Nhìn sang Mỹ xem đào tạo sau đại học

Ở Mỹ, học càng cao, định hướng chuyên ngành càng sâu càng khó xin việc làm. Câu chuyện của PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hà (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ góc nhìn từ trải nghiệm của bản thân về đào tạo sau ĐH tại một số trường trên đất Mỹ.

Không phải ai cũng thích học sau ĐH

Bậc lương của sinh viên tốt nghiệp ĐH, Thạc sĩ, Tiến sĩ ở Mỹ khác nhau và điều đó khẳng định vị trí khác nhau ở các bậc học. Vì vậy, nhiều công ty hoặc cơ sở làm việc chỉ cần nhận bằng Cử nhân mà không nhận Thạc sĩ hay Tiến sĩ vì họ ngại phải trả lương cao cho một vị trí không cần thiết phải có học vị cao.

Ở Mỹ, học càng cao, định hướng chuyên ngành càng sâu càng khó xin việc làm, vì các cơ sở có khả năng tiếp nhận những người có chuyên môn sâu không nhiều. Nhưng nếu Thạc sĩ và Tiến sĩ đã ở đúng vị trí và bậc học của mình thì lương sẽ cao hơn hẳn lương Cử nhân.

Vì vậy, không phải ai cũng thích đi học Thạc sĩ, nghiên cứu sinh (NCS), nhưng nếu đã đi học thì xác định khá rõ tính chất chuyên sâu của ngành học, chấp nhận cả cơ hội lẫn khó khăn.
 
Phần lớn đào tạo chính quy

Phần lớn đào tạo chính quy

Ở Mỹ cũng có hệ đào tạo tại chức Thạc sĩ và NCS nhưng không nhiều và thường do các Bộ hoặc các tập đoàn lớn đầu tư để đào tạo chuyên gia cho ngành mình. Phần lớn các trường ĐH đào tạo Thạc sĩ và NCS theo hệ chính quy.

Thời gian đào tạo Thạc sĩ từ 1 năm rưỡi đến 2 năm; thời gian đào tạo tiến sĩ từ 3 đến 5 năm (5 năm là cho các NCS học thẳng tiến sĩ sau khi tốt nghiệp ĐH).

Thời gian đó học viên dành hoàn toàn cho việc học. Nếu hết hạn mà chưa học xong thì họ vẫn đăng kí học tiếp cho đến khi hoàn thành chương trình mới thôi.

Chương trình đào tạo ĐH ở Mỹ khá nhẹ nhàng, nhưng chương trình đào tạo sau đại học, đặc biệt đào tạo Tiến sĩ thì khá nặng so với Việt Nam và một số nước khác.

Ví dụ: những vấn đề KHXH bình thường, các tác giả hay tác phẩm văn học quen thuộc không hoàn toàn là đối tượng nghiên cứu và đào tạo Tiến sĩ. 

Những hiện tượng mới, gương mặt mới, khuynh hướng đang định hình hoặc đánh giá lại những sự kiện, nhân vật quan trọng thường được quan tâm nghiên cứu.

Để đáp ứng yêu cầu cao của việc đào tạo, môi trường đào tạo ở Mỹ rất rõ định hướng lấy người học làm trung tâm.

Chẳng hạn, những ngày bình thường thư viện trường mở cửa đến 2 giờ sáng. Nếu bạn cần một cuốn sách mà thư viện trường không có, họ sẽ hỏi trên mạng lưới thư viện quốc gia hay các trường ĐH và nơi nào có, họ sẽ chuyển sách đến cho bạn mượn.

Nếu bạn đi thư viện mà trời mưa hay lạnh hoặc không có phương tiện về, bạn gọi điện đến phòng phục vụ sinh viên của trường, họ sẽ mang xe đến đưa về miễn phí…

NCS nghe giảng cùng sinh viên

Trong trường ĐH, các học viên thạc sĩ hay NCS thường lên lớp nghe giảng những phần cơ bản cùng SV, thời gian còn lại họ đi thực tế và đọc sách rất nhiều.

Theo lịch hẹn, từ 1 - 2 tuần trò mới có lịch làm việc với thầy. Đến ngày làm việc đó, học viên báo cáo công việc mình đã làm, nêu vấn đề cần trao đổi hay nêu thắc mắc cần hỏi.

Thầy không rao giảng mà chỉ giải đáp thắc mắc. Vì vậy, nếu trò không nỗ lực tự làm việc thì không có gì để trao đổi với thầy. Áp lực đó khiến học viên phải tự cố gắng rất nhiều.

Ở Mỹ không có khái niệm “thông cảm”, “giảm nhẹ”, “mồm miệng đỡ chân tay” hoặc “thủ tục đầu tiên”… Thầy giáo không vì bất cứ lí do gì mà hạ thấp yêu cầu đào tạo. Vì vậy, có được tấm bằng SĐH thực sự là một sự khẳng định năng lực.

Các học viên thạc sĩ hay NCS cũng thường làm trợ giảng cho chính người thầy nhận hướng dẫn mình (thỉnh thoảng cũng có người trợ giảng cho thầy khác). 

