Nhà giáo nào cũng phải học tập suốt đời

(Dân trí)-Việc nhà giáo tham gia xây dựng xã hội học tập là điều cần thiết. Tuy nhiên để thực hiện tốt cần có sự hiểu biết sâu sắc kết hợp với các chính sách phù hợp. GS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội khuyến học VN đã có những chia sẻ quanh vấn đề này.

Thưa giáo sư, việc phát triển xã hội học tập (XHHT) thì rất cần sự tham gia của đội ngũ các nhà giáo. Tuy nhiên, khi họ tham gia lại chưa nhận được sự quan tâm của Nhà nước cũng như xã hội. GS có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

GS Phạm Tất Dong: Tại chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, Đảng khẳng định đây là sự nghiệp của toàn dân và tất nhiên là có cả giáo viên.

Song, cho đến nay, ngành Giáo dục chưa có văn bản nào nói đến nhiệm vụ cụ thể của giáo viên các ngành học, bậc học đối với việc xây dựng XHHT. Do vậy, trong nhiệm vụ các năm học nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT chưa nêu những tiêu chí xây dựng XHHT, do vậy, giáo viên chưa biết được ở cấp học mà minh giảng dạy, mình phải làm gì để góp phần xây dựng XHHT.
GS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam

GS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam

Nhiều nhà giáo cảm thấy trình độ chuyện môn, trình độ vi tính và ngoại ngữ của mình còn hạn chế, điều kiện trang thiết bị cho trường học chưa được cải thiện, tiền lương cho giáo viên khá thấp, do vậy, họ cho rằng, làm thêm những nhiệm vụ cụ thể để xây dựng XHHT sẽ khó có thể làm tốt được… Đây là những khó khăn, những thách thức mà nhà giáo phải đối diện khi họ được giao nhiệm vụ cụ thể đối với việc xây dựng XHHT.

Theo quan điểm của tôi, nếu nói Nhà nước và xã hội chưa thật sư quan tâm đến điều kiện làm việc và sinh sống của giáo viên hiện nay thì đúng, còn chưa quan tâm đến sự tham gia của giáo viên khi nhà giáo tham gia xây dựng XHHT thì chưa chính xác, bởi hiện nay có văn bản nào yêu cầu nhà giáo tham gia xây dựng XHHT đâu.

Để các nhà giáo tham gia xây dựng XHHT thì cần có những chính sách đi kèm. Tuy nhiên điều này lại vượt quá khả năng của Hội Khuyến học Việt Nam. Theo GS, chúng ta cần phải hành động như thế nào để giải quyết vấn đề này?

GS Phạm Tất Dong: Hội Khuyến học Việt Nam là một tổ chức xã hội (tổ chức phi Chính phủ), không có chức năng hoạch định chính sách chứ không phải là việc xây dựng chính sách vượt quá sức của Hội.

Hội tham gia giải quyết vấn đề này chỉ ở mức độ tham mưu mà thôi. Sắp tới, Hội đề xuất với Ban chỉ đạo Quốc gia xây dựng XHHT những tiêu chí phát triển các thiết bị giáo dục, các mô hình học tập cũng như các mô hình khuyến học, khuyến tài cần có trong XHHT; và tất nhiên, Hội sẽ tư vấn cho nhà nước những chính sách cần thiết, trong đó có chính sách giáo viên. Đó chính là việc làm đúng chức năng của Hội Khuyến học Việt Nam.

Việc xây dựng XHHT cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GD-ĐT và Hội Khuyến học Việt Nam. Hiện nay công việc này đã được triển khai như thế nào? Có rào cản nào khiến cho việc xây dựng gặp khó khăn hay không?

GS Phạm Tất Dong: Sự phối hợp giữa Bộ GD-ĐT và Hội, về cơ bản, là tốt. Hội thảo ở Văn Miếu - Quốc Tử giám bàn về “Vai trò và vị trí của nhà giáo trong xã hội học tập” ngày 15/11 vừa qua là một minh chứng. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành này, đôi khi sự phối hợp giữa hai bên chưa thật sự “ăn ý”. Thật ra, ngay cả việc phối hợp với các cơ quan của Bộ GD-ĐT cũng như trong các tổ chức khác, Hội còn có lúc phối hợp chưa thật thật nhịp nhàng, huống chi lại là sự phối hợp giữa một tổ chức Chính phủ với một tổ chức phi Chính phủ ở cấp Trung ương.

Mặc dù vậy, tôi xin khẳng định, Bộ GD-ĐT vẫn đang cùng Hội Khuyến học Việt Nam đồng hành trong sự nghiệp xây dựng XHHT.

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, GS có chia sẻ gì với các thầy cô trong cả nước? Điều GS muốn nhắn nhủ với những người đang âm thầm xây dựng XHHT và vận động nhân dân học tập suốt đời?

GS Phạm Tất Dong: XHHT đặt ra vấn đề “Ai cũng học tập” và “Ai cũng học tập suốt đời”. Nhà giáo muốn phát huy hết năng lực của mình vào sự nghiệp xây dựng XHHT thì “Nhà giáo cũng học tập” và “Nhà giáo nào cũng phải học tập suốt đời”. Ta học suốt đời thì ta mới đủ sức tham gia giảng dạy suốt đời.

Nghề dạy học, có chế độ nghỉ hưu, còn dạy học thì là việc làm của những ai muốn chia sẻ tri thức và kỹ năng với người học. Việc làm ấy không phân biệt lứa tuổi, trình độ, lĩnh vực chuyên môn, nghĩa là thầy, cô giáo dạy môn học nào, dạy ở cấp học nào, đã hưởng chế độ hưu trí chưa,… đều đủ điều kiện tham gia dạy học.

Dạy học là việc làm suốt đời của nhà giáo. Khổng Tử đã nói: “Dạy không chán”. Nhà giáo mà chán dạy thì không thể tham gia xây dựng XHHT được.

S.H (thực hiện)

Dòng sự kiện: 30 năm Ngày Nhà giáo VN