Niềm vui lớn khi “tuổi nhỏ” được “làm việc nhỏ”

(Dân trí) - Nhìn hình ảnh các em học sinh tiểu học cả trai lẫn gái hồ hởi khi chăm sóc những luống rau trên sân thượng nhà trường, trong lòng tôi thấy vui lạ lùng. Không vui sao được khi có thể tin rằng trẻ con ngày nay vẫn yêu lao động, vẫn thích làm việc chân tay. Chẳng qua là người lớn chúng ta không biết cách khuyến khích các em làm các việc nhỏ đó thôi!

Gần một năm nay, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM) dành khuôn viên sân thượng ở tầng 4 với diện tích hơn 400 m2 để các em học sinh (HS) trồng rau trong những thùng xốp với sự hướng dẫn của các cô bảo mẫu. Mỗi lớp tự chọn loại rau để trồng, các cô bảo mẫu làm đất rồi HS gieo trồng và tưới rau hàng ngày.

Niềm vui lớn khi “tuổi nhỏ” được “làm việc nhỏ” - 1
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM) chăm rau hàng ngày. (Ảnh: Website thnguyenbinhkhiem)
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM) chăm rau hàng ngày. (Ảnh: Website thnguyenbinhkhiem)

Mỗi học kỳ có 2-3 đợt thu hoạch được tổ chức thành hội chợ để phụ huynh có thể mua về ăn với giá 20.000 đồng/bó rau. Số tiền thu được sẽ thành quỹ của từng lớp để các em chi tiêu trong các hoạt động của lớp mình.

Niềm vui lớn khi “tuổi nhỏ” được “làm việc nhỏ” - 3

Các em vui mừng với thành quả thu được và bán trong phiên chợ rau sạch chiều ngày 29/12/2015. (Ảnh: Website thnguyenbinhkhiem)

Các em vui mừng với thành quả thu được và bán trong phiên chợ rau sạch chiều ngày 29/12/2015. (Ảnh: Website thnguyenbinhkhiem)

“Noi gương” Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4, TPHCM) mới triển khai mô hình trồng rau sạch trên diện tích hơn 200 m2 ở sân thượng. Các giáo viên, nhân viên nhà trường làm đất, còn các em cùng các cô chọn hạt giống và chăm trồng. Hàng ngày, vào giờ ra chơi buổi sáng và buổi chiều, mỗi lớp sẽ cử hai em lên để tưới rau của lớp mình. Khi thu hoạch rau, trường sẽ cho HS bó rau và bán lại cho phụ huynh, hoặc trường dùng để nấu trong bữa ăn cho các em.

Thực ra đây không phải là một sáng kiến mới, đã có không ít trường học ở miền núi phía Bắc áp dụng mô hình “trường học - nông trại” rất hiệu quả. Nhưng để thực hiện được mô hình này với những trường học ở thành phố như hai trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Văn Trỗi (TPHCM) thì thật sự là một nỗ lực của cô và trò. “Khu vườn trên tầng cao” là một điểm sáng về “giải pháp” khi nỗi lo trẻ ngại vận động, lười làm việc nhà đi đôi với “vấn nạn” trẻ thừa cân, béo phì ngày càng tăng trong thời buổi hiện đại ngày nay.

Trẻ ở thành phố, phần lớn thời gian trong ngày là ở trường học. Có lẽ vì trẻ phải học nhiều nên các bậc bố mẹ cũng “xót” con, khi trẻ về đến nhà là ít phải “động tay động chân” làm việc nhà. Còn khi đến lớp, trẻ cũng ít phải làm gì vì việc cơ bản là quét dọn lớp thì đã có nhân viên dọn vệ sinh được thuê làm.

Trong khi đó, tại Việt Nam, các chuyên gia y tế nhiều lần cảnh báo trước việc HS ít vận động, theo số liệu mới nhất, tỷ lệ học sinh ít vận động thể chất là 42%.

Xét trong tình cảnh này, mô hình trồng rau tại trường đúng là “một công đôi ba việc”: các em có thể lao động phù hợp độ tuổi của mình; các em phối hợp với nhau làm việc (cùng trồng rau, chăm rau); được rèn kỹ năng tính toán, giao tiếp (khi bán rau); các em tự tạo quỹ cho lớp mình. Một ích lợi nữa là khi các em ăn chính rau mình trồng thì sẽ thích ăn rau hơn và lại được ăn rau sạch.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM) cùng nhau thu hoạch rau chiều ngày 29/12/2015. (Ảnh: Website thnguyenbinhkhiem)
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM) cùng nhau thu hoạch rau chiều ngày 29/12/2015. (Ảnh: Website thnguyenbinhkhiem)

Việc cho các em HS tham gia trồng rau tại nhà trường cũng chính là ít nhiều thực hiện được mô hình trường học nâng cao sức khỏe mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo áp dụng.

Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng dạy: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”.

Việc trẻ được khuyến khích làm việc còn có ý nghĩa cho sự trưởng thành sau này của các em. Theo bài báo mới đây trên tờ Independent (Anh), các nhà tâm lý cho biết, một trong những điểm chung của các bậc cha mẹ có con thành đạt là cho trẻ làm việc nhà. Bà Julie Lythcott-Haims, chuyên gia từ Đại học Standford, tin rằng những đứa trẻ được dạy phải làm việc nhà ngay từ bé thì khi lớn lên sẽ biết phối hợp tốt với đồng nghiệp.

Thật tuyệt vời làm sao, mô hình “khu vườn trên tầng cao”. HS hai trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Văn Trỗi thật là may mắn khi có cơ hội được “làm việc nhỏ” đúng với “tuổi nhỏ” của mình.

Nguyên Chi

(Email: minhthuong@dantri.com.vn)

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con