Thanh Hóa:

Nhiều học sinh tiểu học “kêu cứu” vì không được học tiếng Anh

(Dân trí) - Không có đủ giáo viên, nhiều năm qua hơn chục trường tiểu học trên địa bàn huyện Nông Cống (Thanh Hóa) học sinh không được học tiếng Anh. Dù có nơi nhu cầu của phụ huynh được đóng tiền thuê giáo viên hợp đồng về dạy cho con em họ cũng bị cấm. Thực trạng này đã khiến phụ huynh và học sinh vô cùng lo lắng.

Giáo viên tiếng Anh về cho trường đạt chuẩn rồi đi

Theo phản ánh của rất nhiều phụ huynh có con đang theo học ở các Trường Tiểu học Công Bình, Công Chính, Công Liêm (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) thì dù ở miền xuôi và giữa thời đại 4.0 thế nhưng từ xưa đến nay học sinh không được học tiếng Anh. Đặc biệt là cùng trong huyện nhưng có trường được học có trường không được. Trường nào muốn chuẩn thì được một giáo viên ở nơi khác tăng cường về dạy được ít hôm rồi lại đi.

“Đứa con đầu của tôi khi học ở cấp tiểu học đã không được tiếp cận tiếng Anh, lên cấp 2 mới học nên lực học của cháu rất yếu. Tiếng Anh mà không có gốc thì làm sao mà học được. Trong khi đó, môn này lại là môn quy định bắt buộc thi để lên cấp 3. Bây giờ, đứa thứ hai đi học cũng vẫn không có giáo viên tiếng Anh khiến chúng tôi vô cùng lo lắng” - một phụ huynh có con học trường Tiểu học Công Bình cho biết.

Trường Tiểu học Yên Mỹ năm nào cũng có tờ trình xin giáo viên tiếng Anh.
Trường Tiểu học Yên Mỹ năm nào cũng có tờ trình xin giáo viên tiếng Anh.

Một phụ huynh khác có con học tại Trường Tiểu học Yên Mỹ nói: “Mấy năm nay, năm nào chúng tôi cũng đề nghị nhà trường xin giáo viên tiếng Anh về dạy, nếu không xin được thì nhà trường đứng ra hợp đồng rồi phụ huynh chúng tôi bỏ tiền ra đóng. Thế nhưng, nhà trường bảo nếu làm thế là sai quy định, Phòng Giáo dục không cho”.

Cũng theo phụ huynh thì dù là nguyên nhân gì đi chăng nữa thì việc con em họ đang chịu thiệt thòi như thế này là không thể chấp nhận được. Mong muốn của phụ huynh là cần có giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Theo thầy giáo Trần Thế Định, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Công Bình thì từ xưa đến nay nhà trường không có giáo viên tiếng Anh. “Vẫn biết rằng giữa miền xuôi và giữa thời đại này, việc học sinh không được học tiếng Anh là vô cùng thiệt thòi nhưng chúng tôi cũng không biết làm sao cả. Năm nào nhà trường cũng có ý kiến lên huyện để xin nhưng huyện cũng không có chỉ tiêu được tuyển”.

Cũng theo thầy Định thì năm học 2017-2018, để được công nhận trường chuẩn giai đoạn 1, Phòng có điều động một giáo viên ở nơi khác về dạy liên trường một thời gian ngắn. Sau đó, trường được công nhận chuẩn xong thì cô giáo lại phải đi tăng cường nơi khác.


Tại hơn chục trường tiểu học trên địa bàn huyện Nông Cống (Thanh Hóa), học sinh vẫn chưa được học tiếng Anh.

Tại hơn chục trường tiểu học trên địa bàn huyện Nông Cống (Thanh Hóa), học sinh vẫn chưa được học tiếng Anh.

Còn theo thầy Vũ Xuân Tin, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Mỹ thì: “Nhu cầu học sinh mong muốn được học tiếng Anh ở đây là rất lớn. Nhiều lần, phụ huynh đến đề nghị nhà trường hợp đồng giáo viên về dạy rồi họ đóng tiền nhưng do quy định không được nên chúng tôi không dám chấp nhận”.

Học sinh hơn chục trường tiểu học không được học tiếng Anh

Được biết, toàn huyện Nông Cống có 67 giáo viên tiếng Anh. Số giáo viên này chủ yếu bố trí ở các trường THPT, THCS và bổ túc, còn riêng đối với khối tiểu học thì toàn huyện có 35 trường Tiểu học thế nhưng chỉ mới bố trí được 24 trường học sinh được học tiếng Anh còn lại 11 trường vẫn chưa có giáo viên tiếng Anh.

Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nông Cống xác nhận tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh trầm trọng ở cấp tiểu học trên địa bàn.

“Do tinh giản biên chế, Nhà nước không cho tuyển dụng nên mới có tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh là như vậy. Do cấp tiếng Anh là môn bắt buộc thi vào cấp 3 nên chúng tôi phải ưu tiên cấp 2 phải đủ giáo viên tiếng Anh.

“Hiện trên địa bàn chỉ còn 1 trường tiểu học chưa chuẩn giai đoạn 1 nhưng các trường đạt chuẩn phải làm phương án đưa giáo viên tiếng Anh về tăng cường để cho trường đạt chuẩn rồi lại phải đi tăng cường ở trường khác. Biết làm như thế là không đúng nhưng chúng tôi cũng không còn cách nào khác”.

“Sau nhiều lần làm tờ trình xin giáo viên tiếng Anh thì tỉnh cho huyện tuyển dụng 8 giáo viên. Dù vẫn đang thiếu nhưng chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục bằng cách cho các giáo viên dạy liên trường” - ông Bình cho biết thêm.

Được biết, trong toàn tỉnh Thanh Hóa, năm học 2017-2018 thiếu 258 giáo viên tiếng Anh, trong đó hầu hết là các huyện miền núi, ngoài ra còn một số huyện miền xuôi như Quảng Xương, Hoằng Hóa.

Nguyễn Thùy