Những vụ thi công chức, viên chức “tai tiếng”

(Dân trí) - Gian lận thi công chức ở cấp Bộ, trúng tuyển cấp huyện đổi thành cấp tỉnh, hàng trăm giáo viên bỗng nhiên mất việc ... là những lùm xùm liên quan đến thi tuyển công chức, viên chức trong thời gian vừa qua.

Trúng tuyển nhờ biết trước đề

Tháng 10/2013, Cục quản lý thị trường (QLTT) Bộ Công thương tổ chức thi tuyển công chức. Có 299 thí sinh đăng ký dự thi nhưng chỉ tiêu tuyển dụng chỉ có 10 người.

Sau khi công bố kết quả, nhiều đơn thư khiếu nại đã được gửi đến tố giác: cuộc thi lộ đề, thí sinh biết trước và cả 10 thí sinh trúng tuyển này đều được cho là con cháu của người trong Cục.

Những vụ thi công chức “tai tiếng” ở Việt Nam

Theo kết luận của cơ quan công an, trong số 10 thí sinh trúng tuyển, có 3 thí sinh có gian lận, hưởng lợi nhờ biết trước đề.

Trước các nghi vấn trên, Cục an ninh kinh tế tổng hợp (A85) của Bộ Công An vào cuộc và đã kết luận có vi phạm xảy ra trong kỳ thi này. Theo kết luận của cơ quan công an, trong số 10 thí sinh trúng tuyển, có 3 thí sinh có gian lận, hưởng lợi nhờ biết trước đề.

Ngày 11/8, Ban cán sự Đảng Bộ Công thương đã ra thông báo tuyên bố hủy bỏ kết quả kỳ thi này và giao Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Cục QLTT xem xét tổ chức thi lại theo quy định hiện hành.

Đổi nguyên tắc trúng tuyển

Ngày 7/1/2014, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã ký công văn hỏa tốc gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu báo cáo công tác tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm 2014.

Sở dĩ như vậy vì trước đó, báo chí đã phản ảnh về việc Thí sinh phải chịu thiệt thòi, ngang trái khi thi viên chức ở Vĩnh Phúc thí sinh dự thi tuyển viên chức ngày 29-30/08/2014 cho rằng UBND tỉnh Vĩnh Phúc không thực hiện đúng hướng dẫn tuyển dụng giáo viên.

Cụ thể, ở văn bản số: 836/HDLS-SGĐT-SNV ngày 19/06/2014 quy định “Người trúng tuyển trong kì thi tuyển giáo viên năm 2014 phải tham dự đủ các bài thi, mỗi bài thi phải đạt từ 50 điểm trở lên và được xác định theo nguyên tắc: Người trúng tuyển có kết quả thi cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu tuyển dụng của từng vị trí việc làm của mỗi huyện, thành, thị”.

Tuy nhiên, khi đã thi xong tỉnh lại ra văn bản số: 6376/UBND-TH1 ngày 24/10/2014 lại thay đổi thành: “Nguyên tắc xác định người trúng tuyển theo các quy định đã thông báo cụ thể: Người dự thi phải tham dự đủ các bài thi theo quy định, mỗi bài thi phải đạt từ 50 điểm trở lên, cộng tổng lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi hết chỉ tiêu tuyển dụng chung của cả tỉnh”.

Như vậy, từ nguyên tắc trúng tuyển cấp huyện giờ đã được đổi thành cấp tỉnh. Việc thay đổi này cũng đã khiến nhiều thí sinh bất ngờ và rất bức xúc. Thực tế, một số thí sinh nếu xét điểm và chỉ tiêu cấp huyện thì đỗ vào viên chức ngành giáo dục, nhưng xét theo cấp tỉnh sẽ không đạt.

