Nhiều thông điệp hành động của giáo dục với người khuyết tật

(Dân trí) - Ngày 6/5 tại TP Huế đã diễn ra Tuần lễ Toàn cầu hành động Giáo dục cho mọi người do Bộ GD-ĐT tổ chức với chủ đề “Giáo dục và khuyết tật” trên thông điệp chính “Người khuyết tật có quyền thụ hưởng một nền giáo dục chất lượng, thân thiện và bình đẳng”.

Hàng trăm trẻ em, người khuyết tật (NKT) tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã về dự trong một không khí vui tươi, phấn khởi và tràn đầy tinh thần giao lưu, học hỏi để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Nhiều tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” và các sản phẩm thủ công do chính tay các NKT đem đến biểu diễn, triển lãm tại ngày hội đã mang một sức sống mới rất đáng trân trọng.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho hay, hiện Nhà nước có chính sách cấp, miễn, giảm học phí, hỗ trợ học bổng cho NKT có khó khăn về kinh tế, không phân biệt đối xử NKT trong việc tiếp nhận vào trường học; NKT được cung cấp các phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập phù hợp với dạng tật, mức độ khuyết tật; ưu tiên trong tuyển sinh, nhập học…

Lễ phát động Tuần lễ Toàn cầu hành động giáo dục cho mọi người hướng về người khuyết tật tại Huế.
Lễ phát động Tuần lễ Toàn cầu hành động giáo dục cho mọi người hướng về người khuyết tật tại Huế.

“Hơn 1 thập kỷ qua, công tác giáo dục hòa nhập ở nước ta đã có những bước tiến đáng kể, số lượng trẻ khuyết tật tham gia học hòa nhập ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tăng, chất lượng giáo dục của NKT từng bước được nâng lên. Nhiều học sinh khuyết tật đã tự tin, không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên đạt thành tích cao trong học tập và nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, công tác giáo dục đối với NKT vẫn còn những khó khăn, thách thức về nhận thức và trách nhiệm của xã hội; về nguồn lực cho giáo dục đối với NKT (đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy học sinh khuyết tật; về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho NKT), về huy động các lực lượng xã hội tham gia hỗ trợ giáo dục với NKT… đã làm hạn chế hiệu quả của giáo dục hòa nhập và làm cản trở cơ hội tiếp cận các giáo dục của NKT” - Thứ trưởng Nghĩa cho biết.

Các học sinh khuyết tật vui vẻ đến dự hội.

Các học sinh khuyết tật vui vẻ đến dự hội.

Để làm được việc này, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, cần sự phối hợp liên ngành, sự tham gia của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, tổ chức trong và ngoài nước hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến NKT, cùng nhau phá bỏ rào cản trong giáo dục đối với NKT, giúp NKT hòa nhập vào cộng đồng toàn diện và bình đẳng.

Thông điệp của Tổng giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova cũng đã được gửi đến mọi người: “Trên thế giới hiện có khoảng hơn 1 tỷ NKT, họ có nhiều nguy cơ phải sống trong đói nghèo, ít có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Ở nhiều nước, NKT bị tách biệt khỏi hệ thống giáo dục và các cơ hội học tập suốt đời. Trẻ em khuyết tật ít có khả năng hoàn thành bậc tiểu học và còn nhiều em bị khước từ các cơ hội được giáo dục.

Trong Tuần lễ toàn cầu hành động giáo dục cho mọi người 2014, chúng tôi kêu gọi ủng hộ quyền được giáo dục của NKT với tư cách là quyền cơ bản. Không ai bị khước từ các cơ hội tiếp cận giáo dục vì lý do khuyết tật. Đây là ưu tiên hàng đầu của UNESCO. Điều đó có nghĩa là: Cần phải đổi mới các trường học và các trung tâm giáo dục; Cần phải điều chỉnh các hoạt động dạy học để đáp ứng mọi nhu cầu của người học”.

Các học sinh khuyết tật vui vẻ đến dự hội.

Một tiết mục văn nghệ do các học sinh tiểu học bình thường phục vụ các bạn bị khuyết tật đang ngồi dưới xem.
Một bức tranh cảm động của HS khuyết tật.

Một bức tranh cảm động của HS khuyết tật.
Sản phẩm tranh sơn mài và bộ bàn ghế sơn mài do người khuyết tật Huế làm.
 
Sản phẩm tranh sơn mài và bộ bàn ghế sơn mài do người khuyết tật Huế làm.

Sản phẩm tranh sơn mài và bộ bàn ghế sơn mài do người khuyết tật Huế làm.
Túi để đồ hình ếch dễ thương do lớp khuyết tật trường Tiểu học Vĩnh Ninh làm.
Túi để đồ hình ếch dễ thương do lớp khuyết tật trường Tiểu học Vĩnh Ninh làm.
Mứt trái cây của người khuyết tật đem đến giới thiệu và bán tại ngày hội

Mứt trái cây của người khuyết tật đem đến giới thiệu và bán tại ngày hội. Rất nhiều sản phẩm đã được người xem thán phục vì sức lao động chăm chỉ, sáng tạo của người khuyết tật.
 

“Tại sao chúng ta không thể dừng lại một phút giữa những hối hả đời thường để giúp những người đang phải vật lộn với một việc tưởng chừng là đơn giản như di chuyển? Tại sao chúng ta không tìm cách giúp họ có thể sống một cách độc lập hơn như cách mà tất cả chúng ta đang sống? Tại sao chúng ta không cho mình cơ hội hiểu những ý tưởng, kỹ năng, tài năng, tri thức, và cảm hứng mà những con người đáng quý đó muốn được chia sẻ? Tại sao không tạo ra những điều kiện tốt hơn giúp họ được học hành đến nơi đến chốn để có thể thành đạt? Tại sao không chú trọng tới những khả năng của họ thay chỉ vì để ý đến khuyết tật của họ?

Tôi cũng đang nghĩ có bao nhiêu người có xu hướng coi người khuyết tật như những người xa lạ, và mặc định khuyết tật là yếu tố bẩm sinh. Liệu chúng ta có nghĩ rằng khuyết tật có thể xảy ra đối với người sinh ra khỏe mạnh và đã có một cuộc sống bình thường trong nhiều năm? Như việc mất tay hay chân do tai nạn gây ra có thể gây ra những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới thể chất, tâm sinh lý và đời sống kinh tế của người đó. Điều này có thể xảy ra với bất kỳ ai, vào bất kỳ lúc nào.

Chúng ta cũng nên coi rằng, như một quy luật tất yếu của cuộc sống, mọi người đều già đi, đều có thể bị điếc, mù lòa hoặc gặp khó khăn trong việc đi lại, và bởi vậy có những nhu cầu đặc biệt. Đảm bảo quyền và cơ sở vật chất bình đẳng là nhu cầu thiết yếu cho sự phát triển của nhân loại, chứ không phải là một đặc ân” - trích lời phát biểu đầy cảm động về người khuyết tật của bà Katherine Muller-Marin, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam


Đại Dương