Những trăn trở về nguyện vọng 2

(Dân trí) - Thời gian qua, dư luận thí sinh rất hoang mang trước thông tin nhiều thí sinh có kết quả thi ĐH rất cao (trên 27 điểm) nhưng vẫn trượt ĐH và liệu có trường nào mở rộng “vòng tay” đón họ? Công bằng trong tuyển sinh ĐH liệu có bị ảnh hưởng vì điều này?

Thí sinh điểm cao không thích NV2!

 

Nếu như trong hai năm đầu thực hiện 3 chung, trường ĐH nào cũng  bắt buộc phải dành từ 15% đến 20% chỉ tiêu cho tuyển sinh nguyện vọng 2, 3 để “cứu” những thí sinh có kết quả thi cao nhưng bị trượt thì bắt đầu từ năm 2004, chỉ tiêu dành cho nguyện vọng 2,3 của các trường đã trở thành nguyện vọng “mềm” và tuyển bao nhiêu là hoàn toàn do các trường quyết định.

 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải thí sinh nào cũng mong chờ nguyện vọng 2, 3 sau khi đã trượt NV1, nhất là những thí sinh có kết quả thi cao.

 

Chẳng hạn như năm nay, số thí sinh trượt nguyện vọng1 ở ĐH Y Hà Nội với số điểm rất cao (trung bình 9 điểm/môn) lên tới hơn 100 thí sinh. Song, cũng là một điều rất đáng mừng khi tổng hợp của Bộ GD-ĐT cho thấy gần như toàn bộ số thí sinh đạt mức điểm từ mức 27 điểm trở lên trượt ở ĐH Y đều là những thí sinh đã dự thi cả hai khối và đều có số điểm cao. Họ thừa khả năng đỗ vào những trường khối A mà không cần nghĩ đến NV2!

 

Mặt khác, trong tâm lý của nhiều thí sinh khi quyết định dự thi vào trường top trên thì họ thà thi lại một năm còn hơn là phải nộp NV2 vào một trường ĐH bất kỳ nào đó chỉ để miễn là đỗ bằng được ĐH. 

 

Như tâm sự của thí sinh Hoàng Long (126 Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, Hà Nội) thi vào ĐH Y Hà Nội trong hai kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2005 và 2006 thì mặc dù cả hai năm cậu đều trượt với số điểm trên 23 điểm nhưng Hoàng Long vẫn nhất định không nộp nguyện vọng 2 vào trường nào khác. Năm 2007 tiếp tục thi trượt và Hoàng Long đã quyết định đi du học Trung Quốc để được theo học ngành Y.

 

Để cho kỳ thi tuyển sinh ĐH không để lọt những thí sinh giỏi, từ năm 2004, Bộ có áp dụng một chính sách “mở” đối với NV1 khi cho phép một số trường ĐH có điểm trúng tuyển cao và năng lực đào tạo tốt được tuyển ngoài chỉ tiêu với mức học phí đủ bù chi phí đào tạo. Điểm chuẩn của hệ này thấp hơn so với điểm chuẩn vào trường và đối tượng là những thí sinh thi nhưng không đủ điểm chuẩn ban đầu và không có nguyện vọng chuyển sang trường khác, ngành khác. Mức học phí của hệ này tuy cao hơn khoảng gấp đôi so với những thí sinh trúng tuyển theo NV1 nhưng bằng cấp đều được công nhận như nhau.

 

Trong 3 năm qua có một số trường ĐH top trên đã thực hiện việc tuyển sinh kiểu này như ĐH Bách khoa, ĐH Dược Hà Nội... và rất nhiều thí sinh đã thực hiện được hoài bão vào trường mà mình yêu thích nhờ quy định này.

 

Thí sinh hãy biết... tự thương mình!

 

Nguyện vọng 2 của năm 2004 chiếm tới 60% tổng chỉ tiêu ĐH và CĐ (trong đó bậc ĐH là 23% và CĐ là 37%), năm 2005 con số này là 34,35% và năm 2006 là 35,35%.

 

Rõ ràng, mặc dù Bộ không còn ép các trường phải dành mức chỉ tiêu cho nguyện vọng 2 nhưng các trường cũng vẫn khá “hào phóng” trong việc dành nguyện vọng 2, 3 của thí sinh, dù đa số những trường đó chỉ là dân lập và những trường top dưới.

 

Dù hết sức khiên cưỡng nhưng ĐH Nông nghiệp 1 năm nào cũng có khá nhiều chỉ tiêu tuyển sinh NV2, 3 cho thí sinh. Một cán bộ phòng đào tạo ở đây cho biết số thí sinh nhập học vào ĐH Nông nghiệp dưới hình thức tuyển NV2 thường rơi rụng rất nhiều sau mỗi năm.

 

“Chúng tôi thậm chí còn chứng kiến có những sinh viên đỗ bằng NV2 vào trường học rất giỏi, được cấp học bổng và được hưởng rất nhiều ưu đãi của trường nhưng năm sau vẫn cố thi trường ĐH khác, không đỗ mới quay lại học tiếp lên năm thứ hai. Biết vậy nhưng chúng tôi vẫn đành phải làm ngơ vì chúng tôi luôn hy vọng chất lượng học tập của sinh viên trường mình sẽ tốt hơn”.

 

Tâm lý sẽ cố gắng tuyển NV2, 3 dù luôn hoài nghi vào sự “chung thuỷ” của thí sinh nộp đơn xét tuyển là tâm lý của hầu như tất cả các trường có thông báo tuyển NV2, 3. PGS Phạm Ngọc Quý, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thuỷ lợi Hà Nội nói: “Dù gì, chất lượng tuyển sinh vẫn luôn phải được đặt lên hàng đầu, nếu còn cơ hội tuyển được những thí sinh giỏi hơn thì vẫn phải cố tuyển”.

 

Nhưng, dù thế nào thì chỉ tiêu tuyển sinh luôn rất hạn hẹp bởi mạng lưới các trường ĐH, CĐ ở Việt Nam phải ít nhất trong vòng 5 năm tới mới không bị “quá tải” đầu vào. Vì thế,  hơn hết là thí sinh phải chuẩn bị tâm lý một cách tốt nhất dù không thể đậu ĐH.

 

Như trong năm nay, theo dự kiến của Vụ ĐH và SĐH thì nếu thí sinh có tổng điểm dưới mức 13 khối C, D và có tổng điểm dưới mức 14 đối với khối A, B thì đừng tiếp tục “nuôi” hy vọng vào NV2, 3 mà hãy tính toán cho mình một sự lựa chọn khác khả thi hơn.

 

M.M