Nhân lực vào thời cạnh tranh sống còn

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập vào cuối năm 2015. Khi đó, những rào cản về di cư lao động được gỡ bỏ, tính cạnh tranh cao hơn và cơ hội không chia đều cho tất cả... Vậy điều gì đang chờ đợi người lao động Việt Nam?

 


Nhân lực vào thời cạnh tranh sống còn


Ngành du lịch đang có tới bốn bộ tiêu chuẩn nghề, nhưng chất lượng nhân lực vẫn bị đánh giá là "thiếu kỹ năng".

Đếm ngược 365 ngày

Vừa kết thúc chuyến đưa một đoàn khách nước ngoài đi tham quan Sa Pa trở về Hà Nội, nhưng Trần Thị Thúy Hằng vẫn tràn đầy năng lượng. Nếu nhìn vào lịch làm việc chủ yếu là di chuyển của cô, người yếu sức hẳn phải choáng. Nhưng với Hằng, vừa tốt nghiệp, được làm hướng dẫn viên du lịch đúng như mơ ước từ bé của mình, thì đó là sự khởi đầu may mắn.

Tại Trường cao đẳng du lịch Hà Nội, Hằng được dạy các kỹ năng cần có của một hướng dẫn viên du lịch, từ cách mỉm cười với khách tới các việc một hướng dẫn viên phải làm trong suốt lịch trình, thậm chí là một số tình huống sơ cứu khi khách có vấn đề về sức khỏe... Tuy vậy, sau ba năm đi làm, Hằng nhận ra điểm yếu của mình, nên rất ý thức học hỏi để tiếp tục nâng cao trình độ giao tiếp tiếng Anh. "Với loại hình công việc này, ngoại ngữ không tốt thì rất khó phát triển được sự nghiệp", Hằng khẳng định. Cô cũng lo ngại, tới đây, có thể nhiều hướng dẫn viên du lịch nước ngoài kỹ năng giỏi, ngoại ngữ tốt sẽ có cơ hội "nộp hồ sơ" vào những vị trí như Hằng đang làm.

"Tới đây", theo cách nói của Hằng là thời điểm cộng đồng kinh tế AEC được thành lập và theo đó, lao động ngành du lịch là một trong tám ngành nghề được tự do di chuyển giữa các nước trong khối, dựa trên việc thừa nhận trình độ lẫn nhau. Như vậy, không chỉ lao động trong ngành du lịch như Hằng mới gặp áp lực cạnh tranh lớn. Nhân lực trong bảy ngành còn lại như ngành y, nha khoa, kế toán, kiến trúc, kỹ sư, y tá, điều tra viên, đều sẽ phải củng cố khả năng ngoại ngữ cũng như có được bằng cấp, chứng chỉ được các nước trong AEC thừa nhận chung. Chỉ như vậy, họ mới có thể cạnh tranh được ở thị trường trong nước, hoặc tìm cơ hội cho mình ở những thị trường mới mẻ nội khối.

Có điều, dường như những thông tin về AEC dù được xuất hiện ngày một dày trên các phương tiện truyền thông, nhưng với người lao động, thậm chí ngay cả các cơ quan chức năng, dường như vẫn là chuyện xa vời. Thí dụ, trong ngành du lịch, đang có tới bốn bộ tiêu chuẩn nghề nhưng chất lượng nhân lực vẫn bị chính các doanh nghiệp trong nhà than là "thiếu kỹ năng và kém ngoại ngữ". Nghịch lý nữa, chính các cơ quan chức năng cũng chưa biết bộ nào là chuẩn trong cả bốn bộ song song tồn tại kia? Ông Phạm Hà, Tổng Giám đốc Công ty Luxury Travel cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp du lịch lữ hành đang thiếu hụt trầm trọng đội ngũ quản lý bậc trung. Khi thị trường lao động mở cửa với ngành này, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn nhân lực hơn. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa, lao động trong nước sẽ có ít cơ hội hơn nếu trình độ ngoại ngữ, kỹ năng chuyên môn không được cải thiện nhanh.

Dẫu vậy, so sánh mặt bằng chung, ngành du lịch dù sao cũng còn có bước chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho việc hội nhập thị trường lao động chung, ít nhất là từ công việc thống nhất chuẩn đào tạo. Cách đây bảy năm, từ năm 2007, một bộ tiêu chuẩn 13 nghề trong ngành du lịch (VTOS) đã được xây dựng dưới sự giúp đỡ của Liên hiệp châu Âu. Sau đó, Bộ Tiêu chuẩn nghề này đã được phổ biến, áp dụng rộng rãi trong các trường đào tạo và các doanh nghiệp. Các Trung tâm kiểm định nghề du lịch cũng được thành lập để kiểm định và cấp chứng chỉ cho những người đủ kỹ năng, vượt qua được bài kiểm tra về tiêu chuẩn kỹ năng nghề.

