Những tấm huy chương quốc tế từ đất học Ý Yên

Những năm gần đây, huyện Ý Yên (Nam Định) đã trở thành huyện duy nhất trong toàn quốc liên tiếp có 3 học sinh bước lên đài vinh quang trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế với những tấm Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, đem lại niềm tự hào cho quê hương, đất nước.

Từ đấu trường quốc tế trở về, các em lại tiếp tục “tỏa sáng” trên con đường nghiên cứu khoa học và phát triển sự nghiệp bằng chính bàn tay và khối óc của bản thân.

Từ lũy tre làng và hành trình trở thành tiến sỹ Toán học

Tết này, gia đình ông Nguyễn Đăng Hiển ở thôn Ba Khu, xã Yên Phong vui hẳn bởi cuộc điện thoại của cậu con trai Nguyễn Đăng Hợp từ nước Đức báo tin: Xuân này con sẽ về ăn Tết! Mấy năm rồi, Hợp xa nhà cũng là bằng ấy năm ông mừng vui phấp phỏng đợi tấm bằng tiến sỹ Toán học của con. Từ khi các con học hành phương trưởng, ông Hiển không còn phải bươn chải với con lợn, con gà và kéo vó bè ven sông để cùng vợ nuôi con ăn học, nhưng mỗi ngày đi qua con sông sau nhà, hình ảnh những con tôm, con cá lượm lặt mỗi sớm mai, góp phần nuôi con ăn học thành tài, lòng ông lại ấm lên niềm tự hào.

Không tự hào sao được khi từ đồng lương giáo viên của mẹ, từ chiếc vó bè ven sông của cha và sự dạy bảo tận tình của các thầy cô giáo, Nguyễn Đăng Hợp đã lớn lên cùng với ý chí và sự quyết tâm vươn tới những đỉnh cao của tri thức. Trong suy nghĩ của người cha, con cái học hành đến nơi đến chốn, có cái nghề ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình đã là điều hạnh phúc, chứ đâu có ngờ Hợp hai lần “mang chuông đi đánh xứ người” và xuất sắc mang về cho gia đình, quê hương và Tổ quốc hai tấm Huy chương Bạc trong các kỳ thi Olympic Toán học quốc tế. Nhà giáo Ưu tú Hoàng Trung Hiếu, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Ý Yên) nơi Hợp học trước đây kể lại: “Hợp là học sinh giỏi toàn diện và nổi trội ở hai môn Văn và Toán. Do giỏi Văn và chữ đẹp nên ban đầu Hợp được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi Văn của trường. Sau một học kỳ, nhà trường thấy em giỏi Toán hơn nên Hợp được chuyển sang đội tuyển Toán. Năm đó, Hợp đoạt giải ba Toán lớp 6 toàn tỉnh. Và ở cấp THCS, năm nào Hợp cũng tham dự các kỳ thi học sinh giỏi Toán của tỉnh và đều giành giải cao”.

Để có được thành tích cao trong học tập, ngoài sự cố gắng cũng như tố chất thiên bẩm, phải kể đến sự quan tâm, chăm sóc, chỉ bảo cho em từ nét chữ đầu tiên của cô giáo Ngọc - người mẹ hiền của em, của các thầy cô giáo ở Trường THCS Lê Quý Đôn cũng như ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong sau này. Trong ký ức của ông Hiển, lần đầu tiên bước ra khỏi lũy tre làng lên thành phố theo học, Hợp còn nhút nhát lắm, nhưng được sự động viên của gia đình và thầy cô giáo cũ, em đã tự tin hơn bởi ở lớp chuyên Toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Hợp là người có số điểm cao thứ hai khi dự thi vào trường. Suốt những năm tháng trọ học, Hợp không có khái niệm đi chơi phố hay tham gia vào các trò chơi thị thành cùng các bạn, bởi với em, chỉ có chú tâm vào học mới mong đem lại niềm vui cho bố mẹ và khẳng định được bản thân mình. Vì vậy, khi mới học lớp 11, Hợp đã được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi lớp 12 để tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán và em đã đoạt giải ba. Sau đó, Hợp là học sinh duy nhất của tỉnh được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia đi thi quốc tế. Hai tấm Huy chương Bạc mà Hợp mang về trong năm học 2002-2003 và 2003-2004 sau đó không chỉ mang lại vinh dự cho bản thân, gia đình, quê hương và Tổ quốc mà còn khẳng định tài năng, trí tuệ của học sinh Việt Nam trên trường thi quốc tế.

