Những sáng tạo táo bạo của sinh viên năm nhất

(Dân trí) - Trong ngày Ngày hội Kỹ thuật Bách khoa 2017 của trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) mới đây, các sinh viên năm 1 đã tự tin giới thiệu các đề tài sáng tạo của mình với ý tưởng gắn với cuộc sống đến những vấn đề vĩ mô. Dù các sản phẩm chưa hoàn hảo nhưng thôi thúc sinh viên “giữ lửa” đam mê với ngành nghề mình chọn.

Tại ngày hội, nhiều mô hình, đồ án đa dạng được thiết kế bởi đôi tay, trí óc các bạn sinh viên sáng tạo ra không chỉ độc đáo với hàm lượng "chất xám" cao mà còn hướng đến tính ứng dụng thực tế vào đời sống. Đặc biệt, có lẽ vấn đề ngập úng tại TPHCM là vấn đề “nóng” nên có nhiều sinh viên đưa ra ý tưởng để giải quyết thực trạng này.

Ngày hội Kỹ thuật Bách khoa 2017 là dịp để sinh viên năm 1 đưa ra các ý tưởng sáng tạo của mình
Ngày hội Kỹ thuật Bách khoa 2017 là dịp để sinh viên năm 1 đưa ra các ý tưởng sáng tạo của mình

Tại khuôn viên của Khoa Công nghệ Vật liệu- trường ĐH Bách khoa TPHCM, nhóm sinh viên năm nhất gồm 2 lớp Vật liệu 05, 06 khiến mọi người chú ý với chiếc phao dành cho xe máy. Sinh viên Nguyễn Xuân Y- trưởng nhóm thực hiện chia sẻ rằng “từ thực trạng cứ mỗi khi mưa lớn thì thành phố lại rơi vào cảnh ngập lụt khiến nhiều xe máy bị chết máy nên nhóm chúng em nghĩ ra ý tưởng này”.

Giải thích về sản phẩm này, Xuân Y cho biết 2 chiếc phao bằng PVC rất nhẹ này lúc bình thường có thể xếp gọn bỏ trong cốp xe. Khi trời mưa lớn gây ngập nặng thì chỉ cần lấy ra, gắn vào bô xe và nhờ khí từ ống pô giúp 2 chiếc phao này phình to ra nhưng vẫn giữ được cân bằng để giúp chiếc xe nổi.

Sản phẩm chiếc phao khí từ PVC cho xe gắn máy khi đường ngập nước của sinh viên năm nhất khoa Công nghệ Vật liệu
Sản phẩm chiếc phao khí từ PVC cho xe gắn máy khi đường ngập nước của sinh viên năm nhất khoa Công nghệ Vật liệu

Theo dõi những sản phẩm của sinh viên, PGS.TS Huỳnh Đại Phú - Trưởng khoa Công nghệ Vật liệu cho biết so với trước đây sinh viên đã tìm hiểu môn học cao hơn, nhiều đề tài của sinh viên khi giám khảo hỏi thì các em trả lời rất sâu. Nhiều mô hình chính sinh viên tự làm nhưng vẫn có khả năng triển khai thực tế, đáp ứng được những vấn đề đang xảy ra. Như nhóm tạo ra cái phao tự nổi cho xe máy khi gặp nước ngập, về mặt ý tướng khả thi nhưng cần phải cần thời gian hoàn thiện mô hình; hay như sản phẩm lấy ý tưởng từ việc tái chế các loại vật liệu để làm sạch môi trường như từ vụn vải làm thành composite sử dụng trong trang trí nội thất.

Sinh viên Nguyễn Xuân Y giới thiệu về chiếc phao đặc biệt này
Sinh viên Nguyễn Xuân Y giới thiệu về chiếc phao đặc biệt này

Dù mới học năm nhất nhưng có nhiều sinh viên có ý tưởng về mặt khoa học rất cao như nghiên cứu kim loại lỏng phủ lên các vật dụng để chống trầy xước; nghiên cứu vật liệu tự làm mát trong nhà bằng cách truyền từ bức xạ ra ngoài trường mà không sử dụng năng lượng gì khác…

Cũng lấy ý tưởng từ việc ngập nước, sinh viên năm 1 khoa Cơ khí cũng đưa ra các đề tài như: Hệ thống chống ngập tự động cho nhà ở; Thiết bị báo mưa ngập… Đồng thời nhiều sản phẩm có thể giúp ích cho đời sống như hệ thống phơi quần áo thông minh; Thiết bị cảnh báo sốt cho trẻ em; Áo khoác 4T (vừa đi nắng và đi mưa); Thiết bị hút và lọc khói chì…

Ngày hội là dịp để sinh viên năm nhất học hỏi kinh nghiệm từ thế hệ đàn anh đi trước
Ngày hội là dịp để sinh viên năm nhất học hỏi kinh nghiệm từ thế hệ đàn anh đi trước

Tương tự, khu vực của khoa Kỹ thật Giao thông cũng có nhiều sản phẩm độc đáo như xe cắt cỏ điều khiển bằng smartphone; Mô hình tàu vớt rác; Robot tự hành có thể quan sát trong cống hoặc dùng trong cứu nạn…

TS Lê Đình Tuân - Phó trưởng khoa Kỹ thuật giao thông đánh giá rằng dù mới học được một học kỳ năm nhất nhưng các đề tài của sinh viên rất thiết thực, các em đã nhận thấy những vấn đề bức thiết và bám sát vào thực tiễn hơn. Qua ngày hội kỹ thuật này, từ những góp ý của các thầy trong khoa sẽ giúp cho các em đi theo đúng “quỹ đạo” của người làm kỹ sư chuyên nghiệp trong tương lai. Có những em còn hạn chế về cách trình bày nhưng qua hoạt động giao lưu này các em sẽ học hỏi thêm ở bạn bè về cách thuyết trình. Đây là một không gian mở để các em học tập lẫn nhau từ thực tế mà những buổi học trên lớp sẽ không bao giờ có được. Cũng theo TS Tuân, thời gian qua chúng ta học lý thuyết nhiều quá và qua cách học thực hành này giúp các em cởi trói, thay đổi không gian học tập.

Các thầy cũng góp ý cho sinh viên để những đề tài có thể phát triển đi vào thực tiễn
Các thầy cũng góp ý cho sinh viên để những đề tài có thể phát triển đi vào thực tiễn

GS. TS. Vũ Đình Thành - Hiệu trưởng nhấn trường cho biết: “Nhà trường đã tiến hành xây dựng mới chương trình đào tạo của tất cả các ngành theo hướng tiếp cận CDIO từ năm 2014. Chương trình mới này hướng đến việc cung cấp cho người học kiến thức cũng như rèn luyện kỹ năng và thái độ nghề nghiệp. Trong năm đầu tiên, sinh viên được học môn Nhập môn về kỹ thuật, trong đó chú trọng vận dụng nguyên lý CDIO ở cấp độ đơn giản. Ở những năm sau, sinh viên sẽ có cơ hội nhìn lại thành quả của mình hôm nay để tiếp nối, điều chỉnh, nâng chất kỹ sư của mình chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai”.

Cũng theo GS Thành, ngày hội Kỹ thuật là nơi để sinh viên thể hiện năng lực kỹ sư ngay từ năm thứ nhất, bên cạnh là sân chơi sáng tạo đây còn là nguồn động viên kích thích lòng say mê kỹ thuật trong bản thân mỗi sinh viên nhưng cũng hun đúc tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên.

Lê Phương