Nhiều giáo viên ngoại ngữ vẫn dạy bằng tiếng mẹ đẻ

(Dân trí) - Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo khoa học giảng dạy ngoại ngữ cho sinh viên khối Kinh tế - kinh doanh do Trường ĐH Kinh tế Quốc dân vừa tổ chức.

Giảng viên thiếu tự tin khi giao tiếp với người nước ngoài

Tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (KTQD), 100% giảng viên của bộ môn ngoại ngữ đều được đào tạo từ các cơ sở chuyên ngữ và có trình độ từ thạc sỹ trở lên. 96% giảng viên của bộ môn đều đạt chuẩn năng lực giảng viên tương đương trình độ C1, C2 theo khung chiếu châu Âu.

Tuy nhiên, nhận định về thực trạng năng lực tiếng Anh của giáo viên Trường ĐH KTQD, Thạc sĩ Trần Thị Thu Giang và Thạc sỹ Lê Thị Ngọc Diệp - Trường ĐH KTQD cho biết: Đại đa số các giảng viên đều được đào tạo trong nước. Trong quá trình công tác và giảng dạy, ngoài một số giảng viên tham gia các chương trình liên kết đào tạo có cơ hội tiếp xúc với người bản ngữ, hầu hết giảng viên của bộ môn ngoại ngữ không chuyên không có nhiều cơ hội tiếp xúc với người bản ngữ.

Thêm vào đó, với một khối lượng giờ giảng lớn và đối tượng giảng dạy là sinh viên khối không chuyên ngữ với trình độ thấp, họ không có thời gian và động lực để rèn luyện, nâng cao trình độ của bản thân. Do vậy, năng lực ngoại ngữ của giáo viên ngày càng bị hạn chế, nhất là khả năng nghe - nói, khiến họ trở nên thiếu tự tin trong việc giao tiếp với người nước ngoài. Trong các giờ lên lớp, vẫn có một bộ phận giảng viên chủ yếu sử dụng tiếng mẹ đẻ để giảng dạy các kiến thức ngữ pháp, từ vựng và một phần kĩ năng cho sinh viên.

Cũng theo nhận định của 2 thạc sỹ trên, giảng viên đã yếu về năng lực còn đối với sinh viên thời lượng dành cho môn ngoại ngữ trong khung chương trình đào tạo bị khống chế ở mức tối thiểu như hiện nay là 9 tín chỉ và chuẩn đầu ra phải đạt trình độ tương đương B1 theo khung tham chiếu châu Âu nên sinh viên phải học bổ sung kiến thức và kỹ năng rất nhiều thì mới đạt chuẩn.

Còn tại trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Thạc sĩ Trần Thị Phỉ cho hay, giảng viên trong Ban Ngoại ngữ của trường hiện có 41 người trong đó 32 giảng viên có trình độ thạc sỹ còn lại là cử nhân. Mặc dù Bộ GD-ĐT có chính sách bồi dưỡng cho giảng viên học theo Đề án 911 đào tạo giảng viên có trình độ tiến sỹ ở nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của giảng viên. Một số giảng viên trẻ có nhu cầu học nhưng chưa được duyệt.

Muốn giỏi ngoại ngữ cần phải mạnh dạn, tự tin và chịu học.

Muốn giỏi ngoại ngữ cần phải mạnh dạn, tự tin và chịu học.

Đào tạo lại giáo viên ngoại ngữ

Với Đề án Ngoại ngữ đến năm 2020, động thái rà soát, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên tiếng Anh đã giúp giáo viên ý thức hơn nữa việc học tập nâng cao trình độ. Tuy nhiên, cách thực hiện như hiện nay đã gây áp lực lớn cho đội ngũ giảng viên vì bao nhiêu năm đứng lớp, chưa được hỗ trợ cho việc học tập nâng cao trình độ, Bộ cũng chưa đưa ra lộ trình đạt chuẩn.

Trong khi đó, hiện nay nhiều nhà tuyển dụng quan tâm chủ yếu đến năng lực sử dụng ngoại ngữ thực sự, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, thuyết trình và soạn thảo văn bản hơn là bằng cấp chứng chỉ.

Thạc sĩ Trần Thị Thu Giang, Trường ĐH KTQD cho biết, khoa ngoại ngữ đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về phương pháp giảng dạy và các buổi nói chuyện với giảng viên người bản ngữ. Tuy nhiên, môi trường ngôn ngữ kiểu này cũng chỉ người Việt sử dụng tiếng Anh.

“Cơ quan quản lý nên chú trọng đào tạo lại giáo viên ngoại ngữ bằng các khóa tập huấn ngắn hạn quốc tế trong nước và nước ngoài, đặc biệt là các nước nói tiếng Anh. Bên cạnh đó, tăng thời lượng học tiếng Anh chính khóa cho sinh viên” - Thạc sỹ Giang kiến nghị.

Thạc sĩ Trần Thị Phỉ mong muốn, Bộ GD-ĐT nên đặt chuẩn đầu ra đối với các trường ĐH Sư phạm. Trong thời gian đào tạo, sinh viên cần phải có một khoảng thời gian ngắn (3 tháng hay 1 năm) ở nước nói tiếng Anh.

Giáo viên Trần Thị Phỉ cho rằng: “Giáo viên không thể phát triển nghề nghiệp của mình mà không có mức và sự hỗ trợ có hệ thống, khoa học của Bộ GD-ĐT. Cần có chính sách phát triển đội ngũ giảng viên dạy ngoại ngữ. Nên thường xuyên tổ chức tập huấn giáo viên về các chứng chỉ quốc tế, trên nền tảng hỗ trợ khuyến khích nâng cao trình độ hơn là đánh giá”.

Hồng Hạnh