Tốt nghiệp THPT, Hợp được chọn vào lớp cử nhân tài năng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Bước chân vào đại học, trong suy nghĩ của sinh viên nghèo Nguyễn Đăng Hợp đã nhen nhóm ước mơ được nghiên cứu sâu hơn về Toán học, đưa những con số khô khan đó trở thành đòn bẩy cho sự phát triển. Và ngay từ năm thứ hai trên giảng đường đại học, Hợp đã được Giáo sư - Tiến sỹ Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam hướng dẫn các đề tài để bước đầu tiếp cận với công tác nghiên cứu và chuẩn bị hành trang cho quá trình đi du học sau này.

Sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, Hợp được nhận ngay về công tác tại Viện Toán học Việt Nam và năm 2009, sau nhiều nỗ lực của bản thân, Hợp nhận được học bổng đi nghiên cứu sinh tại Cộng hòa Liên bang Đức. Trong hành trình học tập, nghiên cứu của mình tại nước Đức, Hợp đã không bỏ qua các cơ hội được đi tham dự các hội thảo về Toán học tại các nước tiên tiến nhằm học hỏi và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, để năm 2012 này, với tấm bằng tiến sỹ Toán học, Nguyễn Đăng Hợp sẽ tiếp tục có những cống hiến cho nền Toán học nước nhà.

Những tấm huy chương quốc tế từ đất học Ý Yên - 1
Đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh học của Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2011, trong đó em Nguyễn Thu Trang (đứng thứ 2 từ phải sang) và em Đặng Thu Trang (đứng thứ 3 từ phải sang) là học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Nam Định) đã đoạt Huy chương Đồng và Bằng khen.

“Tôi thích sáng tạo ra những giá trị mới…”

Đó là tâm sự của “cậu bé Vàng” Phạm Kim Hùng khi em vừa từ Trường Đại học Stanford (Hoa Kỳ) trở về Việt Nam để lập Cty CP Nes, chuyên về công nghệ thông tin phục vụ cộng đồng xã hội. Vừa đi vào hoạt động, Cty đã mang lại những thành công nhất định và phấn đấu trong thời gian tới sẽ là một trong 5 công ty và tập đoàn lớn nhất Việt Nam, có những sản phẩm công nghệ thông tin ra thị trường quốc tế. Thành công ngày hôm nay của Hùng là biết bao nỗ lực phấn đấu trên con đường học vấn và được đặt trên một nền tảng vững chắc: Hai lần đoạt Huy chương Vàng và Bạc trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế và có nhiều đóng góp cho phát triển Toán học Việt Nam.

