Gia Lai:

Những học sinh vùng khó nỗ lực học tập để nuôi ước mơ

(Dân trí) - Dù gia đình khó khăn, mồ côi từ nhỏ nhưng nhiều học sinh huyện Chư Prông (Gia Lai) vẫn vượt khó đến trường. Không những thế, các em còn giành nhiều thành tích trong cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Nỗ lực của cô học trò vùng biên

Chúng tôi đội mưa về với huyện Chư Prông (Gia Lai) trong những ngày cận kề kì thi cuối năm học. Trong ngôi trường THCS Chu Văn An (thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông), hầu như tất cả các phòng đều có học sinh đang ngồi ôn bài. Ngoài trời, tiếng ve râm ran như “thúc giục” các bạn học sinh trước kì thi sắp tới.

Qua lời giới thiệu, chúng tôi được gặp em Nguyễn Thị Anh (học sinh lớp 9A6, Trường THCS Chu Văn An) - một cô bé ở đội 7, xã Ia Puch, huyện Chư Prông). Hàng ngày, Anh phải vượt gần 30km từ xã biên giới để đến trường học.

Những học sinh vùng khó nỗ lực học tập để nuôi ước mơ - 1

Em Nguyễn Thị Anh mới giành giải Nhất môn Địa lý trong kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Anh tâm sự, từ nhỏ gia đình em đã gặp khó khăn, vì kiếm miếng ăn nên gia đình phải lưu lạc nhiều tỉnh. Chính vì vậy, việc học của em cũng bị xáo trộn, chuyển nhiều trường.

Từ năm lớp 1 đến lớp 3, Anh học ở một ngôi trường tiểu học thuộc huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên). Sau đó, lớp 4 - 5, gia đình Anh chuyển vào nhà bà con ở xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai nên Anh cũng học tạm ở một ngôi trường của xã này. Từ lớp 6 trở đi, Anh mới học ổn định tại trường THCS Chu Văn An (thị trấn Chư Prông, Gia Lai).

Tuy chuyển qua nhiều trường nhưng Anh vẫn luôn là một học sinh chăm ngoan, hiếu học. Trong suốt gần 9 năm, Anh đều là học sinh giỏi và luôn nằm trong đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh của trường. Mới đây, trong kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm 2020, Anh đã giành giải Nhất môn Địa lý.

Những học sinh vùng khó nỗ lực học tập để nuôi ước mơ - 2

Không chỉ đạt thành tích tốt, cô học trò Nguyễn Thị Anh (bên phải) còn giúp đỡ các học sinh khác cùng tiến bộ.

Anh bộc bạch: “Năm 2019, bố em bị bệnh hiểm nghèo rồi mất đi. Lúc đó, em suy sụp, mất tinh thần lắm. Nhưng nhờ mọi người động viên nên em đã tự nhủ phải nỗ lực hết mình để không phụ sự mong đợi của gia đình, thầy cô.

Chính vì vậy, em luôn chủ động nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa và tìm tòi nhiều tài liệu trên mạng, sách nâng cao để đọc và làm. Những gì không biết thì em hỏi bạn bè và cô giáo”.

Để có tiền nuôi các con ăn học, cứ 1h sáng hàng ngày, mẹ của Anh đã phải dậy để đi cạo mủ cao su. Nhiều lần, Anh năn nỉ xin mẹ cho đi cùng để phụ nhưng sợ con ảnh hưởng đến việc học nên mẹ bắt em ở nhà.

Lúc này, Anh lại lấy sách vở ra học bài đến sáng. 5h sáng khi mẹ đi cạo mủ về, hai anh em Anh lại giúp mẹ chở mủ cao su ra điểm tập kết để cho mẹ có giấc ngủ trọn vẹn...

Sau đó, Anh lại vượt gần 30km từ xã biên giới ra thị trấn học bằng xe buýt. Dù nắng mưa nhưng cô học trò nghèo vẫn đều đặn vượt khó đến trường để nuôi dưỡng ước mơ thành một nữ bác sĩ.

“Bông hoa Pơ - Lang” ở vùng khó

Em học trò Siu Quỳnh Anh (người dân tộc Jrai, làng Krông, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, Gia Lai) cũng là một học sinh giỏi ở xã biên giới. Tuy sống xa bố từ nhỏ nhưng Quỳnh Anh vẫn vượt khó “bám trường, bám lớp” và giành nhiều điểm số cao trong học tập.

Hiện Quỳnh Anh đang học lớp 9, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Prông, Gia Lai và giành giải Ba môn Lịch sử trong kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm 2020. 

Những học sinh vùng khó nỗ lực học tập để nuôi ước mơ - 3
Tuy hoàn cảnh khó khăn, cô học trò Jrai vẫn vượt khó đến trường

Quỳnh Anh tâm sự: “Em sinh ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Vì cách trường xa nên hầu như các bạn đồng trang lứa chỉ học đến lớp 7 - 8 rồi nghỉ học vì điều kiện khó khăn.

Em thuận lợi khi được mẹ và thầy cô luôn tận tình hướng dẫn, động viên nên mới đến trường và nhiều năm liền được học sinh giỏi. Đây cũng là động lực để em tiếp tục “bám lớp”. Em mong muốn sẽ có kết quả tốt để lên được lớp 10 và thực hiện ước mơ trở thành một cô giáo”.

Vì bố mẹ ly dị nên Quỳnh Anh đã thể hiện là một cô gái tự lập, biết lo lắng việc nhà và sắp xếp học tập. Hồi còn học bậc tiểu học, buổi sáng Quỳnh Anh theo mẹ lên nương nhặt điều, xuống ruộng mót lúa để bán có tiền mua quần áo mới. Chiều em lại cắp sách vượt gần 10km đến trường.

Tuy hoàn cảnh khó khăn và người đồng bào dân tộc thiểu số nhưng gần 9 năm qua, Quỳnh Anh luôn đạt học sinh giỏi và được tuyển vào trường nội trú huyện. Khi Quỳnh Anh được vào ngôi trường này đã san sẻ bớt gánh nặng giúp gia đình.

Những học sinh vùng khó nỗ lực học tập để nuôi ước mơ - 4
Em Siu Quỳnh Anh (bên trái) mong muốn sẽ tiếp tục giành những thành tích cao để thực hiện ước mơ làm cô giáo bám làng.

Trao đổi với chúng tôi, cô A Siu Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Prông bộc bạch: “Đây là ngôi trường nội trú với 100% là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, điều kiện kinh tế còn khó khăn.

Đối với em Siu Quỳnh Anh sớm xa bố từ nhỏ nhưng em vẫn có ý chí kiên cường. Không những thế, em còn giành nhiều thành tích tốt trong học tập và các cuộc thi cấp huyện, tỉnh.

Nhà trường luôn động viên, hỗ trợ để em Quỳnh Anh có điều kiện tốt nhất trên con đường đến trường. Đồng thời, trường kết hợp với các cô giáo bộ môn để tiếp tục nuôi dưỡng, phát huy những thành tích mà em đã đạt được”.

Phạm Hoàng