Quảng Nam:

Nhiều trường THPT tư thục có nguy cơ đóng cửa, giải thể

(Dân trí) - Vài năm nay, việc tuyển sinh đầu cấp khó khăn nên hiện có 4 trường THPT tư thục tại Quảng Nam có nguy cơ đóng cửa, giải thể vì quá ít học sinh theo học.

Đó là các trường THPT Hà Huy Tập (TP Tam Kỳ), Phạm Văn Đồng (huyện Quế Sơn), Hoàng Sa và Quảng Đông (huyện Điện Bàn). Các trường này đã có nhiều năm hoạt động và đã có những đóng góp nhất định trong việc xã hội hóa giáo dục trên địa bàn Quảng Nam.

Không muốn nói nữa vì quá… mệt

Sáng ngày 5/11, tiếp xúc với chúng tôi, lãnh đạo trường Hà Huy Tập không muốn nêu tên trên báo do trường đã quá “nổi tiếng” vì trong vài năm nay liên tục được… lên báo.
 
Trường THPT Hà Huy Tập được thành lập sớm nhất trong các trường tư thục trên địa bàn Quảng Nam và đến nay đã có bề dày 15 năm. Đây là một trường đóng góp rất lớn trong lĩnh vực xã hội hóa giáo dục ở Quảng Nam, đáp ứng nhu cầu học tập của các em học sinh không chỉ trên địa bàn TP Tam Kỳ mà còn trong cả tỉnh.
 
Trường THPT Hà Huy Tập đã tồn tại 15 năm, nay có nguy cơ giải thể vì không tuyển được học sinh.
Trường THPT Hà Huy Tập đã tồn tại 15 năm, nay có nguy cơ giải thể vì không tuyển được học sinh.

Thời kỳ “hoàng kim” của trường THPT Hà Huy Tập có đến 1.200 học sinh theo học với 25 lớp học. Đến năm học 2013-2014 này, trường chỉ còn lại 430 học sinh. Trong đó có 303 học sinh lớp 12, 75 học sinh lớp 11 và mùa khai giảng vừa qua, trường chỉ tuyển được… 72 học sinh vào lớp 10.

Đầu năm học 2013-2014 này, trường cũng đã “chia tay” 14 giáo viên và hiện giờ tất cả cán bộ và giáo viên của trường chỉ còn lại 34 người. Không những thế, các giáo viên này bị cắt giảm 25% tiền lương do nguồn thu từ học phí từ học sinh giảm sút.

Lãnh đạo trường cho biết: “Hiện nguồn thu không đủ chi. Nếu cố gắng “gồng” được 1-2 năm nữa thì “gồng”, còn không sẽ giải thể”. Theo lãnh đạo trường này cho biết, trước đây mỗi năm trường có thể tuyển được 600-700 học sinh nhưng từ khi hệ thống các trường THPT công lập phát triển mạnh, cộng với việc xét tuyển học sinh đầu vào không qua thi tuyển cũng đã đẩy trường đến chỗ không có học sinh theo học.

Ngoài ra, số lượng tuyển sinh của các trường công lập từ chỗ 93% học sinh được nâng lên 95% học sinh lớp 9 khiến các trường tư thục hầu như không còn cơ hội để “vét” học sinh vào trường mình.

Trường chỉ có số học sinh bằng 1 lớp học

Cũng khó khăn không kém là trường THPT Phạm Văn Đồng (đóng tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn). Hiện trường chỉ có 43 học sinh theo học. Số học sinh này chỉ đủ cho… 1 lớp học.

Thầy Võ Ngọc Hoàng, Chủ tịch HĐQT kiêm Bí thư Chi bộ trường cho biết, thời “hưng thịnh” của trường có 500 học sinh theo học nhưng đến năm học vừa qua, trường chỉ tuyển được…15 học sinh theo học. Với 3 khối lớp thì hiện nay số học sinh của trường chỉ đủ cho 1 lớp học ở các trường công.
 
Cảnh hoang vắng của trường THPT Phạm Văn Đồng.
Cảnh hoang vắng của trường THPT Phạm Văn Đồng.

