Những tư tưởng lớn về xây dựng xã hội học tập

(Dân trí) - Vừa qua tại TP Sơn La, UBND tỉnh Sơn La phối hợp vớiTrung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Xã hội học tập Việt Nam và tỉnh Hội Khuyến học Sơn La đã tổ chức Hội thảo khoa học – Thực tiễn Hồ Chí Minh – Phạm Văn Đồng – Võ Nguyên Giáp những tư tưởng lớn về xây dựng xã hội học tập.

Đến dự hội nghị có Ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên  Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Ông Phạm Văn Thủy, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La; GS – TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký và Ông Trần Tình, Phó Chủ tịch TW Hội Khuyến học Việt Nam; Ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng nhiều Giáo sư, Phó Giáo sư – TS khoa học, Chủ tịch Hội Khuyến học một số tỉnh, thành, Chánh Văn phòng và các Trưởng, Phó Ban của TW Hội Khuyến học VN, các chuyên gia giáo dục, đại diện lãnh đạo các Sở, Ban , Ngành của tỉnh và hơn 150 đại biểu tham dự.

Những tư tưởng lớn về xây dựng xã hội học tập

Với 20 bản tham luận và 10 tác giả phát biểu tại hội thảo, tất cả đều khẳng định Hồ Chí Minh là người khai sáng nền giáo dục Việt Nam mới. Tư tưởng của Người vừa là triết lý sâu sắc vừa là thực tiễn sinh động, nhằm bồi dưỡng con người Việt Nam yêu nước, có ý chí tự lực tự cường, người sớm đưa ra chủ trương xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời nhằm đưa dân tộc Việt Nam trở thành  một “dân tộc thông thái”. Tư tưởng đó đã bắt gặp xu thế thời đại, khi  Liên Hiệp quốc phát động các quốc gia thành viên xây dựng và phát triển xã hội học tập (vào thập kỷ 70), cùng với ý tưởng đó, UNESCO hàng năm đã phát động phong trào học tập suốt đời trên toàn thế giới. Vài chục năm trở lại đây, xây dựng và phát triển xã hội học tập đã trở thành xu thế lớn ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những học trò xuất sắc của Người. Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã để lại những tư tưởng lớn về giáo dục và xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Kết luận hội thảo, Ông Nguyễn Mạnh Cầm, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá: Hội thảo với chủ đề “ Hồ Chí Minh – Phạm Văn Đồng – Võ Nguyên Giáp những tư tưởng lớn về xây dựng xã hội học tập” là hội thảo đầu tiên ở Việt Nam được các nhà khoa học, những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập dày công nghiên cứu, hội thảo đã mang lại kết quả đáng trân trọng . Những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Phạm Văn Đồng – Võ Nguyên Giáp về xây dựng xã hội học tập đã và đang trở thành nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Đây cũng là xu thế chung  của tất cả các nước trên thế giới, cả những nước phát triển và những nước đang phát triển đều có chung một yêu cầu là không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo bước tiến không ngừng của tri thức nhân loại và của khoa học công nghệ.  Từ đó giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đã trở thành yếu tố quyết định tương lai của mỗi dân tộc, sự phát triển của mỗi quốc gia, và đã trở thành quốc sách hàng đầu của nhiều nước.

Trước xu thế đó, khi mới bước vào thế kỷ 21, Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng (2001) đã quyết định phải tạo điều kiện cho mọi người dân đều được học theo hệ thống chính quy hoặc không chính quy, “xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập”. Đại hội toàn quốc lần thứ X tiến thêm một bước khẳng định: “chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập”, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định: “ đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời”.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm

Theo Ông Nguyễn Mạnh Cầm, nhiều tài liệu và những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Phạm Văn Đồng  - Võ Nguyên Giáp về lĩnh vực giáo dục đã thể hiện những tư tưởng lớn về xây dựng xã hội học tập, cuộc hội thảo hôm nay mới chỉ là bước đầu, chắc chắn chúng ta sẽ phải có những công trình nghiên cứu, những hội thảo tiếp về tư tưởng lớn đó. Mong lãnh đạo Hội Khuyến học các cấp quán triệt tư tưởng lớn của Bác, của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp để thực hiện tốt vài trò nòng cốt của Hội trong cuộc vận động “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư” đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội Khuyến học Việt Nam thực hiện trong Quyết định 281/QĐ-TTg./.

Lương Thanh