Mỗi tuần họ thường có 6 giờ làm việc với sinh viên, trong đó 4 giờ để chấm bài, chữa bài, tham dự seminar, còn 2 giờ để ngồi tại văn phòng của bộ môn (office hours) giải đáp các thắc mắc của sinh viên.

Muốn chấm được bài cho sinh viên hoặc để có thể trả lời được các câu hỏi của sinh viên, các học viên SĐH phải cố gắng vươn lên rất nhiều bằng cách tự học hoặc theo học các giáo sư. Nhờ thế mà trình độ của họ chắc chắn cao hơn sinh viên và luôn được sinh viên kính nể, tin cậy.    

Có bằng tiến sĩ mới được làm giảng viên ĐH

Để trở thành giảng viên ĐH ở Mỹ, người ta phải có bằng tiến sĩ. Sau đó họ mới bắt đầu tham gia giảng dạy ở trường ĐH và thời gian đầu luôn thay đổi môi trường giảng dạy để gia tăng các mối quan hệ nghề nghiệp và kinh nghiệm. Ví dụ, dạy ở trường A khoảng 2, 3 năm, rồi chuyển trường B cũng khoảng đó,… Các trường  ở các thành phố khác nhau.

Sau khi trở thành PGS họ mới ổn định vị trí làm việc của mình trong một trường ĐH nào đó và làm việc như một nhà khoa học thực thụ.

Yêu cầu tối thiểu đối với một GS đại học là phải có tập bài giảng riêng của mình. Nó có thể dày mỏng khác nhau, nhiều quyển hay ít quyển nhưng không thể không có, không thể giảng chay hoặc giảng bằng bài giảng của người khác.

Như vậy, thầy lên lớp không phải để rao giảng mà để trao đổi với người học trên cơ sở bài giảng của thầy và tài liệu tham khảo đã có sẵn.

Học trò đọc trước và giờ làm việc trên lớp trở thành giờ tranh luận khá sôi nổi về những gì trò quan tâm. Những kiến thức trên lớp không bao giờ hoàn toàn nhắc lại những gì họ đã viết trong bài giảng.

Tiết kiệm tối đa chất xám người thầy

Giáo viên thường giảng cho cả 3, 4 đối tượng học viên cùng một giờ lên lớp (sinh viên, học viên MA, NCS), nhưng tùy trình độ khác nhau, người học sẽ tiếp nhận tri thức thầy truyền đạt khác nhau.

Tất nhiên, ngoài những giờ lên lớp cho sinh viên mà thầy yêu cầu tất cả các trò của mình đi dự, còn có giờ làm việc riêng với thạc sĩ, NCS. Nhưng những giờ lên lớp chung sẽ bổ sung kiến thức cơ bản, phổ biến nhất, đòi hỏi mọi người học chuyên ngành đó đều phải nắm vững.

Hơn nữa, giờ học chung sẽ là lúc thầy truyền dạy phương pháp và kiến thức cho NCS để họ tiếp tục làm việc với sinh viên. Cách thức như vậy sẽ tận dụng tối đa thời gian và chất xám của thầy.

Sau giờ lên lớp, thầy ra chủ đề thảo luận, ra bài kiểm tra, bài thi cho sinh viên. Nhưng người trực tiếp làm việc với sinh viên, tham dự các buổi seminar, chấm bài kiểm tra, bài thi cho sinh viên không phải là GS mà chính là các học viên thạc sĩ hoặc NCS (các trợ giảng của GS). 

Đó cũng là một cách đào tạo học viên SĐH rất tốt. Nếu họ không nâng cao năng lực của mình, họ sẽ không thể chấm bài, chữa bài hoặc giải đáp thắc mắc cho sinh viên.

Như vậy có phải các GS quá nhàn rỗi không? Không, họ phải làm việc rất nặng nề và chịu nhiều sức ép. Họ thường được mời đi dạy ở các trường ĐH, dự hội thảo hoặc thỉnh giảng trong và ngoài nước, nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu…

Đặc biệt, họ phải kéo được các dự án từ Chính phủ hoặc các Bộ, Ngành, Công ty… về để có kinh phí cho trường và để “nuôi” các NCS, các trợ giảng của mình. Đó được coi là một phẩm chất khoa học của ông thầy.

Bởi nếu đề tài dự án không có sức thuyết phục, không có giá trị thực tiễn thì sẽ không tranh được kinh phí. Cũng nhờ vậy mà các NCKH của họ thường có khả năng thực thi cao, kết quả nghiên cứu nhanh chóng được sử dụng trong đời sống và nguồn phúc lợi của các trường ĐH thường khá dồi dào. Đó là nhờ lao động trí tuệ của các nhà khoa học trong trường ĐH.

Những điều trình bày trên mới chỉ là ở một số trường đại học, nhưng không phải tất cả các trường đại học ở Mỹ đều có những ưu điểm đó. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng các đại học ở Mỹ rất không đồng đều và không phải không có những bất cập.

Theo Hải Bình
GD&TĐ