Những thủ khoa giàu nghị lực của năm 2013

(Dân trí) -Trong mùa tuyển sinh đại học năm 2013, nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vẫn nỗ lực học tập và đạt kết quả xuất sắc với ngôi vị thủ khoa. Cùng <i>Dân trí</i> điểm lại một số thủ khoa giàu nghị lực khiến nhiều người khâm phục trong năm 2013.

Nữ sinh nghèo xứ Thanh đỗ thủ khoa ĐH Y Hà Nội

Thi vào ĐH Y Hà Nội đạt 29,5 điểm, Nguyễn Mai Thơ (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) trở thành thủ khoa trường này năm 2013. Ngoài ra, Mai Thơ còn thi đỗ Học viện Ngân hàng với 25 điểm.

Để đạt thành tích này, cô học trò xứ Thanh đã vượt qua nhiều khó khăn khi phải sống xa mẹ từ năm lớp 4 (mẹ Thơ rời xa bố con em để đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan). Mỗi ngày, ngoài giờ học, ba chị em Thơ theo bố ra đồng làm ruộng. Cuộc sống lại càng khó khăn khi bố Thơ bị mắc bệnh ung thư vòm họng năm em đang học lớp 12.

Căn bệnh ung thư vòm họng khiến bố em phải nằm hàng tháng trời ở bệnh viện. Thơ một mình vừa lo cho bản thân lại lo cho cậu em út. Mỗi lần lật giở những trang sách, dòng chữ lại nhòe đi bởi những dòng nước mắt luôn chực trào vì thương bố mẹ…
 
Bệnh tình của bố và nỗi vất vả của mẹ là động lực để Mai Thơ càng cố gắng trong học tập
Thủ khoa Nguyễn Mai Thơ và bố. Bệnh tình của bố và nỗi vất vả của mẹ là động lực để Mai Thơ càng cố gắng trong học tập. (Ảnh: Nguyễn Thùy)

Kỳ thi tuyển sinh năm 2013, không chỉ đỗ thủ khoa ĐH Y Hà Nội, Mai Thơ còn thi đỗ Học viện Ngân hàng với 25 điểm. Cuối cùng em đã chọn ngành Y để theo học. Dù biết trước rằng, hoàn cảnh của em bây giờ, con đường đến với ngành y thực sự gian nan nhưng ước mơ chữa bệnh cho những người nghèo như bố đã khiến em quyết tâm chọn nghề này.

Cậu thủ khoa mồ côi cả cha và mẹ

Thủ khoa Học viện Công nghệ bưu chính Viễn thông với số điểm 27 là em Bùi Chí Hướng (quê huyện Đông Anh, Hà Nội) có hoàn cảnh rất đặc biệt khi mồ côi cả cha và mẹ.
 
Tháng 5/2010, mẹ Hướng bất ngờ phát hiện ung thư tụy và đã mất sau đó không lâu. Hai năm sau, tháng 2/2012, bố em qua đời bởi căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Nỗi đau mất bố và mẹ khiến có lúc tưởng chừng Hướng phải nghỉ học vì không thể vượt qua. Không còn bố mẹ, Hướng sống cùng bà nội năm nay đã ngoài 80 tuổi. Ngày ngày, hai bà cháu đỡ đần nuôi nhau bằng tiền lương 1.100.000 đồng bà được hưởng theo diện mẹ liệt sĩ.
 
Không còn bố, mẹ, anh rể cũng mới mất, em ở với  bà nội năm nay đã ngoài 80 tuổi.
Không còn bố mẹ, em Bùi Chí Hướng sống cùng bà nội ngoài 80 tuổi. (Ảnh: Phạm Oanh)

Sống với bà, Hướng không cho phép mình “gục ngã” bởi: “Bà đã già rồi, lại phải chịu đựng sự ra đi của bố mẹ em nên em không được làm bà buồn vì bất cứ điều gì cả”.

Nghĩ là làm, hàng ngày cậu học trò để tấm ảnh của hai bố trên trên bàn học như một lời hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt.

Đỗ thủ khoa Học viện Công nghệ bưu chính Viễn thông, Hướng tâm sự: “Em sẽ cố gắng học tập và kiếm tìm việc làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống của mình.

Nữ sinh nhà nghèo học bổ túc thi đỗ thủ khoa

Dù nghỉ học 5 năm để đi làm phụ giúp gia đình, em Nguyễn Thị Lệ Huyền (sinh năm 1989, học sinh Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Huế) vẫn đỗ thủ khoa ngành Sư phạm Tiểu học, ĐH Sư phạm - ĐH Huế với tổng điểm 25, trong đó cả 2 môn Sử và Địa đều được 9,5.
 