Sinh ra tại xã Yên Chính, ngay từ khi còn là cậu học trò lớp 3, Hùng đã bộc lộ năng khiếu về Toán học khi điểm trung bình môn Toán của em luôn đứng đầu lớp và em đã đoạt giải nhì Toán quốc gia năm học lớp 5. Trong cách học của mình, ngoài việc nắm chắc kiến thức cơ bản, Hùng thường cố gắng tìm ra phương thức giải mới và tự học bằng cách làm bài tập rèn kỹ năng giải Toán, đọc sách tham khảo. Chính vì vậy, liên tiếp những năm sau đó Hùng đã đoạt nhiều giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh và quốc gia. Sau khi tốt nghiệp THCS, Hùng thi vào lớp chuyên Toán của ba trường: THPT chuyên Lê Hồng Phong, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Sư phạm Hà Nội và đều đỗ với số điểm rất cao, trong đó giữ vị trí thủ khoa ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Yêu thích ngành công nghệ thông tin và muốn thử sức mình ở môi trường học tập mới, Hùng quyết định chọn lớp 10 Toán thuộc khối phổ thông chuyên Toán - Tin Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Lần đầu tiên xa quê đi học, em có thuận lợi được ở cùng với bố đang công tác tại ngành Công an. Năm học 2003-2004, là học sinh lớp 11, Hùng đã đoạt giải nhất môn Toán lớp 12 trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và vinh dự là một trong 6 học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 45 tại Hy Lạp. Trong hai ngày thi liên tục cùng 486 học sinh đến từ 86 nước, Kim Hùng đã hoàn thành xuất sắc 6 bài thi với 4 bài đạt điểm tuyệt đối và đã giành Huy chương Vàng, góp phần đưa đội tuyển Toán của nước ta xếp thứ 3 thế giới - một thành tích cao nhất trong lịch sử gần 30 lần tham dự Olympic Toán quốc tế của học sinh nước ta. Năm học 2004-2005, tiếp tục tham dự Olympic Toán quốc tế tại Mexico, Phạm Kim Hùng đã đoạt Huy chương Bạc. Tuy thành tích không đạt như mong muốn, nhưng lại là động lực giúp Hùng có những quyết tâm và nỗ lực mới. Và, ngay sau khi rời ghế nhà trường, năm 2007, cuốn sách “Sáng tạo bất đẳng thức” của Hùng được xuất bản đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc yêu Toán và phần mềm của cuốn sách đã được đưa vào học đường. Cuốn sách đã được dịch ra tiếng Anh và hiện tại đang chuẩn bị xuất bản bằng tiếng Hàn Quốc để đến được với bạn bè yêu Toán khắp năm châu. Sau khi giành được học bổng toàn phần tại Đại học Stanford năm 2007, Hùng tiếp tục con đường nghiên cứu và học tập với mong muốn bằng những kiến thức đã được học cùng với sự sáng tạo của bản thân và ước mơ kinh doanh công nghệ.

Hè 2011, trở về Việt Nam, Hùng bắt tay vào việc thành lập Cty CP Nes, một trang mạng xã hội với đầy đủ các tính năng của các trang mạng xã hội khác, nhưng không đơn thuần để kết nối bạn bè mà còn giúp mọi người làm sâu sắc hơn mối quan hệ, giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp quản lý và tiếp cận khách hàng tốt hơn. Một trong những thành công của Cty sau khi đi vào hoạt động là đã triển khai xây dựng hệ thống thi công chức trực tuyến của Bộ Nội vụ, cho phép máy tính hóa 90% lượng thông tin trong thi tuyển, đem lại nhiều lợi ích cho thí sinh và ban tổ chức, tiết kiệm nhiều thời gian, bảo đảm sự công bằng, minh bạch trong thi cử, thuận tiện cho thí sinh dự thi và nhận được kết quả sớm, đặc biệt là giảm tối đa chi phí cho mỗi đợt thi tuyển… Mặc dù thử sức trong lĩnh vực mới, nhưng Hùng không tách rời khỏi Toán học mà luôn đặt cho mình những mục đích mới để mang lại lợi ích cho cộng đồng xã hội.

