Ninh Bình: Những con số ấn tượng về công tác khuyến học, khuyến tài

(Dân trí) - Ngày 3/4, Hội Khuyến học tỉnh Ninh Bình tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ IV (nhiệm kỳ 2015-2020) với sự tham gia của 162 đại biểu tiêu biểu đại diện cho hơn 260.000 hội viên. Tại Đại hội, hàng loạt con số ấn tượng về công tác khuyến học, khuyến tài được nêu ra.

Những con số ấn tượng

Tổng kết công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập khóa 3 (2009-2014), ông Lê Văn Toại – Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh: Công tác Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập qua 3 kỳ Đại hội đã bắt kịp chủ trương, đường lối của Đảng, vừa hợp với lòng dân, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Đảng, Chính quyền và hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân nên ngày càng phát triển mạnh mẽ, vững chắc.

Cũng theo ông Toại, nếu như cuối khóa II (năm 2009) toàn tỉnh có 1.422 chi hội, với 175.076 hội viên, bằng 19,4% dân số trong tỉnh thì đến cuối năm 2014 đã có 2.863 chi hội, với 260.685 hội viên, đạt tỷ lệ 28,6% dân số của tỉnh. Các tổ chức chi hội thôn, xóm, cơ quan, trường học, Ban khuyến học dòng họ ngày càng tăng và hoạt động tốt. Hoạt động Khuyến học ngày càng đi vào những nội dung thiết thực, có chiều sâu, tạo sự phát triển bền vững của phong trào.

Ông Lê Văn Toại – Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 3.

Ông Lê Văn Toại – Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 3.

Sau Đại hội lần thứ nhất (năm 2004), toàn tỉnh có 25.154 gia đình hiếu học, 485 dòng họ được công nhận “Dòng họ hiếu học”, 493 cộng đồng bản làng, khu phố đạt danh hiệu “Bản làng, khu phố khuyến học”, thì đến năm 2014 có số các gia đình đăng ký xây dựng Gia đình hiếu học là 180.687. Số gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình hiếu học là 132.167, tăng 16.200 gia đình so với năm 2013. Số các dòng họ đăng ký xây dựng “Dòng học hiếu học là 2.185 thì có đến 1.581 dòng họ được công nhận, tăng 69 dòng họ so với năm 2013... Trong nhiệm kỳ 2009-2014 có 9 dòng họ đạt danh hiệu Dòng họ hiếu học và tiêu biểu đã được tặng bức trướng; 1 đơn vị là xã Ninh Mỹ đã được Quỹ Nhân tài Đất Việt của Hội Khuyến học Việt Nam tặng Giải thưởng Khuyến học.

Phong trào gây quỹ Khuyến học, khuyến tài ở các huyện cũng đang phát triển bền vững. Trước đây, các huyện, thị đã có chủ trương lập Quỹ Khuyến học mang tên các danh nhân địa phương, nhưng số dư còn khiêm tốn. Từ năm 2012 việc vận động xây dựng Quỹ có chuyển biến tích cực. Năm 2012 Huyện ủy, UBND huyện Yên Khanh đã chỉ đạo ra mắt Quỹ Khuyến học, khuyến tài Vũ Duy Thanh, số dư hiện nay gần 1,7 tỷ đồng. Đầu năm 2013, Hội đồng hương Yên Mô ở Hà Nội đã ra mắt Quỹ khuyến học WTO, có số dư ban đầu hơn 300 triệu đồng. Quỹ Khuyến học Nguyễn Công Trứ ở Kim Sơn vẫn duy trì số dư gần chục tỷ đồng... Đến nay tổng số dư quỹ dành cho Khuyến học, khuyến tài các cấp lên đến gần 50 tỷ đồng.

