Bình Định:

Những giáo viên trẻ nhiệt huyết với sự nghiệp gieo chữ

(Dân trí) - Tuổi đời trẻ nhưng luôn nhiệt huyết với nghề, nhiều thầy cô dành cả tuổi trẻ vì các em học sinh thân yêu, năng nổ trong hoạt động Đoàn - Hội. Đó là điểm chung của 36 giảng viên, giáo viên trẻ vừa được Tỉnh đoàn Bình Định vinh danh ngày 16/11.


Cô Mai Thị Phước và thầy Trần Hữu Huy (ngồi ghế phía sau) giao lưu cùng học sinh, sinh viên trong lễ tuyên dương giáo viên, giảng viên trẻ tiêu biểu tỉnh Bình Định lần 2 năm 2018.

Cô Mai Thị Phước và thầy Trần Hữu Huy (ngồi ghế phía sau) giao lưu cùng học sinh, sinh viên trong lễ tuyên dương giáo viên, giảng viên trẻ tiêu biểu tỉnh Bình Định lần 2 năm 2018.

Cô giáo dành tuổi trẻ gieo chữ ở trên ngàn

Với thầy cô giáo trẻ, hành trang của họ mang theo là lòng nhiệt huyết với nghề, tình yêu đối với các em học sinh. Vì lẽ đó, đối diện với bao khó khăn, vất vả nhiều giáo viên trẻ đã gạt lại niềm riêng để “cõng” con chữ đến với học sinh miền núi xa xôi trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Cô giáo Mai Thị Phước, giáo viên Tin học - Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Canh Liên (xã vùng cao Canh Liên, huyện Vân Canh) là một trong những giáo viên trẻ như vậy. Tốt nghiệp ngành Sư phạm Tin học - Trường CĐ Bình Định năm 2012, cô Phước tình nguyện xin về giảng dạy tại Trường PTDT Bán trú Canh Liên (huyện Vân Canh).

Lợi thế của cô Phước cũng là người đồng bào Bana nên cô dễ dàng gần gũi, trò chuyện để hiểu các em hơn. Song, khó khăn lớn nhất là học sinh nơi đây 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống đói nghèo khiến phần lớn các gia đình không quan tâm đến việc học của con. Vì vậy, việc gieo chữ ở vùng đất khó, niềm vui và hạnh phúc lớn nhất đối với những giáo viên như cô Phước là các em học sinh chăm ngoan, đi học đầy đủ.

“Học sinh ở đây chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn, có gia đình không có điều kiện cho các em đến trường. Bản thân tôi, đã 5 năm công tác tại trường nên tôi thấu hiểu hoàn cảnh của mỗi em. Khi lựa chọn về dạy tại trường tôi muốn đem tất những kiến thức mình có để dạy cho các em với hi vọng sau này các em sẽ có một công việc tốt hơn, chứ không như thế hệ ông bà, cha mẹ các em phải chịu cực khổ”, ông Phước tâm sự.

Do đường đến trường gian nan, mỗi tuần cô Phước cũng chỉ về thăm nhà 1-2 lần, những ngày còn lại ngôi nhà công vụ trở thành nơi gắn bó với cô và nhiều thầy cô khác. Bởi vậy, ngoài việc dạy chữ các cô còn là những người bạn, người mẹ đảm của các em học sinh thân yêu, vì sự nghiệp gieo chữ nơi đại ngàn.


Cô Phước xem các em học sinh như con mình.

Cô Phước xem các em học sinh như con mình.

“Ở trên này, các em học sinh rất ngoan hiền, mến thầy cô, cuối tuần các em về nhà trái cây rừng hay rau cũng đem đến cho thầy cô ăn. Tuy nhiên, trên này đa số phụ huynh các em trình độ còn thấp kém, nhiều em theo bố mẹ đi rừng, lên rẫy nên đầu năm học các thầy cô cũng thường vào bản để vận động các em trở lại trường. Điều mong muốn của tôi là các em đi học đầy đủ, cố gắng học hết được phổ thông, còn sau này gia đình nào có điều kiện thì cho con học cao hơn”, cô Phước chia sẻ.

Say mê nghiên cứu, tìm phương pháp dạy học mới

Đó là câu chuyện về sự nhiệt huyết với nghề của thầy giáo trẻ Trần Hữu Huy, giảng viên bộ môn Tự động hóa - khoa Điện (Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn). Nhận xét về thầy Huy, các đồng nghiệp tại trường đánh giá, điểm nổi bật về thầy giáo trẻ này là tinh thần trách nhiệm cao, luôn phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn. Nhiều sáng kiến, sáng tạo các đồ dùng, thiết bị dạy học, nhằm đa dạng thiết bị dạy học tại khoa, trường. Đặc biệt, nhiều sản phẩm dạy học từ thiết kế sáng tạo của thầy Huy, không chỉ đạt giải cao ở các hội thi mà còn mang lại hiệu quả trong thực tiễn công tác giảng dạy tại trường.

Thầy Huy nhắn nhủ các bạn sinh viên phải xung kích, cố gắng học tập rèn luyện.
Thầy Huy nhắn nhủ các bạn sinh viên phải xung kích, cố gắng học tập rèn luyện.

“Tôi luôn luôn tìm ra phương pháp dạy học mới và tiếp cận với khoa học kỹ thuật ngoài thực tế để các em học sinh, sinh viên có nhiều kiến thức mới, sâu rộng hơn. Đồng thời, các em cũng tiếp cận với ngành công nghiệp ngoài thực tế nhanh hơn”, thầy Huy chia sẻ.

Những năm công tác tại trường, nhiều lứa học sinh được thầy hướng dẫn tham dự các kỳ thi tay nghề giỏi, đều được giải thưởng cao cấp tỉnh và trung ương. Nhóm sinh viên cùng tham gia sáng tạo các mô hình khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng do thầy thành lập. Qua đó, giúp tay nghề học sinh, sinh viên vững hơn sau khi ra trường.

“Trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, khoa học - kỹ thuật đang ngày càng phát triển, tôi luôn học hỏi tìm tòi những kiến thức mới để hoàn thiện bản thân và truyền đạt những kiến thức đó để các em bắt kịp với xu thế”, thầy Huy nói.

Nói về người thầy Huy, em Tạ Quang Vũ (khoa Điện) chia sẻ: “Trong những tiết học thầy Huy luôn nhiệt huyết, luôn bày cho chúng em những kiến thức mới, những kiến thức ở ngoài thực tế. Trong học tập cũng như trong cuộc sống, thầy luôn nhiệt huyết, quan tâm và chia sẻ những kinh nghiệm mà thầy có cho học sinh, sinh viên”.

Nhắn nhủ với các bạn học sinh, sinh viên, đặc biệt là những giáo viên tương lai, thầy Huy chia sẻ: “Tuổi trẻ trôi qua rất nhanh, do đó mỗi người phải biết tranh thủ thời gian để học tập, nâng cao trí tuệ của bản thân. Đặc biệt, các bạn trẻ phải xung kích, nhiệt huyết và nỗ lực rèn luyện kiến thức ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, làm người có ích cho xã hội”.

Doãn Công