Trước đó, khi Huyền học xong cấp 2, mẹ em bị mổ u xơ nang, nhà nghèo lắm, ba mẹ lo không đủ cho cả 5 đứa con. Vậy nên Huyền đã quyết định nhường chị gái học tiếp, bản thân thì vào Sài Gòn để đi may đồ cho một xưởng tư nhân được bà con giới thiệu. Sau 2 năm, em đã có tay nghề, được nhận vào công nhân may ở một công ty ở Bình Dương. Được 5 năm tròn làm ở Nam, theo lời khuyên của người chị gái lúc đó đã vào học ĐH Sư phạm Huế, Huyền về học Trung tâm GDTX Huế vì em rất thích học.
 
Cô thủ khoa tâm sự: “Em muốn được làm cô giáo cấp 1, dạy và truyền ước mơ cho những thế hệ trẻ em nghèo như em lúc trước”.
 
Gương mặt sáng, hiền hậu của cô thủ khoa ngành Sư phạm Tiểu học - ĐH Sư phạm Huế.
Thủ khoa Nguyễn Thị Lệ Huyền. (Ảnh: Đại Dương)

Cậu học trò khiếm thị đỗ thủ khoa ĐH Kinh Bắc

Sinh ra với đôi mắt không lành lặn, một mắt không thể nhìn thấy, bên còn lại chỉ còn 1/10 thị lực, cậu học trò Nguyễn Đình Chung vẫn đỗ thủ khoa Trường ĐH Kinh Bắc với số điểm 24,5. Thi khối B vào ĐH Nông nghiệp Hà Nội, Chung đạt 26 điểm.

Sinh năm 1995, em Nguyễn Đình Chung là con một gia đình nông dân ở thôn Ngang Nội (Hiên Vân, huyện Tiên Du, Bắc Ninh). Để có tiền chăm lo cho cuộc sống gia đình và khám chữa bệnh cho con, chị Nguyễn Thị Khánh - mẹ của Chung đã phải đi làm thuê khắp nơi.

Nhờ sự phấn đấu không mệt mỏi của em cùng sự động viên giúp đỡ của bố mẹ, thày cô, 12 năm học phổ thông, cậu học trò khiếm thị Trường THPT Tiên Du 1 (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.
 
Thành tích của Chung là niềm động viên, an ủi lớn nhất với bố mẹ.
Thủ khoa Nguyễn Đình Chung (bên trái) chụp ảnh cùng bố. (Ảnh: Đoàn Thế Cường)
 
Cảm phục trước nỗ lực của Nguyễn Đình Chung, Trường ĐH Kinh Bắc tặng em món quà là một chiếc máy tính xách tay, đồng thời giảm 50% học phí trong cả khóa học, miễn phí chỗ ở trong ký túc xá cho Chung và tuyển thẳng em vào lớp đào tạo cử nhân tài năng của nhà trường.

Cô thủ khoa có tuổi thơ đầy nước mắt

Ngay từ khi còn nhỏ đã trải qua cuộc sống thiếu thốn tình cảm của cả cha và mẹ, em Lê Thị Lan (thôn 4, xã Hoằng Vinh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã gắng gượng vượt lên hoàn cảnh éo le. Đỗ thủ khoa khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội với số điểm 26,5 trong đó môn Văn 8,5; môn Lịch sử và môn Địa lý đều đạt 9 điểm là kết quả của 12 năm miệt mài với bao nỗ lực và cố gắng.

Hồi đó, khi Lan lên 3 tuổi, bố em bỗng nhiên mắc bệnh tâm thần. Căn bệnh càng ngày càng nặng khiến cho cuộc hôn nhân của bố mẹ cũng tan vỡ. Quá sợ khi sống bên người chồng không còn khả năng ý thức, và những trận đòn roi vô cớ, mẹ đã bế em về bên ngoại. Khi Lan được 10 tuổi, mẹ quyết định vào miền Nam làm thuê. Xa mẹ, Lan sống với ông bà ngoại, cuộc sống nghèo khó, bữa đói bữa no. Ngoài những giờ lên lớp, em theo ông bà ra đồng làm ruộng, về nhà thì phụ đan lát cùng ông để kiếm thêm thu nhập. Thế mà thật cảm phục là năm nào em cũng đạt học sinh giỏi...
 
Lan ngậm ngùi kể về tuổi thơ đầy nước mắt của mình
Cô thủ khoa giàu nghị lực Lê Thị Lan. (Ảnh: Nguyễn Thùy)

Lan bảo cuộc đời em chỉ có con đường học để làm gì đó đền đáp cho mẹ cả cuộc đời lam lũ làm thuê làm mướn vì em, đền đáp ông bà ngoại đã cưu mang em từ khi em lên 3 tuổi. Em khẳng định cũng là để động viên mình: “Nếu làm điều gì đó mà cứ cố gắng, quyết tâm hết mình chắc chắn cơ hội sẽ đến”.

PV (tổng hợp)