Hướng dẫn viên Trần Thị Thúy Hằng trong câu chuyện nói trên cũng chia sẻ, những gì được đào tạo tại trường và tập huấn hằng năm ở công ty theo tiêu chuẩn VTOS đã giúp cô có được hành trang khá kỹ lưỡng và cảm thấy tự tin hơn khi bước vào cuộc chơi chung AEC. 365 ngày tới với Hằng sẽ là bước tăng tốc học hỏi, tích lũy kiến thức. Nếu ước mơ từ thời thơ trẻ được thỏa nguyện cho Hằng bước khởi đầu thuận lợi, thì lúc này cô lại mơ tiếp đến một ngày được tự hào là nữ hướng dẫn viên du lịch Việt Nam thành công ở nước ngoài - tại sao không?

Tin vào cơ hội lớn

Mới đây, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hợp tác nghiên cứu và đưa ra dự báo, tới năm 2025, việc gia nhập AEC sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng kinh tế và tạo ra hàng triệu việc làm mới cho Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng việc làm dự kiến đạt khoảng 10,5%/năm. Tuy nhiên, ông Y.Ura-mô-tô, Phó Tổng Giám đốc và Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ILO cũng đưa ra cảnh báo: Tuy nhu cầu việc làm tay nghề trung bình sẽ tăng nhanh ở mức 28%, nhưng những cơ hội đó không dành cho lao động thiếu kỹ năng và kinh nghiệm.

Cảnh báo của ông Ura-mô-tô rất đáng chú ý khi nước ta chỉ có chưa đầy 50% số người trong độ tuổi lao động có chuyên môn kỹ thuật. Trong số đó, có tới 15,6 triệu người là công nhân, nhưng không có chứng chỉ hoặc bằng cấp. Số công nhân có chứng chỉ và bằng cấp chỉ chiếm 18,4%. Ấy là chưa kể tới chất lượng đào tạo của những người đã có chứng chỉ, bằng cấp nhưng không biết có đáp ứng nhu cầu sử dụng hay không. Ở góc độ của mình, ông G.Gi-ra-ki, Giám đốc văn phòng ILO tại Việt Nam, cũng quan ngại: "Việt Nam có cơ hội từ nguồn lao động trẻ và dồi dào, nhưng đáng tiếc trình độ kỹ năng và chuyên môn thấp khiến cho người lao động khó nắm bắt cơ hội này".

Đó là cách nhìn nhận của các tổ chức quốc tế. Nhưng soi lại thực tế trong nước, cũng không khỏi e ngại. Nhìn rộng ra, câu chuyện AEC sẽ tác động không chỉ với tám ngành nói trên. Theo lộ trình, sẽ còn nhiều ngành nữa được nới lỏng các rào cản di chuyển lao động trong khối. Những lao động từ các ngành này cho dù đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng nếu muốn dịch chuyển sang nước khác làm việc, thậm chí là tham gia tuyển dụng vào các doanh nghiệp ngay trên thị trường lao động nội địa, sẽ phải tham gia kiểm tra trình độ và cấp chứng chỉ được các nước trong AEC thừa nhận, thông qua Hội đồng cấp chứng chỉ quốc gia. Nhưng dường như, đến lúc này, ngoài ngành du lịch có nhúc nhích, những ngành khác hầu như chưa có sự chuẩn bị gì cho người lao động và bản thân người lao động cũng chưa biết mình cần làm những gì để có được các chứng nhận trình độ chung trong AEC.

Như vậy, làm cách nào để cải thiện kỹ năng làm việc và trình độ ngoại ngữ của người lao động là câu hỏi đặt ra bấy lâu nhưng thực chất chưa cải thiện được là bao.

Đã có nhiều giải pháp được đưa ra, ở tầm vĩ mô đó là việc ban hành Luật Giáo dục nghề nghiệp và hợp nhất hệ thống giáo dục nghề nghiệp vốn đang bị chia rẽ quản lý bởi hai Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau đó là việc áp dụng các Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia được xây dựng cụ thể cho từng công việc để đào tạo người lao động, kiểm soát đầu ra của đào tạo để cấp văn bằng chứng chỉ. Người lao động có những văn bằng chứng chỉ này sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn để được thừa nhận chung trong AEC.

Kể từ năm 2015, câu chuyện về nhân lực và việc làm sẽ có thêm sức nóng từ những sống còn trong cuộc cạnh tranh với những lao động của các nước khác trong cùng khu vực. Nếu như những nỗ lực vĩ mô được triển khai bằng sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý đi cùng ý thức từ chính người lao động, tin rằng, lao động Việt Nam có thể vươn lên vị trí cao hơn trong bảng đánh giá năng lực của khu vực. Bởi ngay cả một số doanh nghiệp tìm kiếm nguồn lao động giá rẻ, khi đầu tư vào thị trường Việt Nam, cũng đã thừa nhận năng lực, sự thông minh nhanh nhạy của người lao động Việt Nam. Chúng ta cũng giành hàng loạt giải thưởng lớn quốc tế ở những hội thi tay nghề... Sẽ không phải là những con số tăng trưởng trên giấy, nếu cùng với năm mới đến, những nỗ lực được khai thông.

Tăng cường đào tạo và đào tạo thực chất hơn là giải pháp không thể thiếu để giúp người lao động Việt Nam nắm bắt được cơ hội trên sân chơi thị trường lao động quốc tế ngày một rộng lớn.

(Theo Lê Phượng/ Nhân Dân)