Nhớ mãi tấm lòng ưu ái của Giáo sư Trần Văn Giàu

(Dân trí) - 51 năm về trước, tấm lòng ưu ái của Giáo sư Trần Văn Giàu là một kỷ niệm sâu sắc thời kỳ đi học của tôi ở lớp Ngữ văn khóa 3 (1958-1961), Trường đại học Tổng hợp Hà Nội…

Nhớ mãi tấm lòng ưu ái của Giáo sư Trần Văn Giàu - 1
Giáo sư Trần Văn Giàu. (Ảnh: Wikipedia)
 
Mùa hè năm 1959, lớp Ngữ văn khóa 3 Trường đại học Tổng hợp Hà Nội bước vào kỳ thi cuối năm học. Trước đó một tháng, tôi tập xà đơn và bị ngã ở ký túc xá phố Lò Đúc của các trường Đại học Tổng hợp, Đại học Y khoa, Dược khoa. Tay phải tôi chống trên nền đất, bị gãy xương cổ tay. Anh em trong lớp đã đưa tôi vào bệnh viện Phủ Doãn để chữa trị. Tôi được bó bột nửa cánh tay và nửa bàn tay phải.  

Dạo đó, ở ký túc xá Lò Đúc, mỗi phòng sinh viên ở có đến 7, 8 giường 2 tầng cho 14 - 16 người. Tôi nằm ở tầng dưới. Hàng ngày anh chị em lên học ở cơ sở 2 của Trường đại học Tổng hợp tại phố Hai Bà Trưng. Tôi xin phép nghỉ học. Tay phải tôi treo trước ngực. Tôi dùng tay trái để giở giáo trình ôn bài. Nhiều lúc mỏi quá, tay đau nhức phải nằm, treo sách bên cạnh giường để đọc.

Hai hôm trước khi thi môn Văn học Việt Nam, tôi được bạn bè cùng lớp chở vào bệnh viện cắt bỏ phần bột thạch cao. Tôi tập cầm bút trở lại nhưng những ngón tay chưa chịu theo ý mình. Chữ viết xiên xẹo.

Buổi sáng đi thi, tôi nhờ lớp trưởng là anh Lê Văn Tụng lên gặp Giáo sư Trần Văn Giàu - Chủ nhiệm khoa Xã hội để báo cáo về tình hình chữ viết của tôi. Thầy Trần Văn Giàu gọi tôi lên văn phòng khoa. Thầy bắt tay tôi và mời ngồi rồi hỏi về vết thương của tôi, xem mấy trang tôi tập viết ở nhà, xoa nhẹ vào cổ tay bị gãy của tôi rồi nói:

- Thầy biết em lúc này khó mà viết cho kịp anh em trong lớp. Thầy cho em ngồi lại văn phòng khoa để làm bài. Thầy sẽ cử một cán bộ giúp chép bài thi cho em. Như thế có được không?

Tôi lễ phép trả lời:

- Em xin cảm ơn thầy.

Thầy Trần Văn Giàu nói thêm:

- Thường tự tay mình viết ra, ý nghĩ sẽ đến trong khi viết. Em đọc cho người khác viết sẽ có nhiều hạn chế. Bài thi viết trong ba giờ. Thầy cho em thêm một giờ nữa để làm bài. Em cố gắng nhé.

Xúc động về những lời của thầy, tôi nói:

- Thưa thầy, em luôn biết ơn thầy. Thầy lo cho em chu đáo quá. Em sẽ cố gắng hết sức.

Giáo sư Trần Văn Giàu phân công anh Hồng Dân Hoa - cán bộ trong khoa giúp tôi chép bài thi.

Tôi trao đổi với anh Hồng Dân Hoa:

- Cảm ơn anh giúp em làm bài thi. Anh chờ cho em mười lăm phút. Em làm dàn bài, ghi vài ý và thơ trích dẫn rồi sẽ đọc nhờ anh chép.

Đề thi năm ấy về thơ Nguyễn Trãi. Tôi chuẩn bị phần mở đầu, chuyển ý, chuyển đoạn và ý cần nhấn mạnh trong kết luận. Tôi ghi ra những câu: Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo (Lòng Ức Trai sáng như Sao Khuê - lời vua Lê Thánh Tông. Nguyện bả lan thang phân tứ hải (Nguyện đem nước thang lan chia khắp bốn biển) v.v… để đưa vào bài.

Tôi phải chuẩn bị kỹ trong đầu những câu văn sao cho đủ ý, giàu hình ảnh để đọc cho liền mạch. Và tôi thấy rõ cái khó như thầy Trần Văn Giàu đã nói là từ đầu ngòi bút, ý nghĩ vọt ra, người viết sẽ thêm bớt, dùng các từ để nhấn mạnh hoặc trau chuốt.

Anh Hoa chép được một trang, tôi đọc lại và nói với anh:

- Anh nghỉ một lát, cho em chuẩn bị thêm. Có đến bốn, năm đợt dừng lại và tôi đọc lại, suy nghĩ tiếp để đọc.

Bài thi của tôi năm 1959 được là một trong những bài đạt điểm cao của lớp.

Tấm lòng ưu ái của Giáo sư Trần Văn Giàu 51 năm về trước là một kỷ niệm sâu sắc thời kỳ đi học của tôi. Tôi luôn luôn nhớ ơn thầy và cũng không quên ơn anh Hồng Dân Hoa hiện định cư tại Canada đã giúp tôi làm bài thi năm ấy.

Trần Nguyên Vấn
Sinh viên khóa 3 khoa Ngữ văn
Trường đại học Tổng hợp Hà Nội