Bạn đọc viết:

Nhớ người thầy đáng kính của tôi

(Dân trí) - Hai mươi năm đứng trên bục giảng với biết bao niềm vui và nỗi buồn của nghề "gõ đầu trẻ". Đã không ít lần tôi bị stress vì những áp lực của nghề giáo. Thế nhưng mỗi lần như thế, khi bình tâm, tôi lại nhớ đến những lời động viên năm xưa của người thầy kính yêu.

Thời gian trôi thật nhanh. Mới đó mà tôi ra trường đã 20 năm rồi. Hai mươi năm đứng trên bục giảng với biết bao niềm vui và nỗi buồn của nghề "gõ đầu trẻ". Đã không ít lần tôi bị stress vì những áp lực của nghề giáo. Thế nhưng mỗi lần như thế, khi bình tâm, tôi lại nhớ đến những lời động viên năm xưa của người thầy kính yêu. Đó chính là nhà giáo Nguyễn Văn Dung - nguyên là giáo viên trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh.

Nhắc đến thầy, tất cả những sinh viên khoa Văn từng học trường CĐSP Tây Ninh chẳng ai không nhớ. Thầy không chỉ là một giáo viên giỏi mà còn là một người thầy đức độ. Thầy cực thương quý học trò. Thuở ấy, sinh viên sư phạm thường rất khó khăn. Cuộc sống của chúng tôi còn gặp rất nhiều vất vả. Phần lớn chúng tôi đều phải làm thêm để trang trải cuộc sống. Có nhiều bạn mải kiếm tiền rồi lơ là trong học tập.

Mỗi khi như thế, thầy lại động viên, nhắc nhở chúng tôi phải cố gắng mà học tập cho tốt. Thầy thường bảo chúng tôi ráng mà học tập để sau này có một cái nghề vào đời cho đỡ vất vả. Các em cần phải cố gắng rất nhiều trước khi là một giáo viên thực thụ. Muốn được học trò kính nể, trước hết, các em phải là những giáo viên giỏi. Khi ngồi trên giảng đường, các em cần không ngừng trau dồi kiến thức để mai này mới đủ tự tin đứng trên bục giảng. Nghề giáo nghèo nhưng chất chứa niềm vui mà khó nghề nào có được. Sau này khi đã trở thành giáo viên các em sẽ cảm nhận rõ được điều đó. Tuy nhiên, nghề giáo cũng thường gặp những áp lực không nhỏ từ phía phụ huynh và xã hội. Nếu thật sự yêu nghề chắc chắn các em sẽ vượt qua. Các em hãy trao yêu thương để nhận về hạnh phúc. Cứ gieo những nhân lành ắt sẽ gặt được trái ngọt.

Thầy không chỉ sống tình cảm với học trò mà còn giảng bài rất hay và lôi cuốn. Điểm chúng tôi ấn tượng nhất ở thầy chính là sự nhiệt tình. Phần nào chúng tôi chưa hiểu thầy đều giảng lại và giảng khi nào chúng tôi hiểu mới thôi. Thầy bảo sinh viên sư phạm không được học dốt. Học mười nhưng sau này chỉ giảng một. Nhà thầy có rất nhiều sách văn học hay và quý. Thỉnh thoảng thầy lại mang cho chúng tôi mượn vài cuốn. Chúng tôi thật sự biết ơn thầy về điều đó.

Quê thầy ở mãi tận Nghệ An nhưng thầy lại lập nghiệp ở miền đất Tây Ninh đầy nắng gió. Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy tình nguyện vào vùng đất phía Tây Nam để công tác. Thầy bảo, những năm mới giải phóng, Tây Ninh còn rất nghèo. Trong khi đó, đồng lương giáo viên lại rất thấp. Có thể nói đời sống nhà giáo rất cơ cực. Nhiều thầy cô giáo khi ấy từng phải bỏ nghề. Thế nhưng thầy thì lại khác, chưa bao giờ thầy có tư tưởng ấy trong đầu. Với thầy, được đứng trên bục giảng, được truyền kiến thức cho học trò luôn là niềm vui vô bờ bến của người giáo viên. Lúc nào thầy cũng nhớ và thực hiện đúng theo lời Bác Hồ kính yêu đã từng dạy: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.

Những năm đi dạy, thầy luôn phấn đấu nỗ lực, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Năm nào thầy cũng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Mỗi bài giảng của thầy, luôn có một sức hút kì lạ với sinh viên. Chúng tôi ai cũng thích được nghe thầy giảng. Thầy am hiểu thơ văn và có giọng nói đặc biệt truyền cảm. Chính thầy đã truyền niềm đam mê văn học cho rất nhiều thế hệ sinh viên, trong đó có bản thân tôi.

Nhớ người thầy đáng kính của tôi - 1
Thầy Nguyễn Văn Dung (đứng ngoài cùng bên phải)

Bây giờ thì thầy đã về hưu được mấy năm rồi. Hiện thầy đang ở phường 3, TP Tây Ninh. Mặc dù thầy về hưu, nhưng vào những dịp lễ, tết các trò cũ vẫn luôn ghé nhà hỏi thăm thầy. Thậm chí nhiều giáo viên gặp chuyện buồn trong nghề giáo vẫn đến để trút bầu tâm sự với thầy. Ai cũng mong được thầy chia sẻ, động viên. Điều chúng tôi phục nhất ở thầy là thầy có một trí nhớ siêu phàm. Những sinh viên khoa Văn dù ra trường bao lâu rồi thầy vẫn nhớ tất cả họ tên. Chúng tôi ai cũng khâm phục thầy về điều đó. Mỗi khi họp nhóm, chúng tôi thường nhắc đến thầy với niềm yêu kính vô cùng. Rồi sau đó là gợi lại những kỉ niệm, những lời dặn dò quý báu của thầy khi chúng tôi còn là sinh viên. Thật sự hiếm có người thầy nào mà được nhiều học trò cũ yêu quý và kính trọng như vậy cả.

Nhớ một lần - khi ấy vừa ra trường, tôi gặp chuyện buồn trong nghề giáo. Thực ra chuyện cũng không có gì lớn, chỉ là chuyện của học trò. Vậy mà tôi đã buồn và khóc rất nhiều. Thế rồi khi gặp thầy, được nghe những lời động viên quý báu của thầy tôi như bừng tỉnh trở lại. Thầy bảo nghề nào cũng có ưu điểm và khuyết điểm cả. Quan trọng là ta nhìn khuyết điểm theo hướng tích cực để sống tốt đẹp hơn. Em cứ hết mình với nghề đi, chắc chắn rồi có ngày em sẽ gặt được những trái ngọt. Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim.

Ngày tháng dần trôi, bây giờ thì tôi đã ra trường 20 năm rồi. Bao niềm vui, nỗi buồn đã đi cùng năm tháng. Điều lạ là giờ tôi rất yêu nghề. Nếu được chọn lại, tôi vẫn muốn được làm cô giáo. Có được điều này, tôi luôn cám ơn thầy rất nhiều. Cám ơn thầy - người đã cho em niềm tin vào nghề giáo.

Thầy chính là mảnh kí ức đẹp nhất trong cuộc đời sinh viên của tôi.

Loát Trần

(Tây Ninh)