ĐBSCL:

Nhiều trường còn “xem nhẹ” công tác giáo dục thể chất cho SV

(Dân trí)- Nhiều trường ĐH, CĐ ở ĐBSCL thời gian qua vẫn còn “xem nhẹ” công tác giáo dục thể chất cho sinh viên. Trong khi đó, lĩnh vực này được cho là rất quan trọng, không chỉ nâng cao thể chất mà còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho các trường phổ thông.

Trên là những nhận định cơ bản của nhiều đại biểu tại hội thảo nghiên cứu khoa học về công tác giáo dục thể chất (GDTC) trong các trường ĐH, CĐ khu vực ĐBSCL được tổ chức vào ngày 3/1 tại Trường ĐH Cần Thơ.

Quang cảnh buổi hội thảo được tổ chức tại Trường ĐH Cần Thơ.
Quang cảnh buổi hội thảo được tổ chức tại Trường ĐH Cần Thơ.

Thực trạng ngành giáo dục thể chất hiện nay

Tại buổi hội thảo, nhiều đại biểu đến từ các trường ĐH, CĐ, THCN ở khu vực ĐBSCL cùng nhận định, công tác GDTC cho sinh viên (SV) thời gian qua ở các trường vẫn còn “xem nhẹ” từ đó dẫn đến lĩnh vực này còn nhiều bất cập.

Trong tham luận nghiên cứu về công tác GDTC tại Trường ĐH Kinh tế - Công nghiệp Long An, giảng viên Lâm Hoàng Tuyến (ĐH Tiền Giang) đánh giá, hiệu quả công tác GDTC của Trường ĐH Kinh tế - Công nghiệp Long An chỉ đạt ở mức trung bình. Thạc sĩ Tuyến cho biết, nội dung chương trình giảng dạy môn GDTC còn chưa thống nhất, các điều kiện phục vụ cho sân bãi, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện còn thiếu thốn, lạc hậu. Bên cạnh đó, thể thao ngoại khóa chưa được thực hiện, các câu lạc bộ còn yếu kém, chưa thu hút được SV tham gia. Đội ngũ giáo viên còn thiếu trình độ chuyên môn chưa được nâng cao nên chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của công việc.

Thạc sĩ Tuyến dẫn chứng, nhà trường có khoảng 4.000m2 dành cho công tác giảng dạy GDTC, trong khi đó số lượng SV là 5.800 SV (1,5m2/SV) thấp hơn nhiều so với quy định (10m2/SV).  Diện tích này ngoài giảng dạy GDTC ra còn được sử dụng vào mục đích khác như làm sân khấu phục vụ lễ hội, làm nơi đỗ ô tô của ban giám hiệu, làm nhà xe tạm cho SV.

“Vì thế mỗi khi có lễ hội diễn ra, công tác tháo dỡ chậm trễ đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc học tập của SV. Trong khi đó, về trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy lại rất thiếu thốn khi hàng năm nhà trường chỉ trang bị một số thiết bị cho việc giảng dạy, còn lại SV phải tự trang bị lấy”, Thạc sĩ Tuyến.  

Thạc sĩ Nguyễn Văn Hòa (ĐH Cần Thơ) trong tham luận về công tác GDTC cũng cho biết, từ năm 2010 đến nay, chương trình GDTC của Trường ĐH Cần Thơ chỉ còn 60 tiết giảng nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nâng cao sức khỏe cho SV. Từ đó, việc phân chia quỹ thời gian để giảng dạy chương trình bắt buộc và tự chọn theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT trước đây không thực hiện được. Bên cạnh đó, công tác biên soạn giáo trình bài giảng cũng gặp không ít khó khăn.

Trong khi đó, số lượng cán bộ GDTC tại Trường ĐH Cần Thơ vẫn còn thiếu về số lượng và chất lượng. “Năm 2013, trường tiến hành tịnh biên lại đội ngũ cán bộ của trường thì số lượng giảng viên của bộ môn GDTC còn thiếu trên 10 người và chất lượng giảng viên ở trình độ tiến sĩ vẫn còn hạn chế”, tham luận của Thạc sĩ Hòa nêu thực trạng.