Theo các thí sinh: "Chúng tôi hoàn toàn bị động. UBND tỉnh, Sở Nội vụ và Sở GD&ĐT quyết định cuộc sống của chúng tôi, liệu các kỳ thi tiếp theo thí sinh liệu còn đủ tin tưởng vào hướng dẫn mà các cơ quan ban hành không?" Các thí sinh mong muốn và đề nghị UBND tỉnh thu hồi lại công văn số 6376/UBND-TH1 và thực hiện theo công văn 836/HDLS-SGDĐT-SNV nhất quán như ban đầu.

Hàng trăm giáo viên bỗng dưng…mất việc

Sau kỳ tuyển viên chức, hàng trăm giáo viên dạy hợp đồng ở huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) không trúng tuyển đều bị chấm dứt hợp đồng. Ấm ức với cách làm “tùy tiện, vắt chanh bỏ vỏ” nên nhiều giáo viên đã đứng lên đòi quyền lợi.

Theo phản ánh của nhiều giáo viên (GV) hợp đồng thì kỳ thi tuyển viên chức vừa qua là một sân chơi không “sòng phẳng” thậm chí có những dấu hiệu tiêu cực bởi phương thức xét tuyển mà huyện Yên Phong đưa ra.

Những vụ thi công chức “tai tiếng” ở Việt Nam

Trước việc hàng trăm giáo viên hợp đồng ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh) mất việc, Bộ Nội vụ chính thức vào cuộc.

Cụ thể, hình thức tuyển dụng được thông qua việc xét tuyển qua hồ sơ và phỏng vấn. Kết quả xét tuyển là tổng số điểm của điểm học tập, điểm tốt nghiệp và điểm phỏng vấn. Trong đó điểm học tập, điểm tốt nghiệp được quy đổi ra thang điểm 100 và tính hệ số 1, đối với điểm phỏng vấn xác định theo thang điểm 100 mà tính hệ số 2.

“Như vậy việc xét tuyển ở đây không tính điểm ưu tiên đối với những GV có thâm niên công tác, không thi thực hành về chuyên môn. Nói cách khác, GV hợp động chịu thiệt thòi toàn diện bởi bằng cấp của đội ngũ trẻ ngày này “đẹp” hơn. Bên cạnh đó, ở phần thi phỏng vấn thì lại không có thiết bị giám sát, ghi âm, ghi hình…, không phúc khảo nhưng lại được nhân hệ số 2” - cô K.T.D, GV dạy hợp đồng hơn 10 năm phân tích.

Sau khi báo Dân Trí thông tin vụ việc ở huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) có hàng trăm giáo viên hợp đồng mất việc, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã vào cuộc để nắm tình hình và chấn chỉnh.

Thạc sĩ du học châu Âu cũng trượt công chức

Thực tế trên đã diễn ra tại một ngôi trường danh tiếng ở thủ đô - trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam. Mặc dù đang sở hữu những tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở Anh, Pháp nhưng hai người này vẫn đang phải ngậm ngùi công tác tại trường dưới danh nghĩa giáo viên dạy hợp đồng.

Lý do đơn giản vì khi tổ chức thi tuyển, vị tiến sĩ Vật Lý này chỉ đạt 8 điểm, trong khi các thí sinh khác dù chỉ học trong nước nhưng lại đạt 9,5 điểm. Một thạc sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Những đề xuất xin thêm biên chế để áp dụng vào những trường hợp tiến sỹ từ nước ngoài về, có tài thực sự được tính đến. Hiệu trưởng trường chuyên Hà Nội Amsterdam Lê Thị Oanh khôn khéo xin "cơ chế riêng" để giữ chân những tiến sĩ, thạc sĩ châu Âu ở lại trường. 

Nhưng ngay lập tức, những ý kiến phản hồi kiểu "phải công bằng với tất cả" xuất hiện. Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, bà Ngô Thị Doãn Thanh không đồng tình với đề xuất này. Lý do được bà nêu ra là hiện chính sách của nhà nước không có sự phân biệt giữa hệ dân lập và công lập. Do vậy càng không thể ưu tiên người học nước ngoài hơn học ở trong nước, rất bất hợp lý.

Lê Tú (tổng hợp)