thanh