Nhức nhối dạy sử!

Nhiều giáo viên trình bày một cách tẻ nhạt các sự kiện, hiện tượng lịch sử, nhân vật lịch sử... mà đúng ra phải tái tạo được lịch sử một cách sinh động, cụ thể, gợi cảm, phải để cho học sinh làm việc trực tiếp với các sử liệu.

Tôi đã có dịp dự thao giảng tiết dạy môn lịch sử lớp 9 của một giáo viên giỏi với bài “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” (1954). Cô giáo P. có kiến thức sâu sắc, trình bày mạch lạc, hấp dẫn học sinh đến cuối bài.

Đến phần sơ kết, cô giáo cao giọng: “Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta toàn thắng, tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm của địch, thu nhiều vũ khí, xe tăng, đại bác và nhiều chiến lợi phẩm, loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 tên địch, bắn rơi và bắn cháy 62 máy bay các loại...”.

Sau đó, cô giáo nêu câu hỏi: “Em nào có nhận xét gì về chiến thắng vĩ đại này?”. Một học sinh giơ tay phát biểu: “Thưa cô, vậy về phía ta không có ai hy sinh à?”. Cô giáo lúng túng và nói quả quyết với thái độ hơi gắt gỏng: “Có chứ sao lại không?”, rồi cô nhanh chóng chuyển qua phần khác.

Tôi cứ nghĩ hoài về tiết sử ấy của cô giáo P., mà đó là giáo viên giỏi. Có lẽ không chỉ tại cô giáo mà tại thói quen của chúng ta chăng? Quá nhiều người coi thường giá trị sống của lịch sử, giá trị đích thực của máu xương cha ông trong cuộc đấu tranh với kẻ thù để giành lại non sông.

Nhìn lại thực trạng dạy và học sử trong nhà trường hiện nay, tôi có một vài suy nghĩ sau đây: Còn có hiện tượng tách rời giữa lý luận và thực tiễn, phương pháp lên lớp có đổi mới nhưng chưa ăn thua, vẫn còn cũ kỹ, chủ yếu là giáo viên truyền thụ những nội dung được trình bày trong sách giáo khoa, học sinh nghe và ghi chép nên vẫn chưa động não.

Nhiều giáo viên trình bày một cách tẻ nhạt các sự kiện, hiện tượng lịch sử, nhân vật lịch sử... mà đúng ra phải tái tạo được lịch sử một cách sinh động, cụ thể, gợi cảm, phải để cho học sinh làm việc trực tiếp với các sử liệu.

Từ chỗ nhận thức của xã hội, của một số thầy, cô giáo đã ảnh hưởng đến thái độ coi thường môn sử. Học sinh chưa được làm việc nhiều để tự mình nắm bắt quá khứ, tư duy và suy ngẫm về quá khứ (một hoạt động ảnh hưởng rất lớn đến hình thành nhân cách học sinh).

Và vì thế, hiệu quả dạy và học môn sử trong nhà trường phổ thông hiện nay vẫn còn là điều nhức nhối!

Theo Nhà giáo ưu tú Lê Đức Hân
Pháp luật TP.HCM
Dòng sự kiện: Đánh giá lại SGK