Những giáo viên Tây chọn Việt Nam là quê hương thứ hai

(Dân trí) - Dù gắn bó năm tháng tuổi trẻ, hay trải nghiệm những năm cuối cùng của sự nghiệp dạy học tại Việt Nam, những giáo viên nước ngoài đang giảng dạy tại Việt Nam đều cảm nhận rõ tình yêu đất nước xinh đẹp này mang lại cho họ. Những nhà giáo Tây, lặng thầm với sự nghiệp trồng người đã ngầm chọn Việt Nam là quê hương thứ hai.

Adam Kattenberg là một giáo viên người Australia. Mới gắn bó với Việt Nam 26 tháng, nhưng anh đã quyết định sẽ ở lại đây cho đến tuổi nghỉ hưu.

Trong trái tim anh, "mối tình" khó giải thích với đất nước hình chữ S bắt đầu cách đây gần một thập kỷ.

Đó là năm 2010, Adam Kattenberg tới Việt Nam du lịch, say mê cảnh sắc và cả những giá trị văn hoá truyền thống lâu đời tại quốc gia Đông Nam Á. Sau chuyến đi chơi tình cờ, niềm ước ao quay trở lại mảnh đất này đã thôi thúc anh quay trở lại, sống thử và tìm kiếm công việc phù hợp ở đây.

“Tôi từng quay trở lại Úc một lần, nhưng liền sau đó cảm thấy hối tiếc, bởi tôi nhận ra tình yêu của mình với Việt Nam, với công việc và với những đứa trẻ.

Khó khăn lớn nhất là vượt qua rào cản về học tập ngôn ngữ mới (tiếng Việt rất khó), hiểu và tôn trọng văn hoá địa phương, cũng như nguôi ngoai nỗi nhớ và khát khao được dành nhiều thời gian cho hai đứa con đang định cư ở Australia.

Nhưng vượt trên tất cả, Việt Nam luôn ở trong tâm trí tôi. Ở nơi làm việc, không đơn thuần chỉ là nơi tôi dạy ngôn ngữ nữa”, Adam Kattenberg nói.

Adam Kattenberg là một giáo viên người Australia. Mới chỉ gắn bó với Việt Nam 26 tháng, nhưng anh đã quyết định sẽ ở lại đây cho đến tuổi nghỉ hưu.
Adam Kattenberg là một giáo viên người Australia. Mới chỉ gắn bó với Việt Nam 26 tháng, nhưng anh đã quyết định sẽ ở lại đây cho đến tuổi nghỉ hưu.

Giống như Kattenberg, Jessica Robinson - nữ giáo viên trẻ đến từ Nam Phi đã trải qua những ngày tháng nhớ nhà khi mới tới Việt Nam. Thậm chí, cô còn đọc tên chi tiết nỗi nhớ của mình: Những món ăn mẹ nấu, những cửa hàng nhỏ cạnh khu phố quen thuộc, những buổi tối tụ tập cùng bạn bè và 5 chú chó nhỏ…

Gọi tên quyết định tới Việt Nam giảng dạy là một “cuộc phiêu lưu với lòng quyết tâm và sự bền bỉ”. Jessica Robinson yêu Hà Nội, con người Hà thành và công việc của cô ở Trung tâm Anh ngữ nơi cô đang làm việc một cách tự nhiên và hào phóng.

“Hà Nội trong tôi hơi hỗn loạn, nhưng lại đẹp bởi chính sự bất quy tắc ấy. Hà Nội có rất nhiều viên ngọc lung linh ẩn giấu mà phải qua thời gian mới dần dần hiện ra; Có những quán cafe, công viên, những con người tuyệt vời làm cho bạn cảm thấy mình thực sự là một phần của đất nước này. Và cả những người đồng nghiệp, những người cùng tôi xây dựng một mục tiêu chung.

Jessica: Tôi muốn thấy học sinh ở đây không chỉ học ngôn ngữ, mà còn được học để trở thành công dân toàn cầu.
Jessica: "Tôi muốn thấy học sinh ở đây không chỉ học ngôn ngữ, mà còn được học để trở thành công dân toàn cầu".

Chúng tôi và nơi công tác đều mong muốn tạo nên một cuộc cách mạng trong việc dạy tiếng Anh, từ đó khuyến khích việc trao đổi trải nghiệm học tiếng giữa các nền văn hoá, truyền đạt những điều tích cực mà những nền văn hoá mang lại cho giáo viên tới với từng học viên.

Tôi muốn thấy học sinh ở đây không chỉ học ngôn ngữ, mà còn được học để trở thành công dân toàn cầu, luôn luôn sẵn sàng đóp góp sức mình cho sự thay đổi của thế giới”, Jessica tâm sự.

Đã ở độ tuổi 40 và có nhiều năm gắn bó với việc giảng dạy tiếng Anh ở các nước châu Á, Lea Martin là trường hợp đặc biệt.

Nữ giáo viên có kinh nghiệm nhiều năm này rời khỏi chi nhánh Hà Nội để lên công tác tại Trung tâm ở huyện Từ Sơn, Bắc Ninh - nơi cho chị cảm giác thiên nhiên đầy gần gũi và dễ chịu.

"Trong công việc, khi rất nhiều phụ huynh nhìn thấy những thành tích, giải thưởng mà tôi đạt được, hay những bức thư và món quà mà học sinh dành tặng cho tôi.

Họ bắt đầu thay đổi suy nghĩ về con người tôi. Họ bắt đầu nói chuyện với tôi nhiều hơn. Tôi cũng dành nhiều thời gian để nói chuyện với họ hơn", Lea Martin nhớ lại.

“Tôi thường xuyên bị phân biệt. Và đặc biệt, khi đi với bạn trai, chúng tôi rất hay bị kỳ thị. Khi tôi đi xe máy, còn bị một số người chụp ảnh hay giật tóc để xem có phải tóc thật không…

Đầu tiên, chúng tôi cố gắng chấp nhận. Mọi chuyện trở nên tốt hơn khi nhiều học sinh và phụ huynh của nơi tôi làm việc đã đứng ra làm “ trung gian” kết nối tôi với thế giới bên ngoài.

Ở đây, tôi nhận được rất nhiều sự tôn trọng của cộng sự và các học sinh. Tôi thấy cân bằng trở lại”, Lea Martin nói.


Lea Martin (ngoài cùng bên phải).

Lea Martin (ngoài cùng bên phải).

Vượt qua những tổn thương do khác biệt văn hóa lúc còn chân ướt chân ráo, người mẹ của ba đứa con này giờ đây chỉ còn lại cảm giác tình yêu trong sáng của những học sinh với niềm vui mà cô chưa từng được trải nghiệm trong nhiều năm trước đó.

Lea Martin tâm sự: “Phụ huynh nhìn thấy những thành tích giải thưởng của tôi, còn tôi nhìn thấy những lá thư và món quà mà lũ trẻ tặng cho mình, để từ đó chúng tôi nói chuyện và kết nối với nhau một cách dễ dàng, thân thiện hơn.

Tôi yêu công việc này, yêu đồng nghiệp, và yêu tất cả những đứa trẻ tôi đã dạy dỗ. Cuộc sống giống như một trải nghiệm vô tận, tôi thực lòng muốn được đi vòng quanh thế giới, nhưng ngay lúc này, tôi hạnh phúc vì mình đang ở đây”.

Hạnh Nguyên - Đỗ Duy