Trường có 10 phòng học, 14 giáo viên chính cho các bộ môn và 5 giáo viên thỉnh giảng. “Năm ngoái trường trả 45 ngàn đồng/tiết, năm nay trường chỉ trả 28 ngàn đồng/tiết cho giáo viên vì quá khó khăn. Thành viên HĐQT của trường không nhận lương mà để tập trung trả lương cho giáo viên. Tình trạng này đã xảy ra mấy năm nay rồi. Còn lương của tôi hiện giờ là “lương tâm” và lương hưu thôi”, thầy Hoàng tâm sự.

Theo thầy Hoàng, thậm chí hiện giờ Hiệu trưởng kiêm luôn việc dạy học và đánh trống vào lớp và tan học để tiết kiệm chi phí.

Với mức thu 400 ngàn đồng/tháng/học sinh thì số tiền thu được mỗi tháng không đáng là bao để trang trải chi phí cho hoạt động của trường. Nên để đủ tiền trả lương cho giáo viên, vừa qua trường cho một doanh nghiệp thuê 3 phòng học để làm nơi ở cho công nhân đang xây dựng công trình gần đó.
 
Một số phòng học của trường phải cho công nhân thuê để trang trải chi phí.
Một số phòng học của trường phải cho công nhân thuê để trang trải chi phí.

Thầy Hoàng cho biết, vào đầu năm học vừa qua, trường đề nghị không nhận học sinh nữa vì không đủ chi phí nhưng phụ huynh tha thiết yêu cầu cứ tăng học phí để giúp con họ có nơi học tập chứ hiện các trường công lập không nhận thì con họ không biết phải “rơi” vào đâu.

Để có thể duy trì trường thì theo thầy Hoàng chỉ có một cách duy nhất là hạ chỉ tiêu tuyển vào trường công, tiến hành việc thi tuyển, số còn lại nếu không vào được trường công thì lúc đó các trường tư như Phạm Văn Đồng mới có cơ hội tồn tại.

Còn nếu đường cùng phải giải thể thì thầy Hoàng đề nghị Sở GD-ĐT tiếp nhận các giáo viên đã có hợp đồng đóng bảo hiểm của trường, ngoài ra các em đang học dở ở trường phải được tiếp tục học ở các trường công lập khác.

“Tâm nguyện của tôi vẫn muốn tiếp tục duy trì dạy học. Chúng tôi là con đẻ về xã hội hóa giáo dục của tỉnh Quảng Nam, mặc dù thua lỗ liên tục nhưng chúng tôi không muốn phải giải thể”, thầy Hoàng tâm sự.

Hiện hai trường THPT Quảng Đông và Hoàng Sa (huyện Điện Bàn) cũng trong hoàn cảnh tương tự, mỗi trường cũng chỉ vài chục học sinh theo học và việc tuyển sinh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Không biết phải giải thể lúc nào.

Trao đổi với các phóng viên tại cuộc họp giao ban báo chí tỉnh Quảng Nam vào đầu tháng 11 vừa qua, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam Nguyễn Tấn Thắng cho rằng các Trung tâm GDTX và trường tư thục có đóng góp rất lớn trong việc giảm áp lực cho các trường công.
 
Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam - Nguyễn Tấn Thắng trả lời báo chí.
Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam - Nguyễn Tấn Thắng trả lời báo chí.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Nam cũng cho biết, trong năm học vừa qua có khoảng 1.200 học sinh lớp 9 không có cơ hội vào các trường công lập. Con đường mà gia đình và các em này chọn là các trường trung cấp dạy nghề và cao đẳng. Hiện tỉnh Quảng Nam có 8 trường trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng, 4 trường trung cấp nghề. Theo quy định, các em tốt nghiệp các trường này có thể thi vào ĐH và hàng loạt các cơ hội khác để các em có thể chọn lựa.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Nam, đó là sự phát triển đáng mừng của dịch vụ công giáo dục. Bên cạnh đó là mức học phí của các trường công hiện chỉ có 80 ngàn đồng/tháng/học sinh so với 400-450 ngàn đồng/tháng/học sinh của các trường tư thục cũng khiến phụ huynh và các em học sinh cân nhắc. Còn lý do khác là các trường tư thục chưa vươn lên để thu hút các phụ huynh và học sinh… "Đó là các nguyên nhân gây khó khăn của các trường tư thục trên địa bàn", Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam nói.

Nếu có việc giải thể các trường tư thục, theo Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam thì các giáo viên sẽ được Sở nhận và giữ nguyên mức lương đóng BHXH, các học sinh ở địa phương nào thì sẽ được học tại các trường công ở địa phương đó.

Công Bính