Bạn đọc viết:

Những bất cập trong việc xét thuyên chuyển giáo viên hàng năm

(Dân trí) - Năm nào cũng vậy, cứ vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 là Sở Giáo dục các địa phương lại ra thông báo tới các đơn vị trực thuộc về việc Hướng dẫn thuyên chuyển giáo viên từ trường này sang trường khác, từ địa phương này sang địa phương khác.

Nhưng do thiếu thông tin về nhân sự nơi chuyển đến nên hàng năm luôn có hàng ngàn hồ sơ của giáo viên không được chuyển trường, gây nên sự lãng phí về tiền bạc, mất thời gian cho các cấp lãnh đạo xét hồ sơ và cả những hy vọng rồi thất vọng của hàng ngàn giáo viên làm đơn thuyên chuyển.

Trong những năm qua, nhu cầu nhân lực ngành Sư phạm trong cả nước nói chung và địa phương nơi tôi công tác nói riêng đã chững lại, cung vượt quá cầu, hàng trăm sinh viên ra trường phải thi tuyển khó khăn, vượt qua nhiều vòng thi, nhiều “đối thủ” cạnh tranh mới được tuyển dụng. Điều này, giáo viên nào cũng biết sự khó khăn khi bố trí nhân sự của ngành Giáo dục.

Song, nhu cầu muốn thuyên chuyển lại quá cao, do nhiều giáo viên khi ra trường được bố trí phân công đến địa phương khác công tác, nay vì nhu cầu hợp thức hóa gia đình, điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình, tuổi tác cao… nên họ làm hồ sơ và hy vọng vào sự may đến với mình. Bởi thông tin trường nào thiếu, trường nào cần môn nào Sở - Phòng không công bố nên những giáo viên làm đơn thuyên chuyển không nắm được thông tin. Nhưng, trong hướng dẫn thuyên chuyển, mục “Điều kiện thuyên chuyển” Sở lại hướng dẫn: “Đơn vị làm đơn chuyển đến phải có nhu cầu”. Rõ ràng đây là thử thách lớn cho giáo viên, bởi làm sao họ biết trường nào có nhu cầu, mà muốn biết thì chắc chắn phải đi qua nhiều con “đường vòng” mới biết được!

Chính vì vậy, có những giáo viên hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, công tác xa nhà mấy chục cây số đã làm hồ sơ liên tục đến cả chục năm liên tục mà vẫn không được chuyển vì địa phương giáo viên cần đến lại “không có nhu cầu”. Như vậy năm nay, những năm tới họ vẫn tiếp tục làm…nhưng ai dám chắc năm nào sẽ chuyển trường được?

Chính từ những khó khăn trong việc sắp xếp nhân sự của mỗi đơn vị, mỗi địa phương mà nhiều năm qua một số nới đã phát sinh tiêu cực trong việc thuyên chuyển. Mặc dù trong hướng dẫn của Sở là có rất nhiều thành phần ưu tiên để xét thuyên chuyển. Nhưng, có lẽ hướng dẫn cũng chỉ là… hướng dẫn mà thôi. Nhiều giáo viên mặc dù công tác chưa được 1 năm (không nằm trong diện được thuyên chuyển) nhưng vì là con “người này, người kia” và cả những giáo viên trẻ, đang độc thân thì được thuyên chuyển…Trong khi có những giáo viên nữ lớn tuổi, công tác xa nhà 40-50 cây số (phải đi lại trong ngày vì đa số các trường không có nhà công vụ), có những giáo viên có hoàn cảnh rất khó khăn về kinh tế, con nhỏ… thì lại không xét cho thuyên chuyển. Nhiều giáo viên “bình thường” được thuyên chuyển đều bật mí là phải “chi phí” mới đi được.

Dư luận từ lâu đã nói nhiều về những “góc khuất” trong việc tuyển dụng, thuyên chuyển công tác trong ngành giáo dục. Việc hàng năm một số địa phương cứ thông báo tuyển dụng và hướng dẫn thuyên chuyển nhưng có lẽ nó mang tính hình thức trước dư luận nhiều hơn, người trong ngành ai cũng hiểu điều này. Song, có lẽ phần lớn những người theo nghề sư phạm thường có điều kiện kinh tế khó khăn nên họ vẫn chờ vào phần may rủi nên vẫn nộp hồ sơ để chờ đợi và hy vọng…

Theo tôi, để minh bạch thông tin, để việc xét thuyên chuyển một cách công tâm, khách quan, đúng luật trước dư luận và cũng là để giảm áp lực trước một lượng hồ sơ lớn hàng năm gửi về Phòng và Sở Giáo dục, rồi phải ngồi phân loại từng hồ sơ của giáo viên. Thì Sở - Phòng Giáo dục chỉ cần một việc đơn giản là thống kê những trường có nhu cầu cần giáo viên và thông báo lên website của Sở để mọi giáo viên tham khảo và định hướng. Ví dụ môn Toán ở đơn vị A năm học 2016-2017 không có nhu cầu nhân sự thì rõ ràng giáo viên ở các huyện thị còn lại trong tỉnh sẽ không có ai làm hồ sơ gửi nguyện vọng về đơn vị này nữa. Nếu trường B cần 1 chỉ tiêu môn Văn thì sẽ làm hồ sơ về trường B. Việc còn lại của Sở, Phòng là lựa chọn giáo viên nào đủ tiêu chuẩn nhất, cần giải quyết trước nhất thì xét cho người đó.

Nếu làm được như vậy chúng ta sẽ có nhiều ưu điểm đó là: Thứ nhất, không làm mất thời gian và tiền bạc của giáo viên muốn thuyên chuyển. Không gây nên sự dao động giữa đi và ở trong công tác để từ đó toàn tâm với đơn vị mà mình công tác. Thứ hai là tạo tính chủ động cho các đơn vị sở tại sắp xếp nhân sự, quy hoạch cán bộ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên để nâng cao chất lượng giảng dạy. Thứ ba là cán bộ tổ chức không phải chịu nhiều áp lực công việc. Đồng thời, hạn chế được những tiêu cực nảy sinh: người chưa đủ điều kiện thuyên chuyển vẫn được chuyển, người làm hồ sơ nhiều năm vẫn phải ở lại.

Trong công tác thuyên chuyển có những chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng lại là sự lãng phí lớn cho giáo viên. Đó là khi làm hồ sơ phải ngược xuôi phô tô công chứng hộ khẩu (đối với người chuyển về các thành phố) và các loại văn bằng chứng chỉ khác. Một bộ hồ sơ không nhiều tiền nhưng chi phí đi lại, tiền phát sinh lại nhiều và chúng ta cứ nhân hàng ngàn hồ sơ lên thì rõ ràng mỗi năm ngành giáo dục lãng phí rất nhiều tiền bạc và thời gian. Đó là chưa kể các cấp lãnh đạo từ cơ sở trở lên phải triệu tập cán bộ cốt cán, các thành phần liên quan ngồi xét duyệt từng bộ hồ sơ của giáo giáo viên thuyên chuyển…

Sự minh bạch thông tin về nhu cầu nhân sự trong quá trình thuyên chuyển là cần thiết, để từ đó giáo viên có nhu cầu thuyên chuyển làm hồ sơ và hi vọng... Rất mong ngành Giáo dục sẽ minh bạch thông tin sớm nhất trước khi có thông báo việc thuyên chuyển giáo viên năm học 2016-2017 để tránh được những tiêu cực và lãng phí không cần thiết.

Nguyễn Cao

(An Giang)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!