“Từ năm 2011 đến cuối năm 2013, Hội đã tặng hàng trăm Bảng vàng Khuyến học cho tập thể và cá nhân có đóng góp xây dựng quỹ khuyến học và nhiều Giấy khen cho những học sinh có thành tích. Số tiền thưởng cho học sinh và giáo viên có thành tích; trao học bổng cho các đối tượng học sinh nghèo vượt khó, con các đối tượng chính sách học tập và tu dưỡng tốt đạt trên 20 tỷ đồng. Trong nhiệm kỳ qua, Hội Khuyến học các cấp đã khen thưởng và cấp học bổng cho hơn 20.000 lượt học sinh các cấp với số tiền hơn 20 tỷ đồng” - Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Ninh Binh nói.

Quang cảnh Đại hội

Quang cảnh Đại hội

Phát biểu ý kiến tại Đại hội, ông Trần Tình, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chúc mừng và biểu dương những thành tích của Hội Khuyến học tỉnh Ninh Bình trong nhiệm kỳ qua. Với chức năng khuyến học, khuyến tài, Hội Khuyến học đã tạo ra một sân chơi bổ ích nhằm phát hiện, khuyến khích tài năng mọi lứa tuổi, góp phần bổ sung cho tỉnh một nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa quê hương, đất nước.

Trong nhiệm kỳ tới, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị Hội Khuyến học tỉnh Ninh Bình quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ như tiếp tục quán triệt nghiêm túc, sâu sắc Chỉ thị của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài; Đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học, cụm dân cư khuyến học trong các cộng đồng dân cư; Tập trung xây dựng và phát triển mạnh mẽ quỹ khuyến học các cấp nhằm giúp đỡ nhiều hơn đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn có cơ hội được học tập...

Nhiều thách thức của nhiệm kỳ mới

Đại hội cũng đã tiến hành công tác nhân sự, bầu ban chấp hành Hội Khuyến học tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 46 đồng chí, bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ V; biểu quyết thông qua các nghị quyết của Đại hội.

Đại hội cũng đặt ra những mục tiêu cho nhiệm kỳ mới với những thách thức không nhỏ. Cụ thể, về tổ chức thì kết hợp vận động kết nạp nhiều hội viên với củng cố về tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động có hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2020 có từ 29% dân số trở lên là hội viên Khuyến học; Ở đâu có cơ quan, trường học, doanh nghiệp ở đó có tổ chức Khuyến học. Phấn đấu 100% cán bộ, đảng viên, giáo viên là hội viên hội khuyến học.
Nhiệm kỳ mới đặt ra rất nhiều mục tiêu
Nhiệm kỳ mới đặt ra rất nhiều mục tiêu

Hàng năm có từ 90% trở lên gia đinh, dòng họ đăng ký phần đấu, trong đó 70% gia đình, dòng họ trở lên đạt danh hiệu Gia đình – Dòng họ học tập. Hàng năm có 80% trên lên các cộng đồng đăng ký đạt tiêu chí “Cộng đồng học tập”, trong đó 60% trở lên đạt tiêu chuẩn “Cộng đồng học tập”, 100% cơ quan đạt “Đơn vị học tập”.

Phấn đấu đến năm 2020 tất cả các huyện đều xây dựng được quỹ Khuyến học, khuyến tài bền vững, được mang tên các danh nhân địa phương. 100% cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, 80% doanh nghiệp có quỹ khuyến học, khuyến tài của cơ quan. Tăng cường vận động các dòng học, các gia đình xây dựng Quỹ khuyến học, khuyến tài dòng học và gia đình để động viên phong trào học tập suốt đời trong các gia đình, dòng họ.

Bên cạnh đó, định ký 2 năm, Hội Khuyến học phối hợp với các ban, ngành Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức sơ kết Chương trình phối hợp Khuyến học, khuyến tài, rút kinh nghiệm, tìm giải pháp hay nâng cao chất lượng phong trào. Phối hợp với ngành GD-ĐT cũng cố, tăng cường quản lý nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, phấn đấu có từ 85% Trung tâm học tập cộng đồng trở lên hoạt động đạt loại khá, tốt. Không có trung tâm học tập cộng đồng hoạt động yếu kém.

Nguyễn Hùng