Về cơ sở vật chất phục vụ cho GDTC, trong tham luận của mình, Thạc sĩ Hòa cho biết, dù diện tích phục vụ cho công tác GDTC rộng lớn (khoảng 31.000m2) nhưng để phục vụ giảng dạy cho SV toàn trường có khoảng 50.000 người thì còn chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, việc thiếu trang bị để giảng dạy nên việc giảng dạy và phát triển ở một số môn thể dục thể thao (TDTT) còn gặp nhiều khó khăn.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Việt (Trường CĐ Cần Thơ) cũng nhìn nhận, chất lượng phong trào ngoại khóa thể thao tại trường CĐ Cần Thơ trong những năm gần đây phát triển chậm. Theo Thạc sĩ Việt, nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan, trong đó có vai trò tham mưu của cấp dưới cho lãnh đạo chưa tốt thiếu tính thuyết phục. Song song đó, lực lượng giảng viên GDTC hoạt động không đều tay, chưa thực sự đoàn kết, chưa toàn tâm toàn ý vì phong trào chung của trường cũng như trình độ chuyên môn của giảng viên còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, trường cũng thiếu kinh phí hoạt động nên các phong trào TDTT ngoại khóa kém hiệu quả.

Cũng theo Thạc sĩ Việt, một yếu tố không thể thiếu để giúp phong trào ngoại khóa TDTT trong trường ĐH, CĐ là việc thành lập các câu lạc bộ thể thao tại các trường để tạo điều kiện hình thành các đội tuyển thể thao và nâng cao thành tích cho trường mà hiện nay Trường CĐ Cần Thơ không có câu lạc bộ nào hoạt động, từ đó phong trào chung không phát triển được.

Còn Thạc sĩ Trần Thanh Phong (ĐH Tiền Giang) nhìn nhận, việc dạy học môn GDTC ở ĐH Tiền Giang vẫn còn cứng nhắc, chưa đáp ứng được sở thích của SV. “Trong quá trình lên lớp, vẫn còn một số giảng viên thực hiện các bước lên lớp một cách cứng nhắc, tuần tự từ bước này sang bước khác đã làm cho giờ học nhàm chán, nặng nề. Các giảng viên cũng chưa tận dụng hết những dụng cụ và điều kiện sân tập để tổ chức cho sinh viên luyện tập. Trong khi đó, phần lớn SV chưa thấy rõ tầm quan trọng của việc học môn GDTC vì môn này không tính vào kết quả học tập chung cũng như xét học bổng cho nên SV còn xem nhẹ môn học này”, Thạc sĩ Phong nêu rõ.

Thạc sĩ Phong cũng cho rằng, so với nhu cầu chuyên môn thực tế thì cơ sở vật chất hiện nay của Trường ĐH Tiền Giang vẫn còn thiếu sân bãi, dụng cụ tập luyện rất nhiều. Chính sự thiếu thốn này đòi hỏi giảng viên cần phải đổi mới phương pháp dạy học, cải tiến phương pháp lên lớp, sắp xếp các nội dung của tiết học nhằm sử dụng tối đa sân bãi, trang thiết bị hiện có để tổ chức hoạt động dạy và học.

Trong khi đó, Thạc sĩ Trần Huỳnh Thị Hương Lan (ĐH Tiền Giang) lại nhấn mạnh vai trò của nghiên cứu khoa học (NCKH) cho SV ngành TDTT. Theo Thạc sĩ Lan, đối với SV ngành TDTT, NCKH không chỉ là phương pháp học tập mà còn là điều kiện, phương tiện hành nghề của nhà giáo tương lai. “Thiếu ý thức và kỹ năng nghiên cứu khoa học, người giáo viên sẽ không hoàn thành nhiệm vụ dạy học và giáo dục cho học sinh trong điều kiện lao động đòi hỏi người giáo viên phải thường xuyên nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm, đổi mới phương pháp cho phù hợp với đối tượng và thực tiễn giáo dục”, Thạc sĩ Lan nói.

Cũng theo Thạc sĩ Hương Lan, NCKH giúp cho SV ngành TDTT hình thành và bồi dưỡng những phẩm chất cần thiết cho người giáo viên tương lai đó là tính kiên trì, nhẫn nại, khắc phục khó khăn, tìm tòi sáng tạo, khách quan, chính xác giúp giáo viên có các quyết định kịp thời cũng như các biện pháp xử lý hiệu quả.

“Nghiên cứu khoa học còn giúp SV thể dục thể thao mạnh dạn tiếp cận với thực tiễn giáo dục phổ thông, phong trào TDTT quần chúng và trong trường học, hiểu biết nghề, hình thành và bồi dưỡng tình cảm nghề nghiệp. Vì vậy, việc tổ chức cho SV ngành TDTT nghiên cứu khoa học là hết sức cần thiết nhằm đào tạo đội ngũ giáo viên có khả năng sư phạm chuyên môn và năng lực nghiên cứu chuyên ngành hiệu quả nhất”, Thạc sĩ Lan khẳng định thêm.

Và giải pháp

Với thực trạng như trên, tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng nêu những giải pháp để tháo gỡ những hạn chế trong công tác GDTC ở các trường .

