Những tấm gương sáng vượt nghịch cảnh đến trường

(Dân trí) - Dù ba mẹ bệnh tật, gia cảnh nghèo khó... nhưng nhiều em học sinh vẫn vượt khó đến trường và học tập đạt thành tích tốt. Đó là những điểm chung của 20 “gương sáng học đường” của Trường THPT Quang Trung vừa được Sở GD-ĐT và Hội Khuyến học TPHCM tuyên dương.

Nhân Tuần lễ Khuyến học, Hội Khuyến học TPHCM phối hợp Sở GD-ĐT tổ chức trao đợt 1 của chương trình “Gương sáng học đường”. Theo đó, 100 suất học bổng được trao cho các em có hoàn cảnh khó khăn học tốt. Trong buổi giao lưu, trao học bổng được tổ chức tại Trường THPT Quang Trung, người tham dự được nghe nhiều câu chuyện xúc động về quá trình phấn đấu đến với kiến thức của các bạn học sinh ở huyện vùng sâu Củ Chi.

Buổi giao lưu xúc động với các tấm gương nổi bật vượt khó
Buổi giao lưu xúc động với các tấm gương nổi bật vượt khó

Tham dự buổi giao lưu này, nhiều em đã rơi nước mắt khi nghe tâm sự của em Nguyễn Thúy Hằng, học sinh lớp 11A1và em Lê Thị Huỳnh Như, học sinh lớp 10A1 về cuộc sống và những cố gắng trong học tập. Câu chuyện của các em là những bài học thực tế cho những gương mặt dù nhỏ nhưng không chỉ sống cho mình mà còn cho tập thể, cho gia đình. Đặc biệt, những chia sẻ của cô giáo Trần Thị Kim Liên - một cựu học sinh của trường, từng có hoàn cảnh khó khăn cũng là minh chứng cho một quá trình vượt lên nghịch cảnh.

Hai mươi gương mặt được tuyên dương trở thành điểm son cho tấm gương cố gắng “học tập suốt đời”. Sống trong hoàn cảnh ba và mẹ đều làm mướn, bán vé số với thu nhập bấp bênh nhưng em Lê Thị Huỳnh Như vẫn học giỏi. Nhưng cái khó vẫn chưa buông tha gia đình Như khi dạo gần đây ba em bị thêm căn bệnh đau lưng, nhức đầu nên không thể đi bán vé số. Thay vào đó, ông đành phải ở nhà bẻ giỏ với giá 500 đồng/cái. Thu nhập chính của gia đình từ giờ phải trông mong vào việc làm mướn và bán vé số của mẹ, thiếu trước hụt sau rất nhiều.

Dẫu vậy, gia đình Huỳnh Như có ba chị em thì cả ba đều vẫn đang ở tuổi đi học nên vấn đề học phí là nan giải nhất. Chính vì thế, đầu năm học này, gia đình em phải vay tiền ngân hàng để đóng học phí cho con nhưng vẫn không thấm vào đâu. Hoàn cảnh khá “bi đát” nhưng 9 năm qua Huỳnh Như vẫn đạt thành tích học giỏi. Đặc biệt, trong kỳ thi tuyển sinh đầu cấp vào lớp 10, Như đã đạt điểm số hàng top của trường, em còn kiêm luôn chỉ huy đội giỏi cấp thành phố các năm trước. Hiện tại mục đích lớn nhất của em là học thật tốt nắm vững kiến thức để có được nền tảng đạt được thành công. Như chia sẻ rằng ước mơ của em hiện tại là sẽ trở thành một bác sĩ

Em Nguyễn Thị Thúy Hằng, lớp 11A1, Bí thư đoàn trường xuất sắc có gia đình thuộc diện nghèo khó. Ba là lao động chính trong gia đình nhưng rồi trong một lần đi làm đã bị tai nạn lao động nên từ đó sức khỏe ba yếu dần. Mọi thứ đều gánh trên đôi vai của mẹ làm nội trợ và chăn nuôi để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Thu nhập bình quân mỗi tháng là 3 triệu đồng nhưng chỉ đủ mua thuốc cho ba và đóng học phí cho chị em. Hằng cố gắng học thật giỏi để sau này có thể kiếm được việc làm ổn định để gia đình thoát khỏi cảnh nghèo có được một cuộc sống ổn định hơn. Với quyết tâm đó, Hằng luôn đạt thành tích xuất sắc suốt 10 năm qua.

Hai mươi gương đáng để học tập về tinh thần vươn lên.
Hai mươi gương đáng để học tập về tinh thần vươn lên.

Trong số 20 gương mặt được tuyên dương đợt này, hoàn cảnh của em Nguyễn Thị Thu Phương học lớp 11A1 cũng rất đáng thương. Trước đây, trong gia đình, nguồn lao động chính là ba với nghề làm phụ hồ mỗi được 100 ngàn đồng. Thế nhưng cách đây 2 năm, ba chẳng may bị tai nạn lao động gãy chân nên chỉ làm những việc nhẹ. Cả gia đình chia nhau gánh việc, ba mò cua bắt ốc bữa được bữa không, mẹ thì đan giỏ với giá 3 ngàn đồng/1 cái. Mới đây, người anh cả sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự xong về nhà xin việc vào trung tâm nuôi dưỡng người bại liệt làm được những tưởng sẽ gánh vác việc gia đình. Thế nhưng chỉ được 6 tháng thì anh bị tai nạn giao thông chấn thương đầu, nứt sọ dập não. Chi phí bệnh viện quá cao mà gia đình không trả nổi nên nằm ở bệnh viện 2 tháng thì bệnh viện cho về nhà tự điều trị. Thế là giờ cả nhà lại trông chờ vào thu nhập bấp bên của ba và mẹ nên gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Để thực hiện được ước mơ, Phương cố gắng học tốt và học giỏi 9 năm liền. Em cho biết, hiện mỗi ngày em học hai buổi, từ 5 - 7 giờ chiều em tranh thủ đi làm thêm để phụ giúp thêm cho ba mẹ. Ước mơ lớn nhất của cô trò nhỏ là mong cho anh khỏe lại ba mẹ đỡ vất vả, em sẽ cố gắng học thật tốt để sau này làm người giáo viên giỏi để phụ giúp cho gia đình.

Thầy Nguyễn Văn Cải - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (Củ Chi) chia sẻ rằng “Tất cả các em được bình chọn và tuyên dương đều có hoàn cảnh đáng thương, nhưng đáng quý hơn cả là ý chí vượt khó, là tinh thần hiếu học, là khát vọng vươn lên, là ý thức sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và cộng đồng xã hội”.

Được biết, Trường THPT Quang Trung là một trong những trường ở ngoại thành xa nhất của TPHCM. Đa số học sinh ở trường là con em nông dân, người lao động nghèo. Mỗi năm trường có đến 100 - 170 học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ mới có thể tiếp tục đến trường. Nhiều năm qua, lãnh đạo nhà trường đã quan tâm đến công tác chăm lo giúp đỡ học sinh nghèo. Hội khuyến học của trường có nhiều hoạt động hỗ trợ học sinh như tặng xe đạp cho các em làm phương tiện đến trường hoặc xây tặng nhà tình thương cho gia đình học sinh gặp khó khăn về nhà ở…

Trong buổi tuyên dương “Gương sáng học đường”, các em được trao học bổng 1 triệu đồng. Trong tháng 10 này, chương trình sẽ trao tiếp 80 suất học bổng đến các em học sinh vượt khó ở 4 trường còn lại là THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Nguyễn Công Trứ, THPT Mạc Đĩnh Chi, THPT Nguyễn Hữu Tiến.

Lê Phương