Kon Tum:

Người thầy nặng lòng với giáo dục vùng cao

(Dân trí) - Gần 13 năm bám trường bám bản, thầy Hoàng Văn Hoàn vẫn thường xuyên băng rừng, vượt suối gõ cửa từng nhà vận động học sinh đến lớp. Những cú trượt ngã chấn thương là chuyện xảy ra thường xuyên với thầy mỗi khi mùa mưa đến.

“Bén duyên” với giáo dục vùng cao

Men theo con đường mòn trên núi, đoàn chúng tôi xuyên qua những màn sương sớm để đến thăm trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ngọk Tem (xã Ngọk Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Ngôi trường hiện ra với màu gạch úa vàng theo thời gian. Dưới sân trường thầy Hoàng Văn Hoàn - Tổng phụ trách đội của trường cùng các em học sinh ôn luyện lại những nghi thức của Đội viên.

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Hoàn bộc bạch, thầy sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Nam Định. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 2000 một mình thầy đã vào Kon Tum sinh sống và làm việc. Những ngày đầu vào mảnh đất Tây Nguyên khô cằn, ai thuê gì thầy đều nhận làm để có tiền gửi về quê cho bố mẹ trang trải cuộc sống. Sau một thời gian, khi đã có công việc ổn định, ban ngày thầy đi làm. Tối đến thầy học tiếp văn hóa tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Kon Tum.

Người thầy nặng lòng với giáo dục vùng cao - 1

Thầy Hoàn 13 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao.

Từ nhỏ đã có mơ ước được đứng trên bục giảng dạy các em học sinh nên thầy Hoàn cố gắng ôn luyện để thi đậu vào ngành Sư phạm. Cuối cùng ước mơ của thầy cũng dần trở thành hiện thực khi thầy thi đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum chuyên ngành Thể dục - Đoàn đội. Năm 2007, khi mới tốt nghiệp ra trường, thầy nộp hồ sơ lên huyện nghèo Kon Plông với mong muốn góp một phần nào giúp đỡ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

“Ngày đầu tiên bước vào trường đúng là một sự ám ảnh, cũng như là một kỉ niệm không thể nào quên đối với tôi. Từ nhà đến trường Ngọk Tem, tôi phải vượt quãng đường hơn 100 km. Khi đó đường đi lại chỉ là đường đất, mưa xuống trơn như đổ mỡ. Do không quen đường nên tôi bị trượt té liên tục. 8 giờ sáng tôi bắt đầu đi từ nhà nhưng mãi đến 6 giờ tối mới tới được cổng trường. Đến nơi, người ướt. Còn ngôi trường hiện ra chỉ là mấy phòng học cũ kĩ, lụp sụp”, thầy Hoàn tâm sự.

Tiết dạy đầu tiên của thầy Hoàn chỉ có 5 em học sinh. Khi đó, các em với bộ quần áo lấm lem, chân trần bước vào lớp học nhìn thầy Hoàn với ánh mắt ngơ ngác. Mặc dù các em học sinh nơi đây tiếp thu có phần chậm, nhưng lại rất ngoan ngoãn và nghe lời.

“Tôi vẫn nhớ như in, sau khi kết thúc giờ học buổi sáng, các em lôi từ trong cặp ra những đùm cơm được gói trong túi bóng hoặc lá rừng. Khi đó, cơm đã khô cứng, đóng cục. Tuy nhiên, các em vẫn bốc từng bốc rồi chấm muối ăn ngon lành. Thấy nụ cười của các em khi đó, tôi cảm thấy nhói lòng. Tôi thương các em, thương cho tương lai của các em sau này”, thầy Hoàn tâm sự.

Người thầy nặng lòng với giáo dục vùng cao - 2

Trong quá trình công tác tại trường, thầy Hoàn nhận được nhiều bằng khen.

