Bạn đọc viết:

“Nhẫn tâm” một chút mới là bố mẹ tốt!

(Dân trí) - Yêu thương con và khao khát dành mọi thứ tốt đẹp nhất cho con trẻ là ước vọng chính đáng. Nhưng bạn có đồng ý với quan điểm của tôi: nhẫn tâm một chút mới là người bố, người mẹ tốt?

Bài viết “Mạnh dạn buông tay để con được trưởng thành” của bạn Loát Trần có lẽ là nỗi lòng chung của không ít bố mẹ Việt hiện nay. Yêu thương con và bao bọc con trẻ quá mức đang là “bệnh” chung của nhiều bậc sinh thành.

Tôi nhớ dấu mốc về ngày đầu tiên đi học của cháu gái tôi năm 3 tuổi là tối hôm ấy cháu tự mình cầm nguyên hộp sữa tươi và hút sạch. Trước giờ mẹ cháu toàn chạy theo con dỗ dành uống từng chút sữa đút bằng… muỗng.

Còn người em họ hàng của tôi luôn nhắc về “vạch son” rạng rỡ sau ngày đầu tiên đưa con đến trường mầm non là cháu bé tự mình chạy ào vào nhà vệ sinh mà không réo gọi mẹ như mọi lần.

Đó là những đứa trẻ bỗng lớn khôn, trưởng thành đến không ngờ khi rời vòng tay mẹ. Quen được nuông chiều đến tận răng, các con lười biếng đến mức xa lạ với những kỹ năng cơ bản, tối thiểu nhất mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần được trang bị: ăn uống, tiêu tiểu.

Đó là những người mẹ thương con đến mức mù quáng, chăm con từng ly từng tý và “úm” gọn con trẻ trong vòng tay chiều chuộng không giới hạn. Yêu thương con và khao khát dành mọi thứ tốt đẹp nhất cho con trẻ là ước vọng chính đáng. Nhưng bạn có đồng ý với quan điểm của tôi: nhẫn tâm một chút mới là người bố, người mẹ tốt?

Có những gia đình xem đứa con trong nhà như “ông hoàng”, “bà chúa” và cưng chiều hết mực. Hệ quả tất yếu là đứa trẻ tự cho mình cái đặc quyền được phục vụ, được hưởng thụ mà quên mất rằng con cái phải có bổn phận hiếu thảo, quan tâm ngược lại đến bố mẹ. Vậy nên chúng ta thường xuyên nghe nhiều gia đình ca thán rằng “sao bọn trẻ giờ thờ ơ với mọi thứ?”.

Có những gia đình khá giả muốn con được đủ đầy nên sẵn sàng vung tiền mua sắm áo quần, đồ chơi đắt tiền mà quên mất rằng đứa trẻ phải được rèn bài học tiết kiệm, giản dị thuở tấm bé. Có như vậy khi lớn lên con trẻ mới biết quý sức lao động của bố mẹ, trân trọng giá trị của đồng tiền để chi tiêu hợp lý.

Có những gia đình thay con tự quyết mọi chuyện từ lớn đến bé xíu xiu. Hôm nay con ăn gì, tối đi chơi mặc gì, kết bạn với ai, học thêm ở đâu… Dần dà đứa trẻ dường như mất sạch chính kiến bản thân. Con lớn lên và cuộc đời của con được bố mẹ “thiết kế” riêng, không ý kiến, chẳng buồn phản biện.

Có những gia đình cực kỳ tréo ngoe trong phân công công việc giữa các thành viên. Bố mẹ bận tối mắt tối mũi lao động kiếm tiền lại còn phải ôm đồm tất tần tật việc nhà. Hỏi sao không san sẻ việc nhà cho bọn trẻ, họ gạt phắt đi “nó còn bận học”, “nó không quen tay, mình làm vẫn hơn”… Và những đứa trẻ lớn lên thảnh thơi, vô tư đến vô tâm với sự vất vả của bố mẹ.

Có những gia đình mà bố mẹ sẵn sàng làm “trực thăng” vờn quanh con quanh năm suốt tháng. Con không ăn, mẹ dỗ dành đút. Con tranh giành đồ chơi cùng bạn, bố quát ầm lên mắng con người ta. Cấp ba lớn tồng ngồng vẫn ngồi sau xe bố mẹ đưa rước… “Búp bê trong tủ kính”, thế hệ “gà công nghiệp” từ đây sản sinh ra nhiều vô kể.

Trong vô số mảnh ghép tạo thành bức tranh gia đình hiện đại kể trên, tôi ước sao bậc sinh thành được tiêm chút “vắc-xin” nhẫn tâm. Tại sao và để làm gì ư?

Nhẫn tâm một chút để mặc con đói thêm tí nữa. Bọn trẻ biết cầm muỗng múc thức ăn, tự thay tấm áo bị bẩn, tự gấp chăn sau khi thức dậy…

Nhẫn tâm một chút để con biết quý trọng công sức và tấm lòng của bố mẹ. Thiếu thốn một chút trong ăn mặc không làm con trẻ đó bất hạnh lắm đâu! Thiếu hụt một vài món đồ chơi không khiến con trẻ rơi vào bi kịch lắm đâu!

Nhẫn tâm một chút để con trẻ tự quyết định những việc trong khả năng. Hôm nay con thích mặc cái áo này, ngày mai con muốn ăn món kia… Dẫu có lúc quyết định của con sai lầm, đi chệch hướng đi chăng nữa thì việc của bố mẹ đơn giản là đồng hành, định hướng, giúp đỡ con sửa chữa sai sót.

Nhẫn tâm một chút để bắt con phụ việc nhà. Nhặt bó rau giúp mẹ, lau cái bàn giúp bố, bàn học của con thì con tự dọn dẹp, áo quần giặt xong thì gấp… Đó là những kỹ năng sống cơ bản mà con cần được học, được thực hành ngay trong gia đình mình. Và đó cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để kết nối tình cảm gia đình, gắn kết các thành viên!

Nhẫn tâm một chút để “búp bê” bước ra khỏi “tủ kính”, biết tự phục vụ bản thân bằng những kỹ năng mềm, để “gà công nghiệp” nhìn thấy giọt mồ hôi trên trán mẹ cha, đôi chân thấp khớp của ông bà mà sẻ chia và đỡ đần…

Vâng, thêm một chút nhẫn tâm trong phương pháp nuôi dạy trẻ để trở thành bố mẹ tốt, tại sao không?                

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!