Niềm tự hào của cha mẹ

Chúng tôi về thăm Phạm Văn Quyền ở thôn La Xuyên, xã Yên Ninh, học sinh hai lần đoạt Huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm học 2008-2009 và 2009-2010. Hôm nay, Quyền về nghỉ tết tranh thủ ngồi gói bánh chưng giúp mẹ. Nhìn ánh mắt trìu mến của người mẹ nông dân dành cho đứa con yêu của mình mới cảm nhận hết niềm tự hào của cha mẹ khi Quyền đã trưởng thành và làm rạng danh cho gia đình, dòng họ, quê hương. Nhà Quyền nghèo, sống giữa làng nghề sầm uất nhưng gia đình lại chẳng có ai biết làm nghề. Quyền là con út và cũng là con trai duy nhất trong gia đình có 5 chị em. Mẹ em là cô giáo mầm non của xã đã về hưu, còn bố em vốn là kỹ sư thủy lợi công tác tại Đà Nẵng nhưng vì điều kiện gia đình đã về mất sức từ năm 1987. Quyền được sinh ra trong điều kiện kinh tế gia đình khó khăn và tuổi của bố mẹ đã cao, nhưng từ bé em đã tỏ ra là một cậu bé thông minh và ham học. Thu nhập gia đình chủ yếu trông vào mấy sào ruộng cùng đồng lương ít ỏi của mẹ và số tiền mất sức của bố, lại phải nuôi 5 chị em ăn học nên bố mẹ em luôn phải bươn chải để kiếm sống. Vì thế mà trong suy nghĩ của bố mẹ chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó con mình sẽ có kiến thức để ứng thi ở những đấu trường quốc tế. Vậy mà Quyền đã làm được.

Tự học và tự phấn đấu vươn lên, Quyền đã sớm bộc lộ năng khiếu trong các môn khoa học tự nhiên. Và đến năm học lớp 7, được sự khuyến khích, động viên của các thầy cô giáo Trường THCS Yên Ninh, Quyền đã dự thi vào Trường THCS Lê Quý Đôn, trường điểm của huyện và tại đây em đã nhanh chóng lọt vào đội tuyển học sinh giỏi Vật lý của huyện và của tỉnh. Năm học lớp 9, em tham dự kỳ thi học sinh giỏi Vật lý toàn tỉnh và đã đoạt giải khuyến khích. Thi đỗ vào lớp chuyên Lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Quyền vẫn mong mẹ xin hoặc mua cho bộ sách giáo khoa cũ như mẹ vẫn từng làm bao năm nay. Quyền luôn cho rằng, sách mới hay cũ không quan trọng mà điều cần thiết là sẽ tiếp thu những kiến thức trong sách đó như thế nào. Ở ngôi trường mới, được thầy cô dạy dỗ tận tình với phương pháp giảng dạy cuốn hút, Quyền ngày càng thêm yêu thích và ham mê môn Vật lý. Không có tiền để mua các loại sách tham khảo và mua máy tính để tìm kiếm thông tin trên mạng internet như các bạn nhưng em đã được thầy cô gần gũi, quan tâm rất nhiều trong quá trình học tập. Có tài liệu gì hay, có sách nào cần tham khảo các thầy, các cô đều giới thiệu hoặc cho em mượn để học. Luôn dẫn đầu lớp ở các môn khoa học tự nhiên, Quyền còn phấn đấu vươn lên trở thành học sinh giỏi toàn diện và nhận được học bổng loại A của trường, bớt đi phần nào lo toan của bố mẹ. Năm học 2008-2009, khi đang là học sinh lớp 11, Quyền được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi Vật lý lớp 12 của tỉnh tham dự kỳ thi quốc gia và em đã đoạt giải nhì. Sau đó em tiếp tục được chọn vào đội tuyển quốc gia đi thi Olympic Vật lý quốc tế tại Mexico và đã đoạt Huy chương Bạc. Tiếp đó, năm học 2009-2010, Quyền lại có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi Vật lý của Việt Nam và một lần nữa đã đem về cho Tổ quốc tấm Huy chương Bạc. Mặc dù lần thứ hai được đón con về trong niềm vinh quang, nhưng với bố mẹ Quyền thì đó vẫn như là giấc mơ, giấc mơ có thật của một gia đình nông dân nghèo nuôi dưỡng con trở thành học sinh giỏi quốc tế.

Dù rằng, giờ đây sau những tấm huy chương, Phạm Văn Quyền trở thành một sinh viên đại học, nhưng tin rằng, hàng đêm, bên ngọn đèn thao thức giữa khuya, với khuôn mặt người mẹ tảo tần, ánh mắt đầy tin cậy của cha sẽ tiếp thêm động lực để em tiếp tục phấn đấu vươn lên trở thành một nhà khoa học như em từng mong muốn.

Theo Hồng Minh
Báo Nam Định