Thạc sĩ Lâm Hoàng Tuyến cho rằng, cần năng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tác dụng của công tác GDTC đối với SV trong việc đảm bảo sức khỏe và phát triển thể lực. Duy trì thường xuyên các hoạt động TDTT cho SV qua hình thức các cuộc thi nhằm động viên SV tham gia, dấy lên phong trào thi đua giữa các lớp, khoa làm cho nhiều SV yêu thích thể thao hơn.

“Cần đưa phần lý luận chung vào giảng dạy vì đây là việc hợp lý và cần làm, đảm vảo giảng dạy lý thuyết trong chương trình chiếm 10-15%. Có như vậy SV mới nhận thức đầy đủ hơn về môn học và hiểu rõ vai trò tác dụng của việc học GDTC trong nhà trường”, Thạc sĩ Tuyến    

Trong tham luận của mình, Thạc sĩ Nguyễn Văn Hòa cho rằng, giảng viên là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục trong nhà trường. Do đó, cần tiếp tục đào tạo nâng cao chuyên môn cho thành phần này. Thạc sĩ Hòa cũng nêu quan điểm, cần điều chỉnh chương trình giảng dạy theo hệ thống tín chỉ và nâng số tiết từ 60 lên 90 tiết để giảng dạy trong 3 học kỳ cũng như đổi mới phương pháp và hình thức dạy học theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực của SV nhằm nâng cao sức khỏe và phát triển thể chất.

Để nâng cao phong trào ngoại khóa, theo Thạc sĩ Nguyễn Quốc Việt, cần tuyên truyền sâu rộng về công tác TDTT trong toàn giảng viên và SV cũng như tổ chức các hoạt động rèn luyện thân thể thường xuyên nhằm nâng cao sức khỏe và giảng dạy học tập tốt. “Cần có kế hoạch cụ thể về công tác thể thao ngoại khóa, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị có liên quan trong trường. Xây dựng các câu lạc bộ thể thao để thu hút SV tham gia tạo sân chơi lành mạnh, hạn chế tiêu cực, qua đó phát hiện và bồi dưỡng vận động viên cho đội tuyển thể thao của nhà trường”, Thạc sĩ Việt nêu giải pháp.

Hiện nay, nhiều trường ĐH, CĐ đào tạo theo tín chỉ, với ngành TDTT, theo Thạc sĩ Nguyễn Thanh Liêm (ĐH Cần Thơ), cần quy định nhóm học từ 20- 24 SV vì đây là ngành đặc thù để SV có thể nắm bắt được kiến thức mới, từ đó tạo sơ sở để SV phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu. Bên cạnh đó, cần mở nhiều lớp ngoại khóa, câu lạc bộ, nhóm cho SV thành thạo và chuyên nghiệp hơn.

Thạc sĩ Liêm cho rằng, nâng cao yêu cầu đầu vào của SV để đảm bảo chất lượng học tập và kết quả đầu ra cũng như nghiên cứu chương trình đào tạo để đa dạng hóa môi trường học tập cho SV. “Cần lấy ý kiến phản hồi của những cựu SV, nhà tuyển dụng lao động về chương trình đào tạo để có cơ sở đánh giá đúng đắn hơn về chất lượng giáo dục của ngành so với nhu cầu thực tế của xã hội”, Thạc sĩ Liêm nêu rõ.

Để thực hiện một số biện pháp về đổi mới phương pháp dạy học, Thạc sĩ Trần Thanh Phong cho rằng, nhà trường cần quan tâm, đầu tư hơn nữa đối với bộ môn GDTC, trong đó có việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị vì đây là một khâu rất quan trọng không thể thiếu trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học.

“Sinh viên phải xác định được tầm quan trọng của môn học cũng như phát huy tính tự giác tích cực trong học tập, phát huy năng lực cá nhân trong hoạt động TDTT, trong tự nghiên cứu, tự luyện thêm ở nhà. Khuyến khích SV tham gia các hoạt động thể dục thể thao ở ngoài nhà trường trong khi nhà trường chưa đáp ứng hết nhu cầu của SV”, Thạc sĩ Phong nhấn mạnh.

Ngoài ra, các đại biểu cũng kiến nghị, các trường cần có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn thường xuyên cho giảng viên và có những chính sách phù hợp để các giảng viên gắn bó lâu dài với nghề. Bên cạnh đó, cần xây dựng, trang bị cơ sở vật chất nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, SV tập luyện, huấn luyện để nâng cao chất lượng giảng dạy và các hoạt động khác có liên quan.

Huỳnh Hải