Bạn đọc viết:

Nhiều thủ tục rườm rà khi đánh giá giáo viên cuối năm

(Dân trí) - Những ngày này, giáo viên chúng tôi cứ xoay như chong chóng với đủ loại biểu mẫu và phiếu đánh giá cuối năm học. Đây là nỗi khổ mà năm nào chúng tôi cũng phải trải qua.

Cuối năm học, thầy cô đều mệt nhoài với việc hoàn thành điểm và các loại báo cáo cho ban giám hiệu nhà trường. Chưa kể, những thầy cô dạy lớp cuối cấp còn phải ôn thi cho các em nữa. Giáo viên (GV) gần như phải chạy đua với thời gian. Không ít thầy cô tỏ ra mệt mỏi và đuối sức thấy rõ.

Một trong những công việc khiến GV mệt mỏi và ngao ngán nhất chính là đánh giá chuẩn nghề nghiệp GV. Mỗi thầy cô phải hoàn tất các biểu mẫu như: Phiếu tự đánh giá của giáo viên; Phiếu lấy ý kiến của đồng nghiệp trong tổ chuyên môn. Tất cả các loại phiếu đánh giá này đều phải có kèm theo minh chứng cụ thể.

Việc kiếm tìm minh chứng cũng đủ GV toát mồ hôi. Ví dụ ở tiêu chuẩn 1, tiêu chí 2 về phong cách nhà giáo thì GV không biết tìm minh chứng ở đâu để mình có thể đạt loại Tốt.

Rồi ở tiêu chuẩn 5, tiêu chí 14, Sử dụng ngoại ngữ và tiếng dân tộc thì GV chỉ dám chọn mức Đạt. Cuối cùng là nhiều thầy cô phấn đấu cả năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cũng chỉ đạt loại Khá.

Sau khi đánh giá xong chuẩn nghề nghiệp GV thì thầy cô tiếp tục đánh giá và phân loại viên chức. Nội dung GV tự đánh giá gồm kết quả thực hiện công việc; Việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp; Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần hợp tác đồng nghiệp, thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức; Thực hiện các nghĩa vụ khác của viên chức.

GV sẽ tự đánh giá, phân loại theo 4 mức là Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Cuối cùng là GV xếp loại thi đua cá nhân năm học.

Nói thì nhanh thế nhưng để hoàn thành, GV mất cả buổi vẫn chưa xong. Nhiều tiêu chí, GV không biết mình nằm ở mức nào cả. Rồi đánh giá đồng nghiệp mình ra sao nữa.

Bản thân tôi là một Tổ trưởng chuyên môn. Những ngày cuối năm, tôi thật sự “choáng” với đủ loại báo cáo của tổ. Từ báo cáo bồi dưỡng thường xuyên, báo cáo chương trình giảng dạy địa phương, báo cáo hoạt động trải nghiệm sáng tạo...

Chưa kể, sau khi GV đánh giá xong chuẩn nghề nghiệp thì nhiệm vụ của Tổ trưởng sẽ tổng hợp kết quả lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn rồi nhận xét điểm mạnh, điểm yếu từng thành viên trong tổ nữa. Nói chung là vất vả và mệt mỏi vô cùng. 

Thực ra, sau khi kết thúc năm học thì việc đánh giá những việc làm được rồi rút ra kinh nghiệm để năm sau thực hiện tốt hơn là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, ngành cũng nên tinh giản một số biểu mẫu không cần thiết để GV đỡ mệt mỏi.

Ví dụ như đánh giá chuẩn nghề nghiệp GV chi tiết, kĩ càng thế rồi cuối cùng cũng chẳng mang lại hiệu quả gì. Cuối cùng chỉ khổ GV và phần thiệt thòi đương nhiên lại thuộc về các em học sinh. Cuối năm học, thầy cô bận bịu đánh giá thì đâu còn thời gian mà ôn tập cho các em nữa.

Chẳng biết đến bao giờ, ngành Giáo dục mới bỏ bớt các thủ tục rườm rà khi đánh giá cuối năm học đây?

Loát Trần

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!