Tâm tình “gieo chữ” vùng cao

Qua 13 năm gắn bó với trường với học sinh nơi đây, thầy Hoàn đã chứng kiến và trải qua biết bao nhiêu chuyện vui, buồn ở nơi vùng cao này. Thầy nhớ, vào năm 2014, thầy đưa một số em học sinh ở trường ra Trung tâm huyện để tham dự cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ.

Tuy nhiên, mưa lớn khiến quãng đường hơn 50km trở nên sình lầy, trơn trượt hơn bao giờ hết. Thầy trò phải đi nhờ xe chở đồ ăn của người dân để đến địa điểm cho kịp giờ. Nhưng xe mới đi được nửa quãng đường thì bị hư, thầy trò xuống dùng mọi cách để đẩy xe nhưng bất lực. Lúc đó, thầy phải gọi điện ra huyện để nhờ thầy cô hỗ trợ, điều xe vào đón mọi người. Khi thầy Hoàn và các em học sinh ra đến nơi đã trễ giờ. Tuy nhiên, nhận thấy sự háo hức, quyết tâm của các em học sinh nên ban tổ chức vẫn nán lại để đón xem tiết mục cuối cùng.

Các em học sinh với những bộ quần áo lấm lem vẫn tự tin bước lên sân khấu kể câu chuyện Bác Hồ đến thăm người nghèo. Giọng kể có lúc run run, có lúc trầm lại vì đói và lạnh. Nhưng khi các em vừa kết thúc câu chuyện, những tràng vỗ tay dồn dập vang lên. Khi ban tổ chức xướng tên trường THCS Ngọk Tem đạt giải Nhất thì cả thầy và trò chỉ biết ôm nhau khóc vì hạnh phúc. Lúc đó, các em chẳng còn biết đói và lạnh nữa, chỉ thấy trào dâng niềm vui và tự hào.

Đường đến trường không chỉ gian nan là thế, vào năm 2016 có lần thầy Hoàn đi từ nhà vào trường thì một tảng đá lớn từ trên núi rơi xuống. Khi đó thầy nhắm nghiền mắt lại, xác định cuộc đời mình kết thúc tại đây. May mắn, hòn đá bị một cái cây chặn lại, cứu lấy mạng sống của thầy. “Lúc về được tới nơi tôi mới hoàn hồn và biết mình còn sống”, thầy Hoàn nghẹn ngào nói.

Người thầy nặng lòng với giáo dục vùng cao - 3

Thời gian rảnh rỗi, thầy Hoàn thường chỉ bài và trò chuyện cùng học sinh của mình.

Chia sẻ về những học trò của mình, thầy Hoàn với ánh mắt hạnh phúc nói, vào những dịp lễ Tết hay 20/11, các em học sinh của trường không tặng thầy cô những bó hoa lớn, những món quà giá trị mà quà chỉ là những nhánh hoa rừng, hoa dại. Tuy nhiên, thầy cô vẫn cảm nhận được tình cảm, sự gần gũi, thân thuộc của các em dành cho mình.

Thầy Phạm Duy Sơn - Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ngọk Tem cho hay, trong năm học 2019-2020 trường có 9 lớp với 235 học sinh. Trong đó, đa số các em là dân tộc Ca Dong với hoàn cảnh gia đình khó khăn. Do đó, trường tổ chức mô hình bán trú nhưng thực chất là nội trú để giúp các em bớt khó khăn trong quá trình học.

Nhận xét về thầy Hoàng Văn Hoàn, thầy Sơn tự hào nói, thầy Hoàn đã công tác hơn 10 năm tại trường và đã có nhiều tâm huyết, sáng tạo cho trường. Bên cạnh đó, thầy Hoàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Không những vậy, thầy Hoàn luôn là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và là một trong những gương mặt tiêu biểu của tỉnh Đoàn.

Được biết, thầy Hoàng Văn Hoàn là một trong 63 thầy, cô giáo vinh dự được tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Ủy ban dân tộc, Bộ GD-ĐT tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Hà Nội. Đây là những giáo viên đang giảng dạy tại các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn... nhưng đạt thